Quốc hội thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi)

16:23 15/06/2022

Sáng 15-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

                                                                 

                                           Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

                                               Xác định địa vị pháp lý cụ thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

    Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) nhất trí với các mục tiêu đặc thù như trong Tờ trình của Chính phủ,  tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Đại biểu nhận thấy, điều này cũng lý giải khi trong luật có những quy định khác biệt hơn so với các nguồn tài nguyên khác như năng lượng, tài nguyên nước, năng lượng mặt trời, gió…

                                         

                                                                Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) phát biểu

      Để đảm bảo các yếu tố liên quan đến bảo vệ chủ quyền thông qua các hoạt động điều tra, thăm dò, nghiên cứu, khai thác biển liên quan đến biên giới quốc gia trên biển, liên quan đến vùng trời, trên các công trình đó, đại biểu Tống Văn Băng đề nghị bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Dầu khí lần này là Luật Biên giới quốc gia năm 2003 mà trong Báo cáo số 80 của Bộ Công thương và Ban soạn thảo chưa đề cập đến danh sách 21 Luật liên quan này.

    Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời cần xác định cụ thể hơn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.

    Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, hiện chưa thấy nêu trong dự thảo Luật vấn đề tranh chấp hoặc có nguy cơ tranh chấp về dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài được. Trong thực tế đối với lĩnh vực dầu khí, giao dịch để xảy ra xung đột pháp luật liên quan đến tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại hóa lao động có yếu tố nước ngoài là có khả năng xảy ra. Do đó, đại biểu Tống Văn Băng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm quy định về giải quyết xung đột pháp luật trong Luật Dầu khí.

      Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)  quan tâm đến việc ủy quyền quản lý Nhà nước đối với một số nội dung kinh tế kỹ thuật cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm đảm bảo tăng cường tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của Tập đoàn, bảo đảm hiệu quả hơn trong phát triển ngành Dầu khí.

    Trong lịch sử, nước ta đã có Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm đồng thời cả hai nhiệm vụ là quản lý nhà nước và đầu tư phát triển thúc đẩy phát triển ngành dầu khí. Nếu bây giờ chúng ta trao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia một số chức năng quản lý Nhà nước nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật để hoạt động hiệu quả hơn là một chủ trương thích hợp. Ngoài ra, việc tăng cường phân cấp, đảm bảo tính tự chủ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính tự chủ về hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

                                                    

                                                                   Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu

      Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay, việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước đang có vấn đề. Đó là chúng ta hiện có Bộ chuyên ngành quản lý, Ủy ban quản lý vốn tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, phải nói rằng, mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế nên để đảm bảo hiệu quả cho khu vực này thì cần đến những cải cách. Vì thế, những biện pháp định áp dụng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia sẽ là những thí điểm để có thể mở rộng ra trong các lĩnh vực khác của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.

      Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) nêu rõ, dự thảo Luật liệt kê hoạt động dầu khí nhưng không thấy đề cập đến chế biến. Do đó, đại biểu đặt vấn đề hoạt động dầu khí có bao gồm chế biến không và nếu không sẽ được quy định ở đâu?

    Cho biết, tài nguyên dầu khí được định nghĩa là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề khi dầu khí được khai thác và được chứa trong các đường ống, các kho bồn thì còn là tài nguyên hay không? Lý giải điều này, đại biểu cho biết, một khi dầu khí trở thành tài sản của PVN dù chưa đưa vào thương mại thì có thể trở thành đối tượng để cưỡng chế tài sản nếu có tranh chấp. Bởi thế, cần phân định tài nguyên do Nhà nước quản lý với phần thuộc sở hữu của PVN.

                                  

                                                   Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu

    Cũng liên quan đến PVN, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng dự thảo Luật cần xác định quan hệ giữa Tập đoàn dầu khí và các công ty con. Đại biểu làm rõ, Tập đoàn dầu khí là doanh nghiệp Nhà nước với mỗi khối lượng tài sản rất lớn nếu tất cả mọi hợp đồng đều là một bên ký hợp đồng thì toàn bộ tài sản đều phải chịu trách nhiệm và có thể bị cưỡng chế trong trường hợp có tranh chấp và phải bồi thường. Hơn nữa, là doanh nghiệp nhà nước, khi phát sinh trách nhiệm tài sản, nếu không phân định rõ phần trách nhiệm tài sản thì khi doanh nghiệp nhà nước không đủ tài sản, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị xác định rõ trách nhiệm tài sản của PVN.

    Đại biểu lưu ý thêm kinh nghiệm quốc tế, các tập đoàn lớn khi ký hợp đồng thường thành lập các công ty con hoặc các công ty dự án để nó hạn chế lại trách nhiệm tài sản. Do Luật này liên quan đến chủ quyền quốc gia, xử lý các vấn đề quyền chủ quyền, quyền tài phán, quan hệ thương mại quốc tế, trọng tài quốc tế, xử lý xung đột…đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện luật cần tranh thủ ý kiến các luật sư chuyên ngành, các luật sư đầu ngành và dầu khí, luật sư quốc tế để xem xét một cách chặt chẽ kỹ lưỡng nhất là về trách nhiệm dân sự cho Việt Nam và cho cả Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này.

           Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) nêu những con số ấn tượng về ngành dầu khí hiện nay như: Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.

      Theo đại biểu, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

                                        

                                                         Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) phát biểu

       Theo đại biểu, hiện còn khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng.

     Đại biểu bày tỏ băn khoăn, trong dự thảo luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

       Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

                                                   Quy định rõ nguyên tắc áp dụng để tránh chồng chéo, xung đột pháp luật

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nhất  trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ đối với dầu khí truyền thống mà bao gồm cả dầu khí phi truyền thống theo định nghĩa tại Điều 3. Điều này cũng phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh không gian để thống nhất với Luật Biển.

     Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ và phạm vi điều chỉnh dự thảo. Vì việc triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ là một trong những đặc thù của hoạt động dầu khí đã quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật. Theo đó, nhà thầu dầu khí tham gia thì không thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, một dự án dầu khí sẽ tối ưu hóa và gia tăng chuỗi giá trị của dự án.

                                             

                                                                Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu

   Về áp dụng Luật Dầu khí và các luật liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí Quốc tế, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu các quy định pháp luật tại luật khác để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

    Đồng thời quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí như hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí và dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ. Việc điều chỉnh áp dụng các luật khác liên quan đến hoạt động chung nguồn, hạ nguồn cũng phải được quy định rõ ràng trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế khi triển khai dự án dầu khí.

     Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn.

    Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.

                                              

                                                        Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu

     Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá. Về tính cụ thể của dự thảo luật, đại biểu cũng cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật là cần phải đảm bảo được tính cụ thể. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản, nội dung của dự thảo Luật.

     Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)  cho rằng về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thực sự phù hợp, đề nghị cần xem xét lại. Bởi quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

      Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

                                          

                                                                   Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu

           Theo đại biểu, trong dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật dầu khí, không áp dụng Luật đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất.

                                                   Bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư

    Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng, để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

                                             

                                                                 Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) phát biểu

     Theo đại biểu Tạ Đình Thi, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể là: “Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

     Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, đảm bảo an toàn môi trường.

    Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng đảm bảo giá trị vốn có (làm nhiên liệu, nguyên liệu). Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

    Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của dự thảo Luật. Ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn và phù hợp với định nghĩa ở Khoản 9, Điều 3 và bổ sung giải thích từ ngữ về điều tra cơ bản dầu khí trong dự thảo Luật.

      Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

     Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.

       Đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Khoản 2 Điều 13 thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Như vậy, quy định tại Điều 4 sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí.

                              

                                             Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

     Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần xem xét bổ sung nội dung này vào Khoản 5, Điều 9 và bổ sung một khoản vào Điều 9 để giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện, sử dụng thông tin dữ liệu và kết quả điều tra cơ bản về dầu khí; làm rõ cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (giao nhiệm vụ hay đấu thầu) và các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, báo cáo kết quả thực hiện điều tra cơ bản dầu khí.

     Rà soát các quy định tại các Điều 11, Điều 12 để bảo đảm không ách tắc việc triển khai các dự án hiện nay và tránh sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với dự án điều tra cơ bản dầu khí phi truyền thống; nghiên cứu tách riêng quy định về điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí truyền thống và phi truyền thống vì tài nguyên dầu khí truyền thống hoàn toàn do Bộ Công Thương quản lý, trong khi đó tài nguyên dầu khí phi truyền thống còn có sự chủ trì/tham gia thực hiện của các bộ, ngành khác và do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

     Vấn đề môi trường lớn nhất trong hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu. Các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển. Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…

       Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

     Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) bày tỏ thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông. Do đó, đại biểu góp ý tập trung vào việc làm sao có được chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.

                                        

                                                                      Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu

     Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

       Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí khi đối chiếu với Chương VI về các chính sách ưu đãi đầu tư thì chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng thì lên thiết kế ngay trong Luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản.

      Đại biểu cũng lưu ý khi thiết kế chính sách này cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

    Đại biểu cho biết thêm các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí…Đại biểu cho rằng những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.

     Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này?

     Về quyền lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, đại biểu chỉ ra rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.

                                   

                                                    Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) phát biểu

     Cùng với đó, khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật quy định “Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu”.

       Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành, tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, PVN và doanh nghiệp 100 % vốn của PVN để tránh chồng chéo.

     Ngoài ra, về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí, đại biểu đề nghị xem xét việc quy định thẩm quyền của Tập đoàn Dầu khí khi điều chỉnh đối với một số nội dung không lớn trong đại cương phát triển mỏ dầu khí.

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông