Quốc hội thảo luận về Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)

15:36 26/06/2024

Sáng 26-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số, hợp tác công tư về phát triển văn hóa; quản lý, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật…

       

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

     Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản. Đồng thời, thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa. Thực trạng hiện nay nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ; bảo quản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật. Do đó,  đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật. 

          Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn nào có khả năng đánh giá về các yếu tố cấu thành di tích. Tại Luật Di sản văn hóa 2001 có quy định yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ. Như vậy Luật Di sản văn hóa 2001 có thêm yếu tố thẩm mỹ và theo đại biểu, các di tích có cả giá trị về mặt kiến trúc. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm giá trị thẩm mỹ và giá trị kiến trúc trong các yếu tố cấu thành di tích.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) 

          Theo đại biểu,  khoản a Điều 7 quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được đưa vào danh sách của UNESCO. Hiện đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: múa rối nước, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù… Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định cụ thể về việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật trên.

           Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích được quy định tại Điều 27 và cho rằng, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích là rất quan trọng. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị, dự thảo Luật cần quy định đẩy mạnh việc phân cấp, giảm bớt các thủ tục hành chính theo hướng chỉ nên quy định việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ 1, trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn khu vực bảo vệ 2 nên giao cho UBND tỉnh xem xét, quyết định và không phải xin ý kiến.

Đồng thời, đối với di tích cấp tỉnh, theo đại biểu, cũng nên phân cấp giao cho UBND cấp huyện quyết định mà không phải xin ý kiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

       Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội)  đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, nhiều đổi mới sát thực tiễn hơn so với Luật hiện hành. Đại biểu chỉ rõ, dự Luật có đề cập đến nhiều chính sách về phát triển văn hóa nói chung và nhiều chính sách về giá trị văn hóa tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa nói riêng.

Đề cập đến vấn đề di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, đại biểu cho biết, Điều 24 Hiến pháp 2013 đã xác định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Hiện cả nước đã có nhiều tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 cùng nhiều văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện để các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này cũng có đề cập đến các quy định về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử, di vật, cổ vật, di sản tư liệu nói riêng. Riêng về di tích lịch sử văn hóa tôn giáo đang chứa đựng không chỉ giá trị di sản vật thể mà còn có cả giá trị phi vật thể cùng hòa đồng tích hợp. Đại biểu mong muốn được xem xét cụ thể hóa về tiêu chí nhận diện di tích hỗn hợp và xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Quốc hội thảo luận về Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững. Theo đại biểu, hiện nay, loại hình này đã và đang trong quá trình phát triển theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Trong đó đều có liên quan đến việc kết hợp phát huy giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và di sản địa chất.

          Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6-6 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu rõ việc phải phát huy giá trị công viên địa chất thông qua xem xét các hình thức để phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, coi đây như một sản phẩm du lịch đặc biệt. Hơn nữa, đề xuất những cơ chế để huy động sự tham gia của người dân, đào tạo cho người dân và xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính chất độc đáo cho nhiều đối tượng tham gia.

Đến nay, cơ chế, chính sách cũng như khung khổ pháp lý, vẫn đang thiếu. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một cách phù hợp đối với vấn đề này, góp phần phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng địa phương. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đồng bộ quy định giữa dự thảo Luật Di sản văn hoá và dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp Công viên địa chất là sự kết hợp hài hoà, tích hợp giữa hai yếu tố di sản địa chất và di sản văn hoá.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai)  

           Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai)  đề nghị l àm rõ hơn cơ sở thực tiễn, pháp lý và mục tiêu của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Theo đại biểu, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và Điều 12 Nghị định 163/2016 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

          Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến số hóa di sản văn hóa. Để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ bảo tồn phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới. 

 Trong đó chú ý các chủ trương đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33 cần được tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn như huy động sức mạnh của toàn xã hội, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa.

Về quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa trong dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét một số vấn đề hiện đang có những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Trong đó, về quy định dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di sản, Điều 27 dự thảo luật quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

 Theo quy định của dự thảo luật, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới, hoặc điều chỉnh chủ trương dự án chuyển tiếp trong vùng lõi, vùng đệm của di sản văn hóa thế giới bao gồm cả những dự án có quy mô nhỏ mang tính chất phục vụ, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy các giá trị di sản, cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu cho rằng, nội dung quy định này khi triển khai thực hiện trong thực tiễn sẽ khó khăn vì phần lớn các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp; việc quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ làm tăng thủ tục hành chính và kéo dài thủ tục pháp lý.

  Đối với việc xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trong địa bàn địa phương, bộ, ngành trung ương. Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới; phần nội dung thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì nên phân cấp lại cho địa phương./.

                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông