15:22 13/06/2022 Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
40 năm hành nghề chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế khủng hoảng như hiện nay
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tròn 40 năm ông làm nghề y, nhưng chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay.
Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng… và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.
Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình. Ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp luật như Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật đấu thầu mua sắm, Luật tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, thực tiễn qua công tác phòng, chống dịch COVID- 19 thời gian qua càng thấy rõ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, nhất là cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trên lĩnh vực này ở các cấp luôn làm việc rất vất vả trong các đợt dịch bùng phát. Tuy nhiên, khó khăn, vất vả là vậy song chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế lại rất thấp.
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này cần có định hướng, chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.
Bên cạnh đó, trong dự án Luật cần nhấn mạnh đến việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những vấn đề cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn trong dự án Luật.
Bảo đảm lợi ích cho người bệnh
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) dẫn thông tin trên báo chí ngày 3-6 cho biết, ngay trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Ba, một bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện tại Hà Nội và đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng được kê trong đơn thuốc trong khi chỉ phải chi 400 nghìn đồng cho thuốc điều trị. Bài báo này cũng chỉ ra, vì các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ như vậy nên rất nhiều bệnh nhân nghèo đã phải bỏ Viện ra về.
"Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh. Trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân phải chi trả rất nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết; không được giải thích rõ ràng về kết quả khám, chữa bệnh, thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong khám, chữa bệnh", theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu
Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng nêu trên, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám, chữa bệnh. Do vậy, về nguyên tắc, pháp luật về khám, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.
Theo đại biểu, về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích chưa được dự thảo Luật quan tâm đúng mức nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc “đắt đỏ” như đã đề cập ở trên. Theo pháp luật nhiều nước, để tránh xung đột lợi ích, người hành nghề khám, chữa bệnh cần phải công khai những mối quan hệ lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh như các công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán, các cơ sở nghiên cứu y học… để được giám sát trong quá trình hành nghề.
Các thông tin này có thể được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết. Pháp luật một số nước như Hàn Quốc thậm chí còn quy định rõ một số trường hợp cấm người hành nghề hưởng các lợi ích vật chất từ hãng dược phẩm, các cơ sở nghiên cứu phát triển thuốc, trang, thiết bị y tế… dưới các hình thức khác nhau để bảo đảm quyền lợi tối đa của người bệnh.
Nhấn mạnh, qua đại dịch COVID- 19 vừa qua, sự quan tâm của các cử tri và các tầng lớp nhân dân đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất lớn, đại biểu Hoàng Minh Hiếu mong muốn, Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự án Luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền, lợi ích của người bệnh, thực sự để người dân được thuận lợi khi khám bệnh, chữa bệnh.
Nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình
Liên quan đến mô hình bác sỹ gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn), đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, hiện nay, mô hình bác sỹ gia đình chưa được quan tâm triển khai và thiếu vắng các quy định cần thiết trong dự thảo luật.
Theo đại biểu Lê Thu Hà, mô hình bác sỹ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu khá phổ biến ở nước ngoài, được phát triển thành công từ nhiều thập kỷ trước đây, không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc, mà còn ở cả các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philipines. Thông thường mỗi bác sỹ phụ trách một danh sách bệnh nhân nhất định, các bệnh nhân được đăng ký một bác sỹ gia đình cụ thể để chăm sóc sức khỏe cho họ, việc thăm khám cho bệnh nhân hầu hết được thực hiện tại nhà và để được khám tại tuyến trên thì các bệnh nhân phải được sự giới thiệu của bác sỹ gia đình.
Một ví dụ điển hình được các đại biểu Quốc hội đưa ra là từ những năm 1980, Cuba đã đưa ra chương trình bác sỹ gia đình, trong đó các nhân viên y tế, bác sỹ phụ trách từng khu vực dân cư và chịu trách nhiệm về giáo dục y tế, y tế dự phòng cho khu vực này, với tỷ lệ 1 nhân viên y tế/159 người dân. Hệ thống y tế của Cuba tập trung mạnh vào phòng bệnh, sử dụng phương tiện kỹ thuật thấp nhưng đặc biệt hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hệ thống y tế Cuba được công nhận là xuất sắc, đáng để các nước học hỏi. Chiến lược tập trung vào giáo dục và y tế dự phòng, tận dụng các nguồn lực này đã khiến y tế Cuba trở thành nền y tế hiệu quả nhất, bảo đảm mọi công dân nghèo nhất đều tiếp cận với dịch vụ y tế.
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu
Ở nước ta, mô hình phòng khám bác sỹ gia đình đã được Bộ Y tế phê duyệt để nhân rộng và phát triển giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhằm góp phần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Bộ Y tế cũng đề ra mục tiêu cụ thể là hoàn thiện mô hình phòng khám bác sỹ gia đình phù hợp với thực tiễn Việt Nam; xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về hoạt động của bác sỹ gia đình, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình; nhân rộng và phát triển phòng khám bác sỹ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình bác sỹ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.
Đại biểu Lê Thu Hà chỉ rõ, đến nay cả nước mới chỉ có 340 phòng khám bác sỹ gia đình; 256 phòng khám công lập và 84 phòng khám tư nhân. Số phòng khám được cấp phép hoạt động theo Thông tư số 16/2014 của Bộ Y tế là 198, số chưa được cấp phép hoạt động là 142. Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 81 nghìn người bệnh, và đến tháng 9/2021 được lập tăng lên gần 16 triệu hồ sơ.
Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, phòng khám bác sỹ gia đình triển khai chưa hiệu quả là do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo và có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập, trong khi ở các nước đây là lực lượng chủ chốt; không có cơ chế tài chính để bảo đảm nguồn thu cho các cơ sở y học gia đình để duy trì phát triển. Các cơ sở y tế gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu nên chưa khuyến khích được sự tham gia. Thanh toán bảo hiểm y tế các dịch vụ mô hình phòng khám bác sỹ gia đình còn nhiều khó khăn…
Để tháo gỡ bất cập nêu trên, tạo điều kiện để mô hình bác sỹ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng, toàn xã hội nói chung, đại biểu tỉnh Lào Cai đề nghị cần luật hóa, tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phát biểu
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời, cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bệnh, ngoại trú.
Luật hóa các hình thức xã hội hóa trong y tế
Nhất trí với chính sách tại dự thảo Luật “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, song đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, các điều khoản trong dự thảo chưa thể chế hóa được đầy đủ chủ trương về thực hiện xã hội hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Cụ thể, theo đại biểu, Điều 90, dự thảo Luật quy định về xã hội hóa, nhưng các nội dung còn chung chung, chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập; chưa cụ thể hóa được các chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân; chưa có sự phân tách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào vùng khó khăn để khuyến khích xã hội hóa.
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần rà soát lại và bổ sung thêm các nội dung nhằm đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập để thể hiện được chủ trương, quan điểm của Đảng đã nêu rất rõ về nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 20, Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế…”
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu
Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập các đơn vị sự nghiệp có quy định các Bệnh viện công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Đây cũng là một trong các giải pháp để thực hiện xã hội hóa trong y tế, tuy nhiên đại biểu Trần Khánh Thu chỉ ra, trong dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể và đầy đủ để cho các đơn vị y tế yên tâm tự chủ. Các cơ sở y tế công lập vận hành theo cơ chế tự chủ, song các hoạt động thì vẫn theo các quy định chung của đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến các vướng mắc và xuất hiện khó khăn ngay trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, hiện nay cơ sở y tế được tự chủ nhưng chưa có cơ chế, phương thức, không đủ nguồn lực để chủ động phát huy năng lực chuyên môn; không tạo ra động lực thúc đẩy cho cán bộ có trình độ; không có chính sách để thu hút được nhân lực có chuyên môn giỏi...
Tự chủ nhưng chưa được tự quyết định về tài chính trong đó có việc giá dịch vụ y tế chưa được điều chỉnh gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của cơ sở khám, chữa bệnh. Việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh gặp khó khăn hơn bao giờ hết do việc tham khảo giá trên các trang công khai của Bộ Y tế chưa đầy đủ hoặc có nhiều mức giá khác nhau tại cùng 1 thời điểm hoặc thay đổi trong cùng 1 khoảng thời gian ngắn gây nên những nguy cơ tiềm ẩn sai phạm khi thực hiện mua sắm.
Nêu ra những hạn chế trên, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị ngay trong Luật cần cụ thể hóa quy định các hình thức xã hội hóa trong y tế, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế. Đối với các nhiệm vụ đặc thù, đại biểu cho rằng, cần huy động sự tham gia của nhiều thành phần, kể cả tư nhân, nhưng phải bảo đảm công bằng, minh bạch.
Và khi hoạt động tự chủ thì việc cung ứng dịch vụ phải tuân thủ theo cơ chế thị trường; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật gắn với yêu cầu chất lượng để hạch toán vào giá dịch vụ đầy đủ các cấu phần và vận hành theo Luật Doanh nghiệp và bị chi phối bởi Luật Giá, luật thuế và các quy định khác. Bởi khi bóc tách phần tự chủ và vận hành theo quy luật kinh tế thị trường và được điều chỉnh theo các luật, thì việc cung cấp dịch vụ chất lượng sẽ là thước đo của cơ sở đó; phát huy được sức mạnh của phần đầu tư mang lại giá trị đích thực cho người bệnh.
Bên cạnh đó, cần có các quy định để cụ thể hóa các ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực, về đất đai, về thuế, cơ chế tài chính, cơ chế phối hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách, cơ chế thu hút đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa… cho phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thậm chí ngay tại y tế cơ sở giúp người dân có thể tự lựa chọn dịch vụ y tế chất lượng cho mình được nhanh nhất, nhằm giúp công tác chăm sóc y tế tốt hơn, tiết kiệm được chi phí chữa bệnh, phát huy tối đa hiệu quả máy móc thiết bị, nguồn nhân lực tại chỗ, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đề nghị quan tâm hơn tới chăm sóc sức khỏe tâm thần
Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) nêu rõ: sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, và xã hội. Các yếu tố chính quyết định đến sức khỏe là môi trường kinh tế và xã hội, môi trường tự nhiên, và đặc điểm, ứng xử của các cá nhân trong xã hội. Các yếu tố này ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần.
Theo Phật giáo, con người gồm tập hợp của năm yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Yếu tố “sắc” thuộc về vật chất, còn lại “thọ, tưởng, hành, thức” thuộc về tâm, tâm thức, tinh thần, tâm thần. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được hết sức chú ý quan tâm.
Thời gian gần đây, báo chí liên tiếp đưa tin xảy ra những vụ việc đau lòng về các vụ tự tử ở một số địa phương trên cả nước. Điển hình là vụ việc người cha ôm con nhảy cầu tự tử ở Cửa Đại, Quảng Nam, và cách đây hai ngày cũng tại Cửa Đại, một cô gái 22 tuổi đã nhảy cầu tự tử.
Có thể nói, áp lực cuộc sống, thu nhập, công ăn việc làm, nhu cầu xã hội ngày càng cao và luôn luôn không được thỏa mãn, xung đột gia đình, dịch bệnh, như dịch bệnh COVID-19 vừa qua…, theo phân tích chuyên môn của các chuyên gia, những yếu tố này làm gia tăng tỷ lệ người bị lo âu, trầm cảm, có ý tưởng tự sát và toan tự sát. Dựa vào các khảo sát xã hội học, UNICEF đưa ra mối quan ngại lớn đến sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh, thiếu niên.
Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) phát biểu
Đối với Việt Nam, chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề khá nghiêm trọng. Hiện nay, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế còn rất thiếu thốn cả về nguồn nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong xã hội còn tồn tại quan niệm sai lệch, sự kỳ thị, coi đó là bệnh điên, hoặc nhiều người cho đó là ma làm, quỷ ám…; đồng thời có nhiều cách thức ứng xử không phù hợp, thậm chí mê tín, dị đoan.
Từ những phân tích trên, Thượng tọa Thích Đức Thiện kiến nghị Chính phủ tập trung phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tất cả các tuyến bệnh viện đến tận cơ sở, nhằm kịp thời dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc người có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần, mà không chỉ đơn thuần quy định hình thức bắt buộc chữa bệnh như tại Điều 67, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đồng thời, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đề nghị xem xét bổ sung chức danh “Chuyên gia trị liệu tâm lý” vào nhóm chức danh nghề nghiệp tại Điều 18, dự thảo Luật. Họ là những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý qua các liệu pháp trò chuyện, giảng giải, giải tỏa tâm lý, giải phóng áp lực bằng những năng lượng tích cực.
"Thả nổi giá khám chữa bệnh khu vực tư sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh"
Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu
Liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết. Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật
Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn các đại biểu Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, có rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Luật. Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, nhưng cũng làm nổi bật các kết quả của ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển vươn lên có thu nhập trung bình, nước ta được rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá là nước có các mặt công tác y tế tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới. Kết quả đó không chỉ đến từ những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, mà còn đến từ sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn và sự tham gia của đông đảo người dân.
Phó Thủ tướng cho biết, qua 27 ý kiến phát biểu, ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm, cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phải tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu và các bệnh viện rất quan tâm đó là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay, mặc dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ...
Hồng Thanh
21:20 21/11/2024
16:13 21/11/2024
16:12 21/11/2024