Quốc hội thảo luận về Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

17:14 14/06/2022

Chiều 14-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh mẫn ddieuf hành phiên thảo luận.

                                                   

                                          Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận

                                                        quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình

    Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) tán thành cao với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

     Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu chỉ ra rằng tại điểm q Khoản 1 Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình.

                                           

                                                                Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu

    Đại biểu phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính trong gia đình phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai? Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

   Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định: người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

       Về xử lý tin tố giác về bạo lực gia đình, Điều 28 của dự thảo Luật quy định đã quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, tuy nhiên, quy định này còn nặng về thủ tục hành chính, trong khi hành vi bạo lực gia đình là những hành vi chất có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đều cần bổ sung thêm quy định, ngay sau khi nhắn tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó thì mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.

    Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

     Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng, trong những năm qua Nhà nước ta có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng thực tế hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.

                                                          

                                                     Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu

     Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và để các quy định trên có thể thực hiện trong thực tế, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện. Cụ thể là phải đảm bảo được nguồn lực về tài chính và nhân lực để đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải có đánh giá tác động kỹ hơn về các quy định của dự thảo Luật này và có giải trình cụ thể hơn về tính khả thi đối với các nội dung này.

                                                                    Mở rộng đối tượng gây bạo lực gia đình

     Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm. Cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. 

                                       

                                                                      Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) phát biểu

      Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”. Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế.

     Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho biết, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định: hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

     Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con, của người yêu, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

                                                  

                                                                Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu

     Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định người sống với nhau như vợ chồng tại khoản 2, Điều 4 cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng khoản 2, Điều 4 cần phải điều chỉnh lại là hành vi bạo lực quy định tại Khoản 1 điều này còn được áp dụng đối với những người chung sống với nhau khi họ xác định có sự liên kết, gắn bó và trách nhiệm với nhau.

                                         

                                                                    Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu

    Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng phạm vi, nội dung mới là các biện pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, nội dung phòng chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng hơn nhiều như Quốc hội đang thảo luận. Nếu luật được mở rộng, các biện pháp để bảo đảm quyền, trách nhiệm của các thành viên phù hợp thực tiễn các văn bản dưới luật sẽ được đưa vào luật mới. Nếu có giám sát pháp luật về gia đình thì Quốc hội chỉ tập trung vào hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp luật mới.

                              Bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng

     Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) góp ý vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, Điều 4, khoản 1, điểm k quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình.

      Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung này cho sát với thực tiễn. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

                                    

                                                         Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu

    Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, tại Điều 6, Khoản 11 của Luật trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai luật. Tại Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Vì hiện nay chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và đại biểu cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

        Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.

                                                                            Có các biện pháp bảo vệ trẻ em

    Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tế, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75 %. Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của em.

                                                              

                                                               Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)  phát biểu

    Đại biểu cũng cho rằng, đặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

    Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

     Ngoài ra, phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật để có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình, nhưng tránh sự chồng lấn, sự mâu thuẫn giữa hai luật này.

                                 

                                            Quốc hội thảo luận về Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

    Về biện pháp hòa giải vụ việc bạo lực gia đình, tại Điều 21 dự thảo luật quy định biện pháp hòa giải không chỉ được áp dụng đối với các tranh chấp, các mâu thuẫn trong gia đình như luật hiện hành, mà còn được áp dụng cả đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng, trong nhiều trường hợp việc bổ sung như dự thảo luật là cần thiết, tuy nhiên, đối với trường hợp bạo hành trẻ em cũng tiến hành hòa giải chưa phù hợp vì đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có sự bảo vệ đặc biệt.

    Đại biểu đề nghị sửa lại quyết định này theo hướng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em mãi đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần áp dụng biện pháp tương xứng. Trường hợp mà chưa đến mức hình sự hoặc chưa đến mức hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại Điều 23 của dự thảo luật để kịp thời cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn chủ trì để kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn mà không nên cho hòa giải đối với trường hợp này…

     Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn. Do đó, đại biểu kiến nghị 3 giải pháp:

   Một là, kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em. 

   Thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

    Thứ ba, kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình./.

                                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích