Quốc hội thảo luận về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

16:17 03/06/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15, sáng 3/6/2022, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

                                                                                     

                              Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận                      

                                                               Cần thiết thực hiện mô hình

     Đa  số ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình về thực hiện mô hình. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề tại ngoài trại giam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

      Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cũng đồng tình và cho rằng, dự thảo nghị quyết cần có thêm một khoản nữa để Chính phủ quy định chi tiết nội dung lựa chọn phạm nhân cho ra ngoài trại giam lao động.

                                                

                                                             Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu

    Theo đại biểu, về chính sách tạo việc làm cho phạm nhân sau khi ra trại giam nay gặp không ít khó khăn. Tuy đã được học nghề trong trại giam nhưng khi chấp hành xong án phạt tù thì vấn đề tìm việc làm là một thách thức lớn đối với họ trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn tù rơi vào cảnh vô gia cư hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Trong quá trình đi tìm việc làm họ vấp ngay phải tình trạng các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự phục thiện của họ nên không sẵn sàng tiếp nhận.

            Do đó, việc áp dụng thí điểm lần này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 7 dự thảo Nghị định việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân để khi chấp hành xong án phạt tù họ có thể tìm kiếm được việc làm ổn định.

     Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nhất trí việc cho phép thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời hạn 5 năm, cho rằng đây là mô hình phù hợp. Việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân, qua đó có cơ sở thực tiễn để tổng kết, đánh giá, đề xuất mô hình, chính sách phù hợp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về từng bước thực hiện việc xã hội hóa công tác thi hành án.

                                                 

                                                      Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) phát biểu

    Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, số lượng trại giam được thực hiện thí điểm như vậy là phù hợp. Song do đây là việc thực hiện thí điểm nên để có khả năng tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, tính phù hợp quy định pháp luật và hiệu quả của mô hình thí điểm thì việc lựa chọn danh sách các trại giam được áp dụng thí điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải vừa mang tính đại diện vùng, miền, địa bàn, vừa phản ánh được tính chất, đặc điểm về quy mô, số lượng phạm nhân được giao quản lý chứ không phải là lựa chọn những nơi có điều kiện thuận lợi gần các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển sẽ thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác.

      Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị rà  soát kỹ các trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp. Đại biểu Nguyễn Tạo chỉ rõ, tại Khoản 4 Điều 1 quy định “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” thì thuộc trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam Đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm trường hợp này để đảm bảo tính thống nhất, khả thi của dự thảo Nghị quyết. 

      Về việc không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân từ 60 tuổi trở lên, đại biểu cho rằng đây là độ tuổi lao động chứ không phải độ tuổi để căn cứ viện dẫn Điều 2 Luật Người cao tuổi, do đó cần quy định rõ nam, nữ theo độ tuổi lao động theo quy định của Luật Lao động cho phù hợp với thực tiễn. 

                                                              

                                                          Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu

     Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện thí điểm mô hình, ngoài cơ chế chính sách thu hút đầu tư hiện hành, nên có quy định về loại hình đầu tư khác, để thu hút lao động là phạm nhân đang chấp hành hình phạt.

      Ngoài ra, đại biểu đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân bổ sung biên chế, trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi triển khai đưa phạm nhân đi lao động, học nghề ngoài trại giam.

     Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân trong việc cải tạo, giáo dục và chuẩn bị trước một bước giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm áp lực của Nhà nước trong công tác quản lý giáo dục, chấp hành án phạt tù. 

    Đại biểu nêu quan điểm, hoạt động tổ chức cho phạm nhân học nghề, thực hành nghề lao động ngoài    trại giam từ trước đến nay chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trên thực tế có việc tổ chức, doanh nghiệp trong nước ký kết với trại giam trên toàn quốc để tổ chức thực hành dạy nghề và tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng không đưa ra ngoài, chủ yếu trong phạm vi của trại giam. Tuy nhiên, trong những năm qua thực hiện việc hướng nghiệp, dạy nghề lao động cho phạm nhân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thực hiện trong trại giam, nhưng, cơ sở vật chất hạn chế, ngành nghề đào tạo không phong phú và chưa được đầu tư thỏa đáng. 

                                                                                

                                                  Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phát biểu

      Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị  cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm nhưng cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

     Tuy nhiên, cũng còn có một số ý kiến băn khoăn. Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre),  việc thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là nội dung lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thi hành án, phạt tù và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, về cơ sở chính trị pháp lý, từ sau khi Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019 đến nay chưa có văn bản nào có tính pháp lý cao hơn cho chủ trương nghiên cứu nội dung này, mới chỉ có các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019.

   Về cơ sở thực tiễn, Chính phủ đưa ra lý do mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tạo việc làm bên trong trại giam là khó khăn; hình thức lao động trong trại giam chủ yếu là ngành nghề đơn giản yêu cầu lao động thấp, thời gian hợp tác ngắn hạn làm hạn chế hình thành kỹ năng lao động, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sau khi phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, công tác giáo dục, cải tạo lao động dạy nghề đối với phạm nhân là trọng tâm trong xuyên suốt trong quá trình thi hành án. Việc bố trí, sắp xếp cho lao động thường xuyên là trách nhiệm của trại giam, trong khi một số trại giam không có hoặc khó có điều kiện liên kết hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện nội dung này.

                                                           

                                            Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu

   Trong khi đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có một số điều khoản cho ý kiến về tổ chức lao động cho phạm nhân. Đại biểu đặt câu hỏi, kết quả đã làm được tới đâu, như thế nào, bất cập ra sao và còn những tồn tại, vướng mắc nào. Đây là nhưng vấn đề chưa được Chính phủ làm rõ, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu.

    Đại biểu nhấn mạnh, việc tổ chức hình thức lao động cho phạm nhân cần phải đảm bảo tính nhất quán của Nhà nước. Các bản án của quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành.

     Đại biểu cho biết thêm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh về tình hình trật tự an ninh và cần phải được quan tâm nhiều hơn. Đại biểu cho biết, việc đưa phạm nhân ra ngoài trại tạm giam lao động ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang. Chưa kể đến việc bố trí phương thức quản lý, quản lý về công cụ hỗ trợ đối với phạm nhân nữ…là những nội dung chưa được Báo cáo đánh giá tác động làm rõ.

    Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu một cách thấu đáo và quan tâm hơn trong việc rà soát, tập trung cải thiện các cơ sở tạm giam, đầu tư cơ sở vật chất khi đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện lao động cho phạm nhân theo quy định để vừa giải quyết vấn đề bất cập, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa, phát sinh tội phạm trong tình hình mới. 

                                                             Tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết

     Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao, sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án phạt tù.

     Theo đó, các đại biểu Quốc hội quan tâm tới việc phân loại đối tượng ra khu lao động ngoài trại giam, thời gian thí điểm thực hiện nghị quyết, phần thù lao được hưởng qua kết quả lao động khu vực ngoài trại giam của phạm nhân, những hàng hóa để đảm bảo được các  quy định quốc tế cũng như Việt Nam với những sản phẩm mà lao động này sản xuất ra, những căn cứ pháp lý, cơ sở pháp lý để ban hành Nghị quyết, tiêu chí, số lượng các trại giam được đưa vào để thực hiện theo Nghị quyết, thời gian thực hiện Nghị quyết, những quy định ưu đãi của các doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư tham gia vào việc tạo môi trường người lao động là những người đang thi hành án phạt tù,…

                                                         

                            Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung của dự thảo nghị quyết

    Về vấn đề cụ thể liên quan tới các ngành nghề, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước. Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo Quy định tại Thông tư số 11 ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

     Về quy định các đối tượng không được đưa ra sử dụng lao động sản xuất, dạy nghề ngoài trại giam như Nghị quyết, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về tội danh cụ thể phạm nhân, lý do đưa ra phạm nhân về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Trên thực tế thì hiện nay chưa có những phạm nhân phạm tội này thực hiện thi hành án trong trại giam Việt Nam. Tuy nhiên, trong dự kiến có những phạm nhân chấp hành án về điều này thì đều có những yếu tố quốc tế cho nên xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm, nhạy cảm của tội phạm trên nên đề xuất không đưa lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

    Về các điều kiện khác như có từ 2 tiền án trở lên, tội phạm nguy hiểm, người tổ chức trong đồng phạm, đây là những phạm nhân có thân nhân xấu, tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong trại giam. Trên cơ sở những quy định của pháp luật khác, cơ quan soạn thảo lựa chọn để đưa ra những vấn đề này. Liên quan đến lý do các đối tượng phạm nhân dưới 18 tuổi hoặc người từ 60 tuổi trở lên không được tham gia lao động, dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, theo quy định của Khoản 2, Điều 10 Luật Thi hành hình sự năm 2019, phạm nhân dưới 18 tuổi phải được bố trí, giam giữ riêng.

                                    

                                                                           Quang cảnh phiên thảo luận

     Bên cạnh đó, việc tổ chức lao động, dạy nghề thực hiện chế độ chính sách cho những đối tượng này cũng phải có sự khác biệt so với các phạm nhân khác. Các trại giam phải tổ chức các hoạt động giáo dục, cải tạo riêng đặc thù như tổ chức dạy văn hóa, các trung tâm dạy nghề của các trại giam khác. Đối với những người trên 60 tuổi, theo Luật Người cao tuổi quy định những người cao tuổi lớn, người từ đủ 60 tuổi trở lên. Do đó công tác quản lý, giáo dục đối với phạm nhân là người 60 tuổi trở lên cũng phải có những biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi.

     Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự. Những người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 5 năm tù với chuẩn bị chấp hành án phạt tù sẽ được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề.

     Theo đó, mỗi phạm nhân chỉ được học một nghề. Đối với những người đi lao động tại các trung tâm lao động ngoài trại giam cũng sắp xếp 6 tháng trước khi hết hạn chấp hành án phạt tù, căn cứ vào yêu cầu lứa tuổi phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam sẽ được xem xét đưa trở lại trại giam để đào tạo trình độ nghề sơ cấp, tuân thủ các yêu cầu đào tạo, khi hoàn thành sẽ được cấp chứng chỉ dạy nghề theo quy định chung. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn Quốc hội, cơ quan có liên quan khác để hoàn thiện thể tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua.

     Phát biểu kết luận phiên họpPhó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại phiên thảo luận đã có 16 ý kiến phát biểu và 5 đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ Công an đã có tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến tiếp tục gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, tổng hợp đầy đủ là cơ sở để các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện nghị quyết.

                                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông