Quy định đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm tính nhân văn với người chưa thành niên phạm tội

15:45 21/06/2024

Sáng 21-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là nhằm: hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

           Cùng với đó là còn nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

          Dự thảo Luật có bố cục gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

           Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

           Đồng tình với quan điểm cho rằng việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)  lưu ý, cần rất cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của dự thảo Luật này để khi luật được ban hành vừa đảm bảo được tính nhân văn, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm nhưng vẫn phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.

          Theo đại biểu, rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng thì sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin, thậm chí dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này rất đáng lo ngại.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) 

Dự thảo luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn, 3 biện pháp cưỡng chế; bổ sung 2 biện pháp “giám sát điện tử” và “giám sát tại nhà”; đồng thời, thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không. Tán thành nội dung này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, việc đổi mới chế độ cưỡng chế trong trường hợp người chưa thành niên bị buộc tội trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên. Các biện pháp cưỡng chế trong Luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu thân thiện với người chưa thành niên, sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của người chưa thành niên và tác động không nhỏ đến khả năng tham gia tố tụng của đối tượng này.

          Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ đối với việc giám sát điện tử, giám sát tại nhà, bảo đảm các em không bị tách khỏi gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện, đồng thời góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi về nguồn lực, nhân lực, kinh phí trang bị thiết bị thực hiện các biện pháp: cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại, quản thúc tại gia đình, cấm đến các địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội… Theo đại biểu,   khó có thể cắt cử người giám sát 24/24h để giám sát thi hành mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát trong suốt quá trình áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

          Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, biện pháp xử lý chuyển hướng đáp ứng Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên mà Việt Nam là tham gia.

           Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc thêm về biện pháp xử lý chuyển hướng và điều kiện áp dụng để bảo đảm có biện pháp phòng ngừa, giáo dục người chưa thành niên phạm tội nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) 

           Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhất trí với việc mở rộng và quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng như trong dự thảo luật sẽ khắc phục được những khó khăn, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự, bảo đảm phù hợp với từng trường hợp, đối tượng người chưa thành niên.

Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng trường hợp; phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của người chưa thành niên.

          Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, cần quy định rõ những trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng", bởi lẽ, người chưa thành niên có tâm lý chưa vững vàng, trong quá trình thực hiện công tác phục vụ cộng đồng, người chưa thành niên có thể bị dòm ngó, chụp ảnh, quay video clip và phát tán trên mạng ngoài tầm kiểm soát, gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của người chưa thành niên và gây ra những hệ quả khó lường trước. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung thêm quy định về bảo đảm quyền học tập của người chưa thành niên.

           Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề xuất,  cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Cùng với đó, cần xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm./.

                                                                                                                             Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông