01:19 22/01/2023 Cùng với cả nước, người Hải Phòng đón mừng xuân mới 2023 trong niềm vui và sự tự tin về những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thử thách có thể gay gắt hơn ở phía trước, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cảng. Trước thềm năm mới Quý Mão, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã dành cho phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng cuộc phỏng vấn thú vị, đầy ý nghĩa về niềm tin và ý chí phấn đấu của toàn Đảng bộ quyết tâm đưa Hải Phòng có những bước bứt phá mới ngoạn mục hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Năm 2022 qua đi với muôn vàn khó khăn, thách thức. Chủ tịch có cảm nhận sâu sắc gì về bản lĩnh vượt khó của Hải Phòng?
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng: Năm 2022, cùng cả nước, Hải Phòng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu liên tục biến động; lãi suất ngân hàng tăng cao…
Một góc đô thị Hải Phòng
Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn nhưng với tinh thần đoàn kết, bình tĩnh, tự tin, kiên định các mục tiêu đề ra; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tư duy và hành động đổi mới của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Hải Phòng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục là điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Hơn lúc nào hết trong năm qua, bản lĩnh vượt khó của vùng đất nơi đầu sóng được phát huy cao độ, trở thành nguồn sức mạnh, nguồn động lực tinh thần quý giá để Hải Phòng vững vàng vượt qua mọi thử thách, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, mang lại niềm tự hào cho mỗi người dân thành phố.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch, đồng chí có thể nói rõ hơn niềm tự hào đó trong năm 2022 của thành phố Cảng chúng ta là gì?
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng: Thứ nhất, Hải Phòng tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo môi trường thuận lợi, an toàn; quốc phòng - an ninh được giữ vững để phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của thành phố.
Thứ hai, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/19 chỉ tiêu KTXH. Riêng chỉ tiêu GRDP mặc dù chỉ tăng 12,32% so với năm 2021, chưa đạt kỳ vọng đề ra (tăng trên 13%) nhưng vẫn gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước, thuộc tốp đầu các tỉnh thành. Đáng chú ý, Hải Phòng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số liên tục 7 năm liền; quy mô nền kinh tế đứng thứ 6 cả nước.
Cũng rất ấn tượng khi lần đầu tiên, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 108.000 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu đạt 66.000 tỷ đồng, vượt thu 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND thành phố giao. Với kết quả này, Hải Phòng sẽ tiếp tục được thưởng vượt thu theo Nghị quyết 35 của Quốc hội (năm 2022, thành phố cũng đã được thưởng vượt thu 1.785 tỷ đồng để đầu tư phát triển). Số thu nội địa cũng bám sát mục tiêu đề ra là 41.000 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu nổi bật khác là thu hút vốn FDI đạt 2,5 tỷ USD; khách du lịch tăng 88% so với năm 2021, đạt gấp rưỡi kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa qua Cảng 168 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt kế hoạch HĐND thành phố giao...
Thứ ba, Hải Phòng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác nhiều dự án, công trình như cầu Rào 1, đường Đông Khê 2, đường Máng Nước; khởi công xây dựng cầu Bến Rừng; tuyến đê biển Nam Đình Vũ; dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2. Năm 2022, thành phố còn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường kết nối từ Vĩnh Bảo, An Lão, Đồ Sơn ra đường ven biển; các dự án giao thông trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên; xây dựng các bến mới số 3, 4 và bến 5, 6 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...; chuẩn bị thủ tục khởi công nhiều dự án lớn, chiến lược trong năm 2023. Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng các đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương. Hải Phòng có 5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới là: Cát Hải, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy; 2 huyện Vĩnh Bảo và An Lão đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng công nhận vào đầu năm 2023. Đã có 22 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2022 đang tiếp tục triển khai 35 xã.
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số Hải Phòng có bước tiến vượt bậc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vươn lên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR) được xếp thứ nhất cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức năm 2021 (SIPAS) đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Hải Phòng đang hoàn thiện dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, chúng ta đã triển khai 61 nhiệm vụ về số hóa ở các lĩnh vực quan trọng với tổng kinh phí 399 tỷ đồng, đồng thời đã triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Thứ năm, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lập lại trật tự kỷ cương trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, các địa phương tập trung xử lý các trường hợp tự ý xây dựng nhà trên đất công, đất nông nghiệp, đất hành lang giao thông. Điển hình như xử lý 7 doanh nghiệp xây dựng trái phép tại Vườn Quốc gia Cát Bà; các trường hợp xây dựng trái phép tại Khu trải nghiệm Big Sun tại Kiến Thụy, Nông trường Quý Cao tại Tiên Lãng; giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi ngao không phép tại quận Hải An, huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng. Đây là các vụ việc phức tạp, tồn tại nhiều năm nhưng Hải Phòng đã giải quyết, xử lý thành công, bảo đảm kỷ cương phép nước, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thứ sáu, các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục khởi sắc. Thành phố tổ chức thành công Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022. Đặc biệt, đã phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế trên địa bàn thành phố như: Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Giải Sao mai 2022; môn Đua thuyền Rowing và Canoeing/kayak SEA Games 31 và 8 giải thể thao trong Chương trình Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9. Thành phố tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng; thăm, tặng quà 236.624 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí 496,4 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2021. Đặc biệt, hoàn thành và trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025, tiến tới thành phố sẽ không còn hộ nghèo.
Đạt nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém của năm 2022 để có giải pháp khắc phục trong năm 2023. Đó là một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tăng trưởng GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp; tổng vốn đầu tư xã hội; kim ngạch xuất khẩu… chưa đạt kế hoạch năm. Việc thực hiện dự toán thu ngân sách nội địa gặp nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu, sắc thuế khó có khả năng hoàn thành như thu tiền sử dụng đất; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh…
Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, một số dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm phê duyệt dự án dẫn tới chậm khởi công theo kế hoạch như: Trung tâm Chính trị - Hành chính, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn; cầu Nguyễn Trãi; cầu Lại Xuân; đường Vành đai 2… Tiến độ một số dự án còn chậm dẫn tới chưa hoàn thành theo kế hoạch như: cải tạo Quốc lộ 10; cải tạo đường 359; đường ven biển và các đường từ An Lão, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn ra đường ven biển. Công tác quy hoạch cấp tỉnh, thành phố Hải Phòng chậm hơn kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Năm 2023, dự báo tình hình trong nước và thế giới còn có nhiều khó khăn, đặt ra thử thách lớn hơn. Xin Chủ tịch cho biết Hải Phòng đang có những giải pháp trọng tâm gì để đạt được các mục tiêu đề ra?
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng: Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Thành phố phấn đấu GRDP tăng từ 12,7% đến 13%; GRDP bình quân/đầu người/năm đạt 8.150 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 116.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 42.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 69.900 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 190.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 2- 2,5 tỷ USD; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 185 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt trên 7,3 triệu lượt. Về xây dựng nông thôn mới, sẽ hoàn thành xây dựng 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu đã triển khai năm 2022, triển khai tiếp 35 xã trong năm 2023.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đây là những chỉ tiêu ở mức khá cao và toàn thành phố phải tập trung cao độ ngay từ đầu năm mới có thể hoàn thành, với một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh nhất là đối với các bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Thứ hai, tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu là: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại.
Thứ ba, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư các dự án ngoài ngân sách để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thứ tư, đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung cao độ cho công tác chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tập trung hoàn thành trình tự thủ tục phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu thi công để ngay đầu năm 2023 khởi công các dự án quan trọng đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nhất là các dự án: Trung tâm Chính trị - Hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn; mặt khác, sớm khởi công các dự án: đường Vành đai 2; cầu Lại Xuân; cầu Nguyễn Trãi; nút giao khác mức tại ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà ga hành khách số 2 (T2) Sân bay quốc tế Cát Bi, xây dựng nhà ga hàng hóa; xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ tại Tổng kho 3 Lạc Viên và quận Lê Chân; xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh tại các quận; tiếp tục phát triển các khu, cụm công nghiệp như Khu Công nghiệp Tiên Thanh; Cụm Công nghiệp Đại Thắng, Tiên Cường 2 tại huyện Tiên Lãng và Cụm Công nghiệp Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo.
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đồng thời tập trung phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chú trọng quan tâm đến gia đình có công với cách mạng. Hải Phòng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy rõ, nhiệm vụ của năm 2023 là rất quan trọng với khối lượng công việc rất lớn, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương và Thành ủy, sự giám sát của HĐND thành phố, sự điều hành chủ động và quyết liệt của UBND thành phố, với sự đoàn kết, phấn đấu cao của các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, tôi tin tưởng nhất định thành phố chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi, hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH; giữ vững quốc phòng - an ninh; tiếp tục cải thiện đời sống Nhân dân, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của thành phố, tạo đà cho hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, đưa thành phố Hải Phòng tiếp tục có bước bứt phá nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND thành phố!
Hồng Thanh thực hiện
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024