Quyết liệt cuộc chiến chống hàng giả - góc nhìn từ doanh nghiệp

10:49 12/08/2021

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu quả của nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ gây ra. Do đó, điều dễ hiểu là có không ít doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này. Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong xung quanh công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hành nhái…

- PV: Trước hết, xin ông đánh giá đôi nét về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tồn tại ở thị trường nước ta hiện nay?

- Ông Chu Văn Phương: Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một vấn nạn phức tạp, khó kiểm soát ở nước ta, đã diễn ra một thời gian dài.

Ông Chu Văn Phương – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song khái quát là thị trường hàng hóa hiện nay rất phong phú, đa dạng, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng khiến cho đối tượng xấu trà trộn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái làm nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, một số đơn vị bán hàng, đại lý tiêu thụ sản phẩm không coi trọng đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận mà tiếp tay cho kẻ xấu. Đấy là chưa kể một bộ phận người tiêu dùng ham giá rẻ cũng mua các sản phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm uy tín bị ảnh hưởng, hậu quả thiệt hại kinh tế là rất lớn…

- PV: Thưa ông, quy trình xử lý của Công ty khi phát hiện sản phẩm thương hiệu của Nhựa Tiền Phong bị làm giả, làm nhái và tiêu thụ trên thị trường là như thế nào? Công ty đã có những biện pháp, chính sách gì để tự bảo vệ doanh nghiệp và hạn chế đến mức tối đa vấn đề làm giả, làm nhái các sản phẩm của Nhựa Tiền Phong?

- Ông Chu Văn Phương: Xác định vấn đề chống sản xuất, buôn bán sản phẩm giả nhãn hiệu “Tiền Phong” là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động SXKD của Công ty. Từ nhiều năm trước, Nhựa Tiền Phong đã thành lập Bộ phận chống hàng giả, hàng nhái với đội ngũ cán bộ chuyên trách luôn tích cực, chủ động phát hiện, thu thập chứng cứ, cung cấp bằng chứng của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” cho các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế… để phối hợp xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm thật, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, cũng như thông tin nhanh chóng, kịp thời những vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả nhãn hiệu “Tiền Phong” bị cơ quan pháp luật xử lý, trừng trị.

Công ty còn thường xuyên khuyến cáo hệ thống đại lý bán buôn, bán lẻ sản phẩm của Nhựa Tiền Phong không nên bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả.

Song song với đó, Nhựa Tiền Phong thường xuyên tìm hiểu, áp dụng công nghệ mới, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng từng mẫu mã sản phẩm, vừa bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, vừa để các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” khó bắt chước nhái theo…

- PV: Theo đánh giá của ông, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nhựa “Tiền Phong” có những thuận lợi và gặp những khó khăn gì? Trong cuộc chiến lớn này, dường như Nhựa Tiền Phong vẫn khá “đơn độc”?

- Ông Chu Văn Phương: Thuận lợi lớn nhất mà Nhựa Tiền Phong có được, đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ khá tích cực của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật và nhất là các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền trong phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong”.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết là trong thời điểm hiện nay, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái được các đối tượng thực hiện một cách hết sức chuyên nghiệp.

Thay vì sản xuất tập trung như trước kia, hiện nay các đối tượng chia nhỏ các khâu sản xuất, từ việc nhập phôi ống, in giả nhãn hiệu đến tập kết hàng giả; kho bãi để hàng giả cũng như cách thức vận chuyển, địa điểm giao dịch hàng giả được các đối tượng thay đổi liên tục, khó lường với các thủ đoạn che đậy, ngụy trang tinh vi, khiến cho lực lượng chống hàng giả của Công ty và cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, như tôi đã phân tích ở trên, một số đại lý bán hàng thiếu đạo đức kinh doanh và một bộ phận người tiêu dùng ham mua sản phẩm rẻ tiền, cũng góp phần tạo cơ hội để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái có “đất sống”.

Kiểm kê tang vật ống nhựa giả nhãn hiệu “Tiền Phong” tại tỉnh Vĩnh Phúc

Một điều nữa không thể không nhắc đến, đó là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực thi công vụ chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhiều quy định của pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở trí tuệ, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu như vật liệu xây dựng còn chưa đủ nghiêm khắc, chưa có tính răn đe.

Ví dụ, pháp luật quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không phải là hàng hóa thiết yếu có giá trị dưới 30 triệu đồng chỉ bị xử lý hành chính. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng chia hàng giả ra thành nhiều gói nhỏ, có giá trị thấp để tiêu thụ, hòng trốn tránh bị pháp luật xử lý…

- PV: Là thương hiệu lâu đời và có chất lượng đạt các tiêu chuẩn khắt khe của quốc gia, quốc tế, Nhựa Tiền Phong đã đấu tranh quyết liệt chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xin ông cho biết lý do để Công ty quyết tâm chấm dứt vấn nạn này?

- Ông Chu Văn Phương: Chúng tôi quyết tâm đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái trước hết là vì quyền lợi của người tiêu dùng, để người tiêu dùng không bị rơi vào cảnh bỏ tiền thật ra mua hàng giả. Hơn nữa, chúng tôi sản xuất các sản phẩm dùng trong lĩnh vực xây dựng.

Bạn thử hình dung, nếu như hệ thống ống nhựa chạy điện, nước, chôn âm tường trong các hộp kỹ thuật của công trình mà có chất lượng thấp, sẽ dễ xảy ra sự cố, sai hỏng, lúc đó thì việc khắc phục rất vất vả, tốn kém, ảnh hưởng đến kết cấu chung của toàn bộ công trình.

Nhựa Tiền Phong quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái cũng còn vì bảo vệ thương hiệu “Tiền Phong” của chúng tôi. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thương hiệu của doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng, là tài sản lớn mà doanh nghiệp phải bỏ công sức, tiền bạc, trí tuệ, xây dựng và tích lũy rất lâu mới có được. Việc chống hàng giả, hàng nhái cũng sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng lĩnh vực trên thị trường.

- PV: Trong quá trình thực hiện các biện pháp chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ như thế nào? Ông có đề xuất gì với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm khống chế được vấn nạn hàng giả, hàng nhái?

- Ông Chu Văn Phương: Quá trình triển khai công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, Công ty chúng tôi đã được nhiều cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án và chính quyền nhiều địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện rất nhiều.

Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả từ phía các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng, sát cánh cùng nhau để vạch rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa ra xử lý trước pháp luật.

Để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đạt hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này theo hướng gia tăng các hình thức xử lý mang tính nghiêm khắc hơn, để có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin, cung cấp bằng chứng, kiên quyết xử lý vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng một cách công tâm, khách quan, nghiêm minh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh văn minh và hiện đại.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

THẾ KHOA (thực hiện)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông