Quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế lĩnh vực công nghiệp

10:35 26/12/2018

Tính đến hết tháng 11, trên địa bàn thành phố có 513 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhưng có đến 330 DN nợ thuế. Đây quả là vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh nhiệm vụ thu ngân sách của ngành thuế thành phố năm nay được giao cao so với năm trước và thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều. Để đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng thuế trong lĩnh vực công nghiệp, UBND TP đã chỉ đạo ngành Thuế và các sở ngành triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đôn đốc, thu hồi nhằm giảm số tiền thuế nợ đọng...

445 tỷ đồng tiền nợ thuế

Tại cuộc họp của Tổ công tác đôn đốc chống thất thu thuế trong lĩnh vực công nghiệp tổ chức hôm 11-12 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Nguyễn Huy Nhặn chỉ rõ: So với cùng kỳ năm trước, khối công nghiệp của thành phố tăng cả về số lượng doanh nghiệp và số thu ngân sách nhà nước với thêm 13 doanh nghiệp phát sinh số nộp. Nâng tổng số lên 489 doanh nghiệp công nghiệp nộp ngân sách với số thuế nộp là 296,3 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên mặc dù có 286 doanh nghiệp có số nộp thuế tăng so với cùng kỳ năm trước với số thuế tăng là 499,8 tỷ đồng nhưng cũng có 207 doanh nghiệp có số thuế nộp giảm so với cùng kỳ năm trước với số nộp giảm là 203,5 tỷ đồng.

Số thuế nợ đọng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đóng tàu, xây dựng (ảnh minh họa)

Tính đến hết tháng 11, số nộp ngân sách của các doanh nghiệp công nghiệp (trừ doanh nghiệp FDI) đạt 1.824,7 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo Cục Thuế Hải Phòng, đây là một trong những khu vực có số nợ đọng thuế khá lớn với 330 doanh nghiệp cùng tổng số tiền gần 445 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 10 doanh nghiệp có số nợ lớn đã lên tới gần 318,6 tỷ đồng. Trong đó tiền nợ thuế là 121,5 tỷ, tiền phạt do chậm nộp là 182,4 tỷ đồng.

Có thể kể tên những doanh nghiệp có số nợ lớn là: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng nợ 121,1 tỷ đồng, Công ty cổ phần LISEMCO nợ 51,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Đông Á nợ 31,7 tỷ đồng; Công ty cồ phần Cầu đường 10 nợ 21,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Việt Thịnh nợ 21,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Đường Thủy 2 nợ 13,4 tỷ đồng… Trong số 10 doanh nghiệp này thì có 7 doanh nghiệp còn hoạt động và có doanh thu, 3 doanh nghiệp không có phát sinh doanh thu (1 doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh )...

Theo nhận định ông Nhặn, số thuế nợ đọng của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đóng tàu, xây dựng mà vốn ngân sách nhà nước chưa thanh toán. Nguyên nhân là do một số ngành mặc dù có sự tăng trưởng nhưng do sự tăng giá của một loạt yếu tố đầu vào lớn như: lao động, nguyên vật liệu chính, xăng dầu… dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân suy giảm rõ rệt của các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép, thép, đóng tàu, lắp máy như Công ty CP luyện thép cao cấp Việt Nhật giảm 15,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Amecc giảm 10,04 tỷ đồng, Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm giảm 29,5 tỷ đồng… khiến cho số nộp thuế của các doanh nghiệp này bị sụt giảm khá đáng kể.

Quyết triển triển khai nhiều giải pháp thu hồi thuế

Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp có số nợ thuế lớn, thời gian nợ kéo dài qua nhiều năm. Để đôn đốc, thu hồi nợ đọng, từ đầu năm 2018, Cục Thuế thành phố đã ban hành văn bản triển khai, giao chỉ tiêu thu nợ tới từng đơn vị, phân loại nợ thuế và áp dụng các biện pháp xử lý, đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Kết quả 10 tháng, Cục Thuế đã đôn đốc và thu hồi nợ được 137,3 tỷ đồng.

Đối với 10 doanh nghiệp có số nợ đọng lớn, kéo dài kể trên, Cục  Thuế thành phố đã ban hành các quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng. Đồng thời làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thu thập thông tin danh sách các khách hàng có công nợ phải thu để Cục Thuế tiến hành làm việc với bên thứ 3 theo điểm 2, điều 15, Thông tư 215 của Bộ Tài chính quy định về việc thu tiền thuế nợ qua bên thứ 3 đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế hoặc công nợ phải trả đối với đối tượng bị cưỡng chế... Kết quả trong tháng 11, riêng 10 doanh nghiệp này đã thu hồi được 19,1 tỷ đồng nợ thuế.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt đôn đốc, thu hồi nợ đọng lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Nắm bắt được thực trạng cũng như nguyên nhân của tình trạng nợ đọng kéo dài, ngay sau cuộc họp của Tổ công tác đôn đốc chống thất thu thuế trong lĩnh vực công nghiệp, hôm 17-12 vừa qua, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình cùng thành viên tổ tiếp tục có cuộc làm việc trực tiếp với 10 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đều đã xác nhận số nợ thuế mà Cục Thuế đã thông báo. Bước đầu một số doanh nghiệp đã đưa ra cam kết trả một phần nợ thuế từ nay đến hết tháng 12-2018 như: Công ty cổ phần Cầu đường 10 cam kết nộp 500 triệu, Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng cam kết trả 1,8 tỷ đồng, Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á cam kết nộp từ 100-500 triệu, Công ty cổ phần LISEMCO cam kết nộp 500 triệu đồng, Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp hóa chất cam kết trả 300 triệu đồng… Với từng trường hợp doanh nghiệp này, Cục Thuế thành phố cũng đưa ra phương án cụ thể trong việc xử lý nợ đọng.

Thời gian qua, khối công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu ngân sách của thành phố. Vì vậy để đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, Cục Thuế thành phố đã chủ động làm việc với các Ban quản lý dự án, Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính… để các cơ quan liên bố trí nguồn vốn đối ứng thanh toán tiền nợ công trình cho doanh nghiệp có tiền nộp thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng khẳng định sẽ “mạnh tay” với các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ như cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng và tiến hành các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Đó là trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập đối với cá nhân nợ thế, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ (thu qua bên thứ 3); đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng….

Tại cuộc làm việc với 10 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nợ thuế lớn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình cũng chỉ đạo từ ngày 17 đến 22-12, Cục Thuế thành phố, Sở Tài chính, Văn phòng UBND TP phải làm việc cụ thể lại với từng doanh nghiệp để báo cáo rõ kết quả với UBND TP.

Phó Chủ tịch thường trực còn yêu cầu Thanh tra thành phố phải báo cáo kết quả kiểm tra công tác đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ đọng tại các Chi cục Thuế; giao Sở Lao động thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội kiểm tra, rà soát để báo cáo UBND TP việc nợ BHXH của 10 doanh nghiệp này. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không còn phát sinh doanh thu trong thời gian dài đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết...  trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định, phát triển, nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông