Quyết tâm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm

21:15 01/08/2023

Đã 7 tháng trôi qua nhưng tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố còn quá chậm. Đây là một trong những vấn đề được người dân thành phố đặc biệt quan tâm, cần sớm có các giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo đúng kế hoạch đã định.

                                                                   Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại Nghị quyết số 80 ngày 9-12-2022, HĐND thành phố  thông qua danh mục 20 dự án trọng điểm năm 2023, bao gồm 11 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, 9 dự án sử dụng nguồn ngoài ngân sách. Cụ thể, có 7 dự án sử dụng vốn ngân sách và 1 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách dự kiến hoàn thành trong năm 2023; 4 dự án sử dụng vốn ngân sách và 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách dự kiến khởi công trong năm 2023.

Điểm lại cho thấy, trong số 8/20 dự án khởi công từ trước năm 2023, chỉ có dự án cầu Bến Rừng cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ, còn lại hầu hết đều chậm so với dự kiến. Cụ thể là: dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021- 2025, tổng mức đầu tư 308 tỷ đồng; dự  án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền, tổng mức đầu tư 1220 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, Đồ Sơn, tổng mức đầu tư 959 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, Vĩnh Bảo tới đường bộ ven biển, tổng mức đầu tư 1343 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, tổng mức đầu tư 924 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình, tổng mức đầu tư 946 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và phần đầu tư theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư 3768,8 tỷ đồng.

Tiến độ thi công tuyến đê biển nam Đình Vũ còn chậm so với kế hoạch

Về các dự án khởi công năm 2023 sử dụng vốn ngân sách thành phố, đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ. Đặc biệt đã khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 2 công trình “thế kỷ” tại bắc sông Cấm là Trung tâm Chính trị- Hành chính, tổng mức đầu tư 2513 tỷ đồng; Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn, tổng mức đầu tư 2336 tỷ đồng; khởi công cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352, tổng mức đầu tư 1334 tỷ đồng. Chỉ còn dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ- Hưng Đạo- đường Bùi Viện, tổng mức đầu tư 7439 tỷ đồng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục.

          Đối với các dự án khởi công năm 2023 bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, đã có một số dự án lớn được khởi công như Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, tổng mức đầu tư 4865 tỷ đồng;  dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, tổng mức đầu tư 11.100 tỷ đồng; dự án xây dựng khu nhà ở công nhân Công ty TNHH Pegatron Việt Nam, tổng mức đầu tư 1560 tỷ đồng… Tuy nhiên, vẫn còn 3 dự án tiến độ khởi công rất chậm gồm dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, tổng mức đầu tư 2405 tỷ đồng; dự án sân Golf Ruby Tree, tổng mức đầu tư 2100 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tiên Thanh, tổng mức đầu tư 4597 tỷ đồng.

          Đối với dự án đang triển khai và chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có các bến cảng nước sâu Lạch Huyện số 3,4,5,6 cơ bản bám sát tiến độ, đang quyết tâm hoàn thành năm 2024. Còn dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị khu vực chợ Sắt, tổng mức đầu tư 6060 tỷ đồng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

          Theo đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cá biệt như dự án Khu công nghiệp Tiên Thanh, do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên việc chi trả tiền giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng tiến độ của thành phố.

 Cùng với đó, một số dự án sử dụng ngân sách thành phố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư như dự án trung tâm chính trị-hành chính, trung tâm hội nghị-biểu diễn... Một số dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố do cấp Bộ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; một số dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy thành phố không chủ động được thời gian trong bước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi làm ảnh hưởng tới tiến độ.

Ngoài ra, do biến động giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu, tỷ lệ lãi vay của ngân hàng tăng cao, khó khăn về nguồn cát san lấp phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư của các dự án. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình là chênh lệch lãi suất vốn vay giữa lãi vay thực tế của nhà đầu tư và lãi vay theo hợp đồng (chênh lệch khoảng 5-6%). Thành phố đã báo cáo xin ý kiến các Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan.

                                                                  Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thành phố đã thành lập các tổ công tác do Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để tập trung chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc cho các dự án. Điển hình là tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố; tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục các dự án phát triển du lịch; tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân; tổ công tác kiểm tra công tác đấu thầu dự án đầu tư công và các tổ kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên kiểm tra, họp giao ban định kỳ, chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công xây dựng; yêu cầu các Sở, ngành tập trung giải quyết đẩy nhanh tiến độ thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, phối hợp giải quyết, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư cho các dự án.

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân kiểm tra tiến độ dự án Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm

Đáng chú ý, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, thành phố đã tập trung nguồn lực, bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đồng thời đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án ngoài ngân sách đang triển khai, thành phố đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo nhu cầu của dự án, đảm bảo tiến độ được duyệt. Đồng thời chủ động đôn đốc các nhà đầu tư cam kết tiến độ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết, không để nhà đầu tư đôn đốc ngược cơ quan nhà nước.

Tiến độ thi công dự án Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm đang được thúc đẩy khẩn trương

Việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, góp phần vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, thành phố dành hơn 20.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công, trong đó dành phần lớn nguồn lực cho các dự án trọng điểm. Đồng thời, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng tập trung cho các dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, khởi công dự án mới là một trong những công việc trọng tâm của năm 2023, cần được các cấp, các ngành tập trung cao, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố./.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông