Rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục

02:30 18/08/2016

 

Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn
Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn

Ngày 17-8, kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa XV dành trọn thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có 4 lãnh đạo sở, ngành trả lời trực tiếp hàng loạt câu hỏi chất vấn tại hội trường được đánh giá là rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục với nhiều vấn đề “nóng” được cử tri và nhân dân thành phố quan tâm…

“Nóng” quản lý ATTP và ô nhiễm môi trường

Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh là người đầu tiên đăng đàn trả lời vấn đề đang được đặc biệt quan tâm là công tác đảm bảo ATTP. Bà Xanh cho biết: Hiện toàn thành phố có hơn 21.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống các loại. “Đây là vấn đề tuy đã được đề cập rất nhiều nhưng đến nay công tác quản lý vẫn hạn chế. Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về ATTP thành phố, công tác tham mưu đã có nhiều cố gắng nhưng chưa hiệu quả...”, bà Xanh thừa nhận.

Nguyên nhân là lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP còn mỏng; đặc biệt là lực lượng cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại cấp xã chủ yếu làm kiêm nhiệm và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc lấy mẫu trong thanh tra, kiểm tra còn ít, dẫn đến hiệu quả thanh tra, kiểm tra chưa cao. Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, bà Xanh đề xuất 8 nhóm giải pháp, cam kết cùng các ngành liên quan nỗ lực tăng cường phối hợp và siết chặt hơn các biện pháp quản lý ATTP.

Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn
Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn

Tiếp đến, trả lời về việc kiểm soát tình trạng xả thải của các nhà máy, xí nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thông tin: Hiện có trên 12.000 cơ sở sản xuất, trong đó 5.510 cơ sở sản xuất đã được phê duyệt hồ sơ về bảo vệ môi trường. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Ka cũng thẳng thắn xác nhận: Sở đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hàng trăm đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 3,85 tỷ đồng, yêu cầu các đơn vị này khắc phục ô nhiễm môi trường, thậm chí tạm dừng hoặc di dời cơ sở sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn có các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường nghiêm trọng, xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn cho phép hoặc xả trực tiếp không qua xử lý, xả trộm vào ban đêm, không tiến hành quan trắc đủ thông số, đúng tần suất.

Liên quan đến trách nhiệm này, một số đại biểu đề nghị làm rõ việc xả thải của các cơ sở như: Nhà máy giấy Hải Âu, phân bón DAP tại khu công nghiệp Đình Vũ, cụm công nghiệp Tân Liên (Vĩnh Bảo). Trước thực tế này, người đứng đầu ngành Tài nguyên và môi trường thành phố đề xuất biện pháp lắp đặt camera theo dõi 24/24h ở những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, nhất là có cơ chế thanh tra đột xuất, không báo trước. Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường cần nhanh chóng xây dựng biện pháp chủ động kiểm soát việc xả thải của các cơ sở, công khai đường dây “nóng” để sớm báo cáo UBND thành phố.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trước phản ánh trong 6 tháng đầu năm 2016, môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã được cải thiện, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều “tiếng kêu” về môi trường đầu tư, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết: Thực hiện chủ đề năm 2016, sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành 1 chỉ thị và 2 kế hoạch để triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và HĐND thành phố; đồng thời ngành đã trực tiếp triển khai nhiều hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

“Tuy nhiên, vẫn còn tiếng kêu về môi trường đầu tư, nhiều ngành, nhiều cấp còn gây phiền hà trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất, thời gian thẩm tra dự án... còn chậm. Trách nhiệm này có một phần thuộc sở...”, ông Kiên nói. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, ông Kiên đề xuất 6 nhóm giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề nguồn thu ngân sách chưa tương xứng với quy mô kinh tế thành phố, còn thất thu lớn, cụ thể nhiều chi nhánh, cơ sở của doanh nghiệp địa phương khác đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố với quy mô tương đối lớn xong không nộp thuế tại Hải Phòng. Ngoài ra, hiện thành phố có trên 10 nghìn doanh nghiệp không hoạt động, tạm đóng mã số thuế.

Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn
Các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... tại phiên chất vấn

Ông Kiên cho biết: Về số lượng, tính đến hết tháng 7-2016, toàn thành phố đã phát triển được 32.886 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có hơn 6.000 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 812 doanh nghiệp giải thể. Đối với các chi nhánh tại Hải Phòng của doanh nghiệp tỉnh, thành phố khác hiện có khoảng 1.050 chi nhánh đã đăng ký thành lập và hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo quy định, khi đăng ký thành lập chi nhánh, các doanh nghiệp có quyền đăng ký hình thức hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập.

Trong cả hai trường hợp, các chi nhánh đều phải nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài và các loại thuế khác tuỳ theo lĩnh vực kinh doanh như thuế môi trường, tiền thuê đất, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu... tại Hải Phòng. Riêng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn vị hạch toán phụ thuộc sẽ nộp theo trụ sở chính của công ty mẹ, không nộp tại Hải Phòng.

Cũng tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Tài chính trả lời về thu, chi ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2016, trong đó vấn đề là nguồn lực tài chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển để xây dựng Hải Phòng thành thành phố văn minh, hiện đại. Đáng chú ý là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công của các quận, huyện, gây ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của các địa phương cũng được giải trình và đề xuất biện pháp khắc phục...

Hôm nay, kỳ họp tiếp tục với nội dung chất vấn thành viên UBND thành phố (Sở NN&PTNT) và thông qua các dự thảo nghị quyết.

ĐỖ HIẾU


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông