Rộng mở cơ hội phát triển Cảng biển Hải Phòng

12:50 13/05/2023

Đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, liên tiếp có các tin vui về các dự án Cảng biển là nức lòng người dân Hải Phòng. Đó là dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 7, số 8 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ngày 21-4-2023 và ngày 9-5-2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Cùng với đó, Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu, dự án gắn liền với sự phát triển của các bến cảng nước sâu Hải Phòng cũng chính thức được khởi công ngày 13-5-2023. Những sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng về sự phát triển của hệ thống cảng biển Hải Phòng nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung với rất nhiều cơ hội bứt phá.

                                         Cơ bản hoàn thành mục tiêu phát triển Cảng biển tới năm 2025

            Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phấn khởi cho biết: với việc 2 bến cảng số 7,số 8 Lạch Huyện được triển khai, Hải Phòng cơ bản hoàn thành mục tiêu phát triển các bến cảng nước sâu tới năm 2025.

     

Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng kiểm tra thúc đẩy tiến độ xây dựng bến cảng số 5, số 6

          Theo đồng chí Lê Trung Kiên, nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị xác định Hải Phòng trở thành thành phố hàng hải toàn cầu có nền công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước. Theo đó, khu vực cảng Lạch Huyện được quy hoạch với diện tích 2.000 ha, chiều dài cảng 55 km, công suất dự báo lên tới 100 triệu teus (tương đương 1.320 triệu tấn).

       Năm 2018, 2 bến khởi động của Khu bến cảng Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Các bến số 3, 4, 5, 6 cũng đã được khởi công, hiện đang triển khai đầu tư xây dựng rất khẩn trương, phấn đấu đưa vào khai thác vận hành từ cuối năm 2024. Việc đầu tư bến số 7, 8 Cảng Lạch Huyện sẽ nối dài khu bến cảng Lạch Huyện, phục vụ trực tiếp cho Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 và các dự án, khu công nghiệp khu vực Đình Vũ, Cát Hải.

                                    

                                                       Bến 1 và 2 do Tân Cảng Sài Gòn đầu tư đã đưa vào khai thác, hoạt động hiệu quả

           Đồng thời, việc đầu tư bến số 7, số 8 cũng hoàn thiện Khu bến cảng Lạch Huyện trở thành Cảng cửa ngõ quốc tế, tiếp tục góp phần nâng cao năng lực hàng hóa của cảng biển Hải Phòng, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế, làm bệ đỡ để Hải Phòng phát triển đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          Có thể thấy, hướng ra biển, làm giàu từ biển là định hướng, mục tiêu phát triển cốt lõi, đúng đắn của Hải Phòng. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế, Hải Phòng là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc với lợi thế cảng nước sâu nên vận tải biển phát triển từ rất sớm. Từ trước năm 1945, cảng Hải Phòng có quy mô nhỏ bé với năng lực hàng hóa chỉ hơn 50 tấn/năm.

        Đến nay, sau 75 năm, khu vực Hải Phòng đã có gần 40 cảng biển, trở thành thương cảng lớn thứ 2 cả nước, lớn nhất phía Bắc; lượng hàng qua cảng năm 2022 đạt 168 triệu tấn với mức tăng trung bình từ 10-18%/năm. Giờ đây, với 8 bến cảng nước sâu và  Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của cảng biển, của thành phố Hải Phòng mà còn là nền tảng, là bệ đỡ để khu vực này sẽ có thêm nhiều bến cảng khác, để Cảng Hải Phòng ngày càng sầm uất, sôi động, góp phần đắc lực vào thực hiện các mục tiêu phát triển Hải Phòng tới năm 2030 và năm 2045.

                                                                               Khẩn trương thi công các dự án

          Trưởng Ban quản lý dự án bến số 5 và số 6 Hateco Đỗ Văn Tuấn cho biết, hiện nhà đầu tư đang thực hiện đồng loạt các gói thầu. Cụ thể, gói thầu thi công xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm hút chân không triển khai từ tháng 3- 2023 và hoàn thành tháng 1-2024. Thi công kè đá giáp bến 7 triển khai từ tháng 6- 2023, hoàn thành tháng 12- 2023. Thi công cừ ván bê tông, dầm đinh, thanh neo, tường neo góc thực hiện từ tháng 4-2023 đến tháng 2-2024. Nạo vét khu vực vùng nước trước bến, vận chuyển bùn đến nơi đổ thải thực hiện từ tháng 4- 2023 đến tháng 11- 2024. Thi công bến chính, bến xà lan, bến tàu dịch vụ từ tháng 4- 2023 đến tháng 11- 2024. Thi công kết cấu đường bãi trong cảng từ tháng 10- 2023 đến tháng 11- 2024. Cung cấp, lắp đặt cẩu STS  giai đoạn 1 từ tháng 3- 2023 đến tháng 12- 2024.

               Cùng với đó, các hạng mục thi công trạm điện, xưởng sửa chữa, trạm xử lý nước thải, nhà rác; nhà văn phòng, công nhân, nhà để xe, sân vườn, cổng hàng rào… sẽ hoàn thành trong tháng 12- 2024.Và như vậy, tới cuối năm 2024, 2 bến cảng số 5 và số 6 sẽ được đưa vào khai thác, vận hành.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập giám sát tiến độ thực hiện dự án xây dựng bến cảng số 3 và số 4

          Cũng như vậy, Công ty CP Cảng Hải Phòng, chủ đầu tư xây dựng các bến số 3 và số 4 đang gấp rút triển khai thi công. Hiện chủ đầu tư đang thiết kế và thi công xây dựng cầu cảng, nạo vét, kè sau cầu, san lấp; trang bị, lắp đặt 6 cầu bốc xếp container trên bến chính (STS) và 24 cầu bánh lốp RTG; hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế thi công gói thầu công nghệ thông tin; lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống điện; đang lựa chọn đơn vị lập thiết kế bản vẽ thi công... Chủ đầu tư khẳng định, sẽ nỗ lực hết sức để 2 bến cảng đi vào hoạt động cuối năm 2024.

           Lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, với việc được Chính phủ và thành phố Hải Phòng tin tưởng giao làm chủ đầu tư 4 bến cảng nước sâu Lạch Huyện (bến số 1 và 2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác; bến số 7 và số 8 đã được cấp phép) ghi dấu ấn quan trọng, khẳng định việc đầu tư tại thành phố Hải Phòng là hoàn toàn đúng đắn, là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển để trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực kinh tế biển của Tân Cảng. Với kinh nghiệm, năng lực của nhà khai thác Cảng số 1 Việt Nam, Tân Cảng Sài Gòn cam kết huy động mọi nguồn lực thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh tế xã hội, phấn đấu năm 2024 khởi công bến số 7 và số 8; năm 2027 đưa vào khai thác.

           Điều đáng nói, các bến cảng nước sâu của Hải Phòng càng về sau càng được xây dựng với quy mô, tầm cỡ lớn, đáp ứng được các cỡ tàu lớn trên thế giới hiện nay. Cụ thể, các bến số 5,6,7,8 có chiều dài mỗi bến dài 450m, tiếp nhận cỡ tàu container đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 4 bến sà lan có chiều dài 200m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.

       Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa thông qua 4 bến cảng lên tới gần 4 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư các bến cảng đều khẳng định, sẽ xây dựng  các bến cảng xanh, hoàn toàn tự động, thông minh và tạo dựng tuyến vận tải đi thẳng tới các cảng châu Âu, châu Mỹ, góp phần đắc lực vào sự phát triển của Hải Phòng.

                               

                                                    Bến cảng nước sâu số 3 và số 4 đang dần hình thành

         Nói tới Hải Phòng là nói tới biển, tới cảng biển và đó chính là thế mạnh của Hải Phòng, tạo cho Hải Phòng vị thế không thể thay thế trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả miền Bắc. Hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và cả quá trình mấy chục năm thực hiện nghị quyết 32, Kết luận 72; nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Cảng biển Hải Phòng đã có sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô, trình độ công nghệ, năng lực bốc xếp hàng hóa cùng các dịch vụ kèm theo.

         Với việc các bến cảng nước sâu liên tiếp được đầu tư xây dựng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là cảng trung chuyển quốc tế trọng điểm của Việt Nam, được tập trung đầu tư và phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối liên hoàn và đồng bộ; hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng hiện đại, đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần đắc lực tạo sức bật mới, tầm cao mới cho Hải Phòng./.

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông