Rút bảo hiểm xã hội một lần Xây dựng, lựa chọn phương án phù hợp nhất

13:13 01/06/2024

Ngày 27-5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này. Một trong những nội dung có nhiều ý kiến tham gia nhất của đại biểu Quốc hội là rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm và mong muốn Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ có được phương án phù hợp nhất, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

                                                                                   2 phương án đề xuất

             Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, có 2 phương án đã được Chính phủ trình đối với các trường hợp muốn rút BHXH một lần.

          Cụ thể, phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6- 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Tức là, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần này.

          Phương án 2: người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

          Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số người lao động một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

                             Người lao động mong muốn Quốc hội sẽ lựa chọn phương án phù hợp nhất về rút BHXH một lần

          Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào thì Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống. Nếu không, người lao động vẫn có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền mặt để giải quyết khó khăn trước mắt.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh giải pháp căn cơ, lâu dài như: Chính phủ có đề án hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như được vay vốn tín dụng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù; tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách trung ương, ủy thác của ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, mức vay vốn cho người lao động… Các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần;  tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực này, trong đó có việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách… để người lao động yên tâm tin tưởng tham gia BHXH lâu dài. Công đoàn Việt Nam cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới công tác tuyên truyền, gắn với cơ sở, người lao động nhiều và chặt chẽ hơn nữa để giúp cho người lao động hiểu, nhận thức rõ được các hạn chế của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần và nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

                                               Đại biểu Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án tối ưu

          Đối với điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm. Theo đại biểu, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Đại biểu nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương. 

Bên cạnh đó, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý 1- 2024. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác.

 Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

          Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng. Đại biểu  đề nghị nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí. 

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường và lựa chọn phương án 1

Đại biểu  Rơ Châm (Gia Lai)  đề xuất lựa chọn phương án 1. Đại biểu cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu. Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm. 

           Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực. Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1. Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; đồng thời, đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.

           Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)  phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này.  Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

           Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.

           Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.  Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội

           Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu rõ, 2 phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng. 

          Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực. 

           Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp 2vphương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

          Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chọn phương án 1 để đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động mất việc làm, bệnh tật… để vượt qua khó khăn trước mắt.

Hy vọng rằng, với những ý kiến sôi nổi, thiết thực đó, Quốc hội sẽ lựa chọn phương án phù hợp nhất đưa vào dự Luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động./.

                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông