Sau Hà Lan, Đan Mạch có thể là nước tiếp theo bị Nga ngừng cung cấp khí đốt

22:10 31/05/2022

Sau khi Hà Lan bị ngừng cấp khí đốt, công ty điện lực Orsted của Đan Mạch cũng cảnh báo về việc bị tập đoàn Gazprom của Nga cắt giảm khí đốt tự nhiên vì công ty này cũng từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Theo tờ Bussiness Insider, công ty Orsted cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 30/5: “Chúng tôi không có nghĩa vụ pháp lý nào theo hợp đồng để làm như vậy và chúng tôi đã nhiều lần thông báo với Gazprom Export rằng chúng tôi sẽ không làm như vậy”.

Khi Orsted dự định tiếp tục thanh toán khí đốt bằng đồng euro cho khoản thanh toán đến hạn vào ngày 31/5, có nguy cơ Gazprom Export sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Orsted.

Orsted cho biết họ hy vọng có thể mua khí đốt trên thị trường khí đốt châu Âu. Cả Hà Lan và Đan Mạch đều sản xuất khí đốt tự nhiên riêng.

Một trạm xăng của Tập đoàn khí đốt Gazprom ở Moskva (Nga).

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 30/5 rằng họ dự báo không có tác động tức thời nào từ việc Gazprom cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và đã có sẵn kế hoạch khẩn cấp.

Trước đó, Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vì các nước đều từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Mới đây nhất, ngày 30/5, công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan thông báo Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này sau khi Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Theo thông báo của GasTerra, Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này từ ngày 31/5.

Quyết định của tập đoàn năng lượng Nga đồng nghĩa với việc Gazprom sẽ không cung cấp 2 tỷ m3 khí đốt cho Hà Lan trong giai đoạn từ nay tới tháng 10. Công ty của Hà Lan đã dự đoán điều này và mua khí đốt từ những nơi khác.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Moskva đã đề nghị khách hàng là các quốc gia không thân thiện trong đó có nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thanh toán bằng đồng ruble.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng quyết định của Gazprom không ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình ở nước này.

Không phải tất cả châu Âu đã sẵn sàng ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga ngay bây giờ. Một số công ty mua nhiều khí đốt Nga như Eni của Italy và Uniper của Đức đã mở tài khoản tại Gazprombank để đáp ứng nhu cầu thanh toán của Nga.

Ngày 30/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary.

Trên mạng xã hội Twitter, quan chức này cho hay các nước đã nhất trí cấm dầu của Nga tại EU và lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.

Ông Charles Michel cho biết thêm các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm thêm 3 đài thuộc sở hữu nhà nước Nga.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông