Sẽ có 4 phương thức xét tuyển vào các trường ĐH năm 2017

02:22 09/09/2016

 

Một trong những nội dung của Dự thảo phương án tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố chiều 8-9 là các trường ĐH, CĐ có thể lựa chọn trong số bốn phương thức khác nhau để xét tuyển thí sinh. Cụ thể:

1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia: Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển.

2. Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở trung học phổ thông kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh: Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp.

3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT: Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.

4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh: Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh đồng thời công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2017.

Bên cạnh đó, việc tuyển sinh năm 2017 cần đáp ứng tối đa nguyện vọng của thí sinh, khắc phục tối đa tác động của thí sinh ảo đến công tác tuyển sinh của các trường. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2017, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn so với năm 2016 và phần mềm lọc ảo sẽ giúp tránh tình trạng ảo như năm 2016.

Cuôi tháng 9 sẽ có đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017

“Bộ GD&ĐT sẽ có gắng ban hành sớm đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để học sinh, phụ huynh và giáo viên biết. Dự kiến công bố trong cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10”. Đây là thông tin Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sáng 8-9, tại buổi tọa đàm về phương án thi THPT quốc gia năm 2017.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 dự kiến sẽ có 5 bài thi, gồm các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trong đó, chỉ riêng môn Văn thi theo hình thức tự luận. Các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, làm bài trên giấy và chấm bằng máy quét. Bài thi ​Khoa học xã hội và ​Khoa học tự nhiên chỉ là bài tổ hợp, không phải bài thi tổng hợp. Cụ thể, bài thi ​Khoa học tự nhiên gồm ba môn Lý, Hóa, Sinh. Bài thi ​Khoa học xã hội gồm các môn ​Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Ở các môn trắc nghiệm, mỗi học sinh có một mã đề thi khác nhau nên đề của các thí sinh trong cùng một phòng thi sẽ khác nhau, nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực.

Có ngân hàng đề hơn 17.000 câu hỏi

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi trắc nghiệm phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ chuyển từ ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện ngân hàng đề này có khoảng 17.000 câu hỏi. “Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ sẽ sử dụng câu hỏi chuẩn hóa phù hợp với ma trận đề thi mới của năm 2017 và sẽ bổ sung thêm câu hỏi. Từ giờ đến tháng 5-2017 là đủ thời gian để bổ sung câu hỏi còn thiếu và rà soát lại toàn bộ đề”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thử nghiệm trên nhiều đối tượng học sinh lớp 12 khác nhau. “Trong quá trình 2 năm tổ chức thi ở Đại học Quốc gia Hà Nội với bài thi tự chọn chỉ có 40 câu nhưng phân tích kết quả thi cho thấy, khả năng phân loại của thí sinh hoàn toàn tốt. Với cấu trúc đề do Bộ đề xuất là 20 câu hỏi cho mỗi môn, tôi thấy đủ để đánh giá, phân loại thí sinh”, ông Hồng nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, sau hai năm thực hiện thành công ở Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay Bộ yên tâm nhân rộng phương thức thi trắc nghiệm này trên toàn quốc và tin tưởng sẽ thành công.

TTX


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông