09:50 11/09/2022 Mặc dù các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã rất cầu thị thận trọng, kỹ lưỡng rà soát một cách thấu tình, đạt lý các nội dung, kiến nghị của các hộ dân và UBND thành phố cũng đã tổ chức đối thoại, giải thích căn kẽ và kiên trì vận động việc nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ pháp luật, tuy nhiên, một số hộ nuôi ngao trái phép trên khu vực biển huyện Kiến Thụy và quận Hải An vẫn khiếu nại vô lý, gây mất ANTT địa bàn…
Tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần thứ 36 năm 2022 (tháng 9), ông Nguyễn Ngọc Tú, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết, nhất quán với chủ trương khuyến khích, tôn trọng tổ chức, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển, đất có mặt nước ven biển để phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố và các sở, ngành, lực lượng chức năng và UBND hai quận, huyện liên quan trong những ngày qua đã rà soát, xem xét kỹ lưỡng, giải thích căn kẽ và kiên trì vận động các hộ dân hiểu rõ việc nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ pháp luật về thủy sản và đất đai.
Theo đó, ở cấp thành phố, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì gần 20 cuộc họp để nghe báo cáo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi ngao trái phép, chồng lấn mỏ cát đã cấp phép, chiếm dụng ngư trường đang diễn ra tại địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy.
Cũng từ tháng 9-2021 đến nay, Văn phòng UBND thành phố đã ban hành hàng chục văn bản thông báo kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch và các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố liên quan hoạt động nuôi ngao trái phép nói trên. Cụ thể là Thông báo số 386/TB-UBND ngày 13-9-2021; Công văn số 7878/UBND-KS ngày 18-10-2021; Thông báo số 593/TB - UBND ngày 25-12-2021; Thông báo số 594/TB-UBND ngày 25-12-2021; Văn bản số 6761/UBND-KS ngày 22-9-2021 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản…
Đó là chưa kể, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã phải trực tiếp đi thị sát thực tế về tình hình hoạt động nuôi ngao trái phép trên địa bàn quận Hải An, Kiến Thụy nhằm giải quyết thấu đáo những nội dung kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân, đồng thời chỉ đạo sát sao công tác di dời, giải tỏa, cưỡng chế khi cần thiết. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng đã trực tiếp chủ trì 5 buổi đối thoại, trả lời kiến nghị, khiếu nại của các hộ này…
Ngoài ra, các sở, ngành, lực lượng chức năng thành phố, UBND quận, huyện còn ban hành hàng chục văn bản báo cáo, tham mưu, đề xuất, phối hợp, chỉ đạo thực hiện liên quan đến di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao, sò bất hợp pháp; vi phạm quy định quản lý đất đai, thủy sản, ANTT trên địa bàn.
Trong đó, Quận ủy, UBND quận Hải An đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền thuyết phục, vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ tài sản, thu hoạch vật nuôi hoàn trả nguyên trạng mặt bằng; đối thoại trực tiếp trả lời kiến nghị, khiếu nại đồng thời thiết lập hồ sơ, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông báo cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm, tống đạt đến từng hộ dân. Trên hiện trường, quận đã tổ chức đã cắm được 11 phao tiêu bao quanh khu vực biển khoảng 2.500ha, dựng chòi canh, tổ chức lựng lượng chốt trực bảo vệ phao tiêu… Đến nay, quận đã hoàn thành di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trái phép trên diện tích 96ha thuộc mỏ khai thác cát của Công ty CP Thương mại - Xây dựng Tân Vũ và cưỡng chế đối toàn bộ tài sản, vật nuôi trái phép trong phạm vi 161ha đất thuộc Dự án xây dựng Khu công nghiệp DeepC 2A của Công ty CP Khu công nghiệp Hải Phòng theo đúng quy định pháp luật, được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, tạo động lực để địa phương giải quyết nốt 28 hộ vi phạm còn lại.
Một kết quả đáng ghi nhận nữa là đến ngày 26-7-2022, đã có 15/28 hộ dân nuôi ngao tự phát tại phường Tràng Cát với diện tích khoảng 107ha đã tự nguyện trả lại mặt bằng và được UBND quận Hải An công nhận.
Còn lại huyện Kiến Thụy, UBND thành phố đã tiếp tục yêu cầu UBND huyện đang tiến hành cắm phao tiêu bao quanh khu vực biển; thiết lập hồ sơ, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 89 hộ dân tự nuôi ngao trái phép trên diện tích 2.557,5ha theo quy định. Trường hợp hộ dân không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện phải thiết lập hồ sơ cưỡng chế buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm.
Mọi diễn biến diễn ra theo đúng trình tự pháp luật và được đông đảo dư luận xã hội hết sức đồng tình. Song gần đây, một số hộ nuôi ngao trái phép trên địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy đã có đơn thư khiếu kiện phức tạp. Cụ thể, sau khi UBND thành phố ra Thông báo số 232/TB-UBND ngày 10-5-2022 về việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cát ở 2 địa phương trên và Thông báo số 261/TB-UBND ngày 23-5-2022 về kế hoạch cắm phao tiêu phục vụ phân định ranh giới trên khu vực biển quận Hải An, những hộ này đã không đồng ý với nội dung của 2 văn bản này và đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, đồng thời nhiều lần tập trung đông người tại Trụ sở các cơ quan Trung ương và thành phố. Nội dung khiếu nại, kiến nghị tập trung vào 15 vấn đề như: không đồng ý với việc di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giữ nguyên hiện trạng và để các hộ dân tiếp tục được nuôi trồng thủy sản…
Với quan điểm kiên trì vận động, thuyết phục, ngày 20-6-2022, Chủ tịch UBND thành phố đã lại có buổi làm việc với đại diện 10 hộ dân nuôi ngao tự phát trên địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy để lắng nghe thêm ý kiến và giải quyết kiến nghị của bà con. Sau buổi làm việc, UBND thành phố đã ban hành Thông báo số 366/TB-UBND ngày 23-6-2022 và Công văn số 4144/UBND-KS ngày 23-6-2022 trả lời 15 kiến nghị của các hộ dân. Các văn bản này đã được gửi tận tay tới các hộ tham gia buổi làm việc.
Tuy nhiên, vẫn không đồng ý với nội dung trả lời của UBND thành phố, các hộ này tiếp tục có đơn gửi tới các cơ quan Trung ương và thành phố, nội dung gồm: Không đồng ý di dời hoạt động nuôi ngao; yêu cầu làm rõ sai phạm trong cấp phép cho các mỏ cát; đề nghị UBND thành phố Hải Phòng đối thoại với các hộ dân cùng đại diện các cơ quan Trung ương; cho rằng việc giải quyết khiếu nại của UBND thành phố là không đúng quy định pháp luật. Cùng với đó là một loạt khiếu nại khác với Thông báo số 187/TB-UBND ngày 12-5-2022 về việc yêu cầu thu hoạch vật nuôi, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản không phép trên khu vực biển thuộc địa giới hành chính quận Hải An; Thông báo số 188/TBUBND ngày 12-5-2022 của UBND quận Hải An về việc thả phao tiêu, dựng chòi phục vụ công tác quản lý, khai thác các mỏ cát trên địa bàn quận; Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 24-4-2018 của UBND huyện Kiến Thụy về điều chỉnh quy hoạch diện tích nuôi ngao tại huyện; cho rằng việc thu hồi đất của các hộ dân khi chưa có các Quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khi thu hồi đất không bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định pháp luật.
Đáng nói, trên tinh thần cầu thị, kỹ lưỡng, khách quan, minh bạch, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra Nhà nước thành phố Hải Phòng rà soát, phân loại và đề xuất xử lý đơn. Ngày 29-7-2022, Thanh tra thành phố đã làm việc với 6 đại diện các hộ dân nuôi ngao là các ông, bà: Vũ Trí Tuân, Đỗ Văn Trường, Mai Văn Phúc, (huyện Kiến Thụy); Trương Công Thành, Phạm văn Thăng, Vụ Thị Sen (tỉnh Thái Bình) và đã tổng hợp được 13 nội dung khiếu nại, tố cao, kiến nghị, phản ánh.
Chiều 6-9, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp tục có buổi làm việc với 12 hộ dân nuôi ngao quận Hải An. Cùng dự có đại diện: Thanh tra Chính phủ; Ban Tiếp công dân Trung ương; Cục An ninh nội địa, Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại buổi làm việc, các Sở, ngành và địa phương thành phố cũng đã thông tin, giải đáp những vấn đề mà 12 hộ dân nêu ra. Về phía các hộ cũng không đưa ra được các giấy tờ, văn bản có giá trị pháp lý thể hiện quyền sở hữu của mình trên các vùng biển đang nuôi ngao tự phát.
Trên cơ sở đó, đại diện các cơ quan Trung ương đều cho rằng thành phố Hải Phòng đã rất cầu thị, chia sẻ để tổ chức cuộc họp này với đầy đủ thành phần theo như đề nghị của các hộ dân. Tất cả câu hỏi của các hộ đưa ra đã được các cơ quan liên quan giải đáp rõ ràng và các hộ nên chấp hành các quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp…Bên cạnh đó, việc khai thác luôn phải bảo đảm phát huy tốt nhất nguồn tài nguyên của địa phương phục vụ phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, quá trình phát triển của thành phố trong từng mốc thời gian cụ thể, có những nội dung, vấn đề về quản lý, quy hoạch cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị bà con hợp tác vì sự phát triển chung của thành phố./.
(Còn nữa)
Đoàn Lanh