Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31-12-2022

21:57 01/07/2021

Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Đây là đạo luật rất quan trọng, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới; giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú và đổi mới phương thức quản lý cư trú.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành

Trước thông tin Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước có còn hay không còn giá trị sử dụng? Nếu còn thì thời gian sử dụng đến khi nào? Trường hợp nào thì bị thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú?...

Để giải đáp những thắc mắc trên của độc giả, Chuyên đề ANHP xin thông tin đến độc giả chi tiết Điều luật liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú quy định như sau:

Tại khoản 3 Điều 38, Luật Cư trú 2020 quy định rõ: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành

Nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành thì việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước đây thay cho việc phải đến cơ quan Công an để xin cấp Giấy tờ xác nhận về cư trú như quy định của Luật này khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự tại những nơi chưa thực hiện được việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một giải pháp phù hợp và khả thi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành (Ảnh tư liệu)

Như vậy, kể từ ngày 1-7-2021, nếu cần sử dụng thông tin về cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự, công dân có thể khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ nhu cầu của mình.

Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành

Ngoài ra, vừa qua, Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; theo đó, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung quy định công dân có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các cách sau: (1) Qua dịch vụ nhắn tin; (2) qua Cổng dịch vụ công quốc gia; (3) qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc (4) yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp thông tin (bằng văn bản).

Ngoài những thông tin hữu ích nêu trên, nếu muốn tìm hiểu chi tiết về những điểm mới cơ bản của Luật Cư trú năm 2020 so với Luật Cư trú năm 2006, độc giả có thể tham khảo bài viết theo đường link sau: http://anhp.vn/nhung-diem-moi-co-ban-cua-luat-cu-tru-2020-d42363.html

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích