Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

16:54 26/09/2023

Ngày 25/11/2019, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật số 50/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực từ ngày 10/01/2020 quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, trong 05 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm …), linh kiện để lắp ráp là 14.804 vụ (chiếm 76%), 22.532 đối tượng (chiếm 72,6%); mua bán, vận chuyển trái phép linh kiện để lắp ráp vũ khí 743 vụ (chiếm 3,8%), 745 đối tượng (chiếm 2,4%). Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ = 12,8 %, 350 đối tượng = 24,4 %), trong đó, nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố (giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…) hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác, các loại vũ khí này đều được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc đối tượng sử dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng; trong khi đó, việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 304, 306 Bộ luật Hình sự gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng săn, súng nén ga, súng nén hơi…), vũ khí thô sơ (các loại dao, lưỡi lê, đao, kiếm, giáo, mác, thương, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ) và linh kiện để lắp ráp vũ khí nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thu hồi súng công cụ hỗ trợ

Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay, thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm và công tác quản lý để bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

(1) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang quy định 30 Điều về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy tờ tuỳ thân của người đến liên hệ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

(2) Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước trên thế giới có cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

(3) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; bên cạnh đó, một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký không có thời hạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng; hàng năm cơ quan quản lý cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị; trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực; giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là loại giấy phép do cơ quan quản lý cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để thực hiện nhiệm vụ với quy trình, thủ tục cấp tương tự như nhau. Vì vậy, để việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm thống nhất bằng một loại giấy phép thì cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

(4) Một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc sau: Việc quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ; chưa có quy định về việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; việc quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; việc quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng; chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản khi có thay đổi về điều kiện địa chất, thiết kế khai thác; quy định giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi sử dụng không hết vật liệu nổ phải xin giấy phép vận chuyển về kho. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với thực tiễn.

Qua nghiên cứu, tham khảo luật của 18 nước, gồm: Nga, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Áo, Bỉ, Latvia, New Zealand, Albania, Canada, Trung  Quốc, Đan Mạch, Pháp, Scotland, Bắc Ireland, Hong Kong, Italia, Nhật Bản cho thấy, các nước đều có quy định về khái niệm và công tác quản lý, sử dụng các loại dao, công cụ phương tiện có khả năng gây sát thương như vũ khí, nhưng mỗi nước có quy định khác nhau trong quản lý, sử dụng, như: Bỉ, Hàn Quốc, Latvia, Albania, Trung Quốc, Đan Mạch quy định cụ thể kích thước, loại dao nguy hiểm phải quản lý. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, bất cập trên thì cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới./.

Theo Cổng thông tin điện tử CATP Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích