15:25 22/03/2016
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền Cách mạng được thành lập. Cơ quan bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, bảo vệ ANTT được thành lập ở cả 3 miền. Bắc kỳ thành lập Sở Liêm phóng Bắc bộ. Ở Trung kỳ thành lập Sở Trinh sát Trung bộ. Ở Nam bộ lập ra Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở 3 miền khác nhau nhưng đều có các phòng, ban chuyên môn, trong đó có Văn phòng. Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất các cơ quan Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Từ đây, lực lượng Công an thống nhất trong toàn quốc, cấp trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam (trực thuộc Bộ Nội vụ); Sở Cảnh sát nhập vào sở Liêm phóng Bắc Bộ thành sở Công an Bắc bộ; Sở Trinh sát Trung bộ đổi tên thành Sở Công an Trung bộ; Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đổi thành Sở Công an Nam bộ; ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đổi thành Ty Công an tỉnh. Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ đã ra Nghị định số 121/NgĐ “về tổ chức Việt Nam Công an vụ”, xác định rõ tổ chức Việt Nam Công an vụ gồm 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh. Nha Công an trung ương do đồng chí Tổng Giám đốc điều hành; tổ chức gồm Văn phòng và các phòng sự vụ, mỗi phòng do một chủ sự điều hành. Tổ chức Công an kỳ và các tỉnh đều có Văn phòng tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Công an kỳ và Công an tỉnh, phụ trách văn phòng do đồng chí Bí thư điều hành. Từ đây, tổ chức lực lượng CAND được củng cố một bước, cơ quan Văn phòng trong lực lượng CAND chính thức được thành lập, thống nhất từ nha đến các kỳ, tỉnh trong toàn quốc. Ngày 18-4-1946, đánh dấu một mốc son lịch sử trong tiến trình phát triển của cơ quan tham mưu CAND và được Bộ Công an xác định là ngày truyền thống của lực lượng tham mưu Công an nhân dân Việt Nam. Dũng Trang |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão