10:00 18/09/2017 Đã có một thời, tại Hải Phòng, các cửa hàng kinh doanh hàng thùng (quần áo, giày dép, mũ, thắt lưng, túi xách) mọc lên san sát khiến nhiều tuyến phố được giới trong nghề gọi là phố hàng thùng như: Trần Nguyên Hãn, Hai Bà Trưng, Đình Đông, Phạm Minh Đức… Thế nhưng, với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao khiến số cửa hàng kinh doanh hàng thùng bị thu hẹp và rơi vào xu thế thoái trào…
Trào lưu một thời
Quần áo SIDA là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt tiếng Anh là SIDA) trợ cấp cho các nước kém phát triển.
Các loại quần áo này được giặt sạch rồi đóng kiện gửi về các nước. Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ Sida, second-handhay hàng thùng. Hiện hàng thùng được bày bán trên thị trường nước ta chủ yếu nhập từ Campuchia và có nguồn gốc từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Canada, Úc…
"Hàng thùng" được ép chân không thành kiện
Theo chị Trần Thị Liên, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh hàng thùng trên đường Trần Nguyên Hãn thì những kiện hàng được nhập bởi một vài đầu mối vốn lớn từ Campuchia hoặc Trung Quốc về Hải Phòng.
Sau đó mới phân theo các cửa hàng bán lẻ trong thành phố. Hàng thùng tùy theo nguồn gốc được chia thành 2 loại: kiện ép chân không khoảng 100kg, được đóng trực tiếp từ nước ngoài, thông thường là hàng Nhật, Hàn... Loại thứ hai là hàng theo theo tép đóng khoảng 50kg thường là hàng Mỹ, Úc hoặc Canada.
Tuy là hàng thùng nhưng một thời những mặt hàng này là xu hướng mua sắm rất hot của người tiêu dùng. Từ những người có thu nhập thấp, dân công sở cho đến nhiều gia đình có điều kiện, sẵn sàng đánh xế hộp đi lựa chọn hàng thùng khui kiện là chuyện bình thường.
Bởi tuy là hàng đã qua sử dụng nhưng nếu biết cách lựa chọn vẫn có thể tìm được những mặt hàng chất lượng tương đối tốt mà giá lại rất rẻ, chỉ 30.000-40.000/chiếc quần hoặc áo trẻ em. Đặc biệt nếu những ai là người “khui kiện nước đầu” hoặc có thời gian chịu khó “lục lọi” trong đống quần áo, khăn, tất, túi ví chất cao như núi ấy, có thể tìm được những sản phẩm chất lượng, còn nguyên tem mác.
Nhiều người tìm mua "hàng thùng" bởi tính độc, lạ của sản phẩm
Chị Lê Thị Hiền, ở đường Đà Nẵng, cho biết: Sở dĩ “hàng thùng” được nhiều người săn tìm vì đánh vào tâm lý thích dùng đồ xịn, ít đụng hàng mà giá lại rẻ. Đặc biệt là các loại quần áo mùa đông vẫn rất được nhiều người lựa chọn bởi dù đã qua sử dụng nhưng chất liệu và kiểu dáng hơn hẳn nếu so với hàng mới bày bán ở các chợ mà giá cả lại dễ chịu.
Những ai có gu thẩm mỹ, lựa chọn được những trang phục độc đáo và biết cách phối đồ sẽ tạo nên phong cách riêng cho mình mà không bao giờ lo bị đụng hàng.
Vì những đặc điểm đó mà tại Hải Phòng, khoảng 5 năm trở về trước, các cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này nở rộ như nấm sau mưa. Có nhiều tuyến phố tập trung rất đông các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này mà dân trong nghề thường gọi là phố hàng thùng như:Trần Nguyên Hãn, Hai Bà Trưng, Đình Đông, Phạm Minh Đức…
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh mặt hàng này đem lại sự phát đạt cho nhiều bà chủ cửa hàng. Nhiều người phất lên trông thấy mua nhà, sắm xe chính nhờ từ lời lãi buôn bán các mặt hàng tưởng như “thiên hạ bỏ đi” này…
Lâm vào cảnh thoái trào
Thông thường, hàng thùng thường được đánh về theo kiện từ nước ngoài như Nhật, Hàn, Mỹ, Úc… với giá nguyên kiện dao động trong khoảng 8-15 triệu đồng. Sau khi hàng được lấy về, các chủ buôn sẽ mở kiện và phân loại sản phẩm.
Những sản phẩm được chọn lựa kỹ càng ngay sau khi mở kiện còn được gọi là hàng nước một, có giá bán ra khá cao, nhưng vẫn rẻ hơn hàng hiệu và chất lượng đảm bảo và mẫu mã đẹp. Những mặt hàng này thường được các chủ cửa hàng ưu tiên cho những khách hàng “ruột” lâu năm, những chủ shop quần áo phục vụ khách thích đồ độc hay khách lái xế hộp nhưng có sở thích săn hàng hiệu giá rẻ.
Những hàng loại một sau khi đã được lọc lớp đầu, các sản phẩm còn lại sẽ được phân ra hàng nước hai bán cho quảng đại những ai có sở thích mua sắm hàng thùng. Theo thời gian mức giá sẽ giảm dần đến loại hàng chất đống có giá chỉ 10-15k/ chiếc và cuối cùng là đổ cân bán đống cho các tiểu thương mang về các khu vực nông thôn hoặc ngoại thành.
Lượng người tìm chọn "hàng thùng" đã vãn dần
Tận dụng đến “cả nước cả cái” như vậy nhưng nhìn chung, hiện nay phong trào mua sắm hàng thùng đã bão hòa và đi đến giai đoạn thoái trào. Chị Phương, một chủ cửa hàng cho biết: Nghề này nhiều khi may rủi khó lường. Hàng đóng theo kiện ép chân không nèn chặt làm sao biết được mới cũ ra sao.
Mỗi kiện quần áo đánh về hết khoảng 10 triệu, nếu may mắn thì vớ được kiện có nhiều cái mới còn có lãi. Nếu gặp phải kiện cũ, xấu thì cầm chắc cái lỗ. Đối với những cửa hàng mặt đường, chi phí thuê mặt bằng đã hết 6-7 triệu, tính trung bình mỗi tháng phải cắt được trên chục kiện mới đủ chi phí thuê nhà. Hàng không bán được, vốn đọng lại hàng trăm triệu dẹp tiệm là cái chắc.
"Hàng thùng" dần lâm vào cảnh thoái trào
Một nguyên nhân nữa khiến cho hàng thùng lâm vào cảnh thoái trào là do mức sống của người dân ngày càng được nâng lên khiến tư tưởng cũng thay đổi, nhiều người muốn sắm cho mình và gia đình những sản phẩm mới chứ không phải là những mặt hàng đã qua sử dụng nữa. Ngoài ra, sự nở rộ của các thương hiệu Việt Nam chất lượng cao cũng khiến cho hàng thùng bị cạnh tranh dữ dội.
Các nhãn hàng này trước hết đánh vào tâm lý mới – an toàn cho người tiêu dùng, nhất là những nhà có con nhỏ. Thứ đến là kiểu dáng và chất lượng khá bắt mắt mà giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với hàng thùng. Điều đó khiến cho hàng thùng dần bị mất đi ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nhiều cửa hàng do buôn bán ế ẩm, nhiều bà chủ một thời phát đạt đã buộc phải chấp nhận cuộc chơi của kinh tế thị trường, dẹp tiệm để tính đường xoay xở sang nghề khác với nỗi tiếc nuối một thời rầm rộ đã qua.
Bùi Hạnh