Sữa tươi tiêu thụ tốt – Cơ hội thị trường thời Covid-19

08:43 14/03/2022

Thời gian gần đây, trong lúc thị trường nói chung đang chịu nhiều áp lực trước tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và sự tăng giá của xăng dầu, thì vẫn có một số phân khúc hàng hóa được tiêu thụ khá tốt, trong đó có các sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu Việt. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành sữa Việt Nam, đồng thời cũng là mặt trái của những tác động từ dịch bệnh.

Khách hàng chọn mua sữa tươi tại siêu thị trên địa bàn Hải Phòng.

Nhu cầu tăng nhờ… dịch bệnh?

Ngay từ giữa tháng 1 vừa qua, trong lúc mọi người đang đổ vào lo chuyện giá cả thiết yếu tăng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thì một số mặt hàng sữa cũng âm thầm tăng giá. Tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực, thì việc tăng giá sữa đang phản ánh sự vận động hợp lý của thị trường, khi giá sữa trên thế giới cũng đang tăng cùng với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước ngày một cao.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Hoa – người dân ở ngõ 229 Hàng Kênh (quận Lê Chân) cho biết, khi gia đình xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, thay cho việc tìm kiếm hoặc nhờ cậy mua các loại thuốc ngoài luồng, gia đình chị quyết định lựa chọn tăng sức đề kháng của cơ thể người bệnh là phương thức điều trị chính.

Chị Hoa nói: “Hầu hết người trong gia đình tôi đều không có triệu chứng, sức khỏe ổn định nên không phát sinh nhu cầu thuốc đặc trị, hơn nữa theo lời khuyên của các bác sỹ, sức đề kháng là quan trọng nhất…”. Chính vì vậy, ngoài phần thuốc được cung cấp theo đơn, gia đình chị Hoa đặt mua online nhiều sữa tươi và chanh quả, pha uống cho cả nhà mỗi ngày.

Khảo sát tại các siêu thị trên thị trường thành phố thời gian gần đây, sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều, chủ yếu là các loại sữa tươi thương hiệu Việt, gồm cả 3 loại không đường, ít đường và có đường.

Bà Đỗ Thị Thu – một khách hàng khác ở đường Nguyễn Bình thì tâm sự: “Đồ uống chế biến công nghệ trên thị trường hiện quá nhiều, không biết lựa chọn loại nào bồi bổ đáng tin cậy, nên gia đình tôi cứ tin vào đồ uống hữu cơ, sản xuất trong nước cho yên tâm.”.

Cho thấy, sữa đã trở thành một đồ uống khá thông dụng cho mọi lứa tuổi, trong bối cảnh những loại đồ uống khác như nước ngọt, nước hoa quả ép, trà công nghiệp, đồ uống có cồn… thậm chí cả nước trắng tinh khiết đang dần mất vị thế.

Còn theo chia sẻ của chị Hoàng Thị Lan ở ngõ 46 Lạch Tray, thì mấy năm trước nhà chị chỉ mua sữa vì nuôi con nhỏ. Thoạt đầu chị mua những sản phẩm thương hiệu nổi tiếng, được cho là hàng xách tay nhập khẩu, chi phí riêng sữa cho thằng bé lên tới vài triệu đồng/tháng.

Sau đó, nghe thông tin về những vụ triệt phá sữa giả, sữa nhái “xách tay”, chị đâm hoảng mà quay về dùng sữa nội. Chị Lan nói: “Thằng cu nhà em lớn, nó chuyển sang dùng sữa tươi, cả nhà uống theo nó thành quen, giờ tuần nào nhà em cũng dùng hết mấy lít sữa, thậm chí tiếp khách cũng bằng sữa, chứ chẳng phải đợi đến mắc Covid-19 nữa…”.

Có lẽ thế, nên mới đây khi cả nhà chị Lan cùng mắc Covid-19, nhưng mọi người trong nhà đều khỏe. “Chỉ có điều lượng sữa mua về nhiều hơn, mỗi lít sữa cũng tăng giá 3 nghìn đồng so với trước tết, hơi tốn tiền một tí nhưng thực dụng…” – Chị Lan vui vẻ bộc bạch.

Đa dạng các thương hiệu sữa trên thị trường

          Sự vận động tất yếu

Cùng với sự tăng trưởng của cả nước, những năm gần đây thị trường sữa Hải Phòng cũng hình thành một phân khúc hàng hóa đáng kể, với tốc độ nhanh hơn nhiều nhóm hàng thực phẩm chế biến khác. Nhìn vào các gian hàng sữa trong siêu thị cũng như hệ thống các đại lý, nguồn sữa rất phong phú và đa dạng thương hiệu, trong đó thương hiệu nội chiếm tỷ lệ khá lớn.

Mới cách đây vài năm, mỗi lần giá sữa tăng là ngành sữa lại gặp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận, điều đó đã khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc, ban hành nhiều cơ chế nhằm chấn chỉnh thị trường sữa.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tại thời điểm đó thị trường sữa Việt Nam còn bị chi phối khá nhiều vào hàng nhập khẩu, trong khi kiến thức về sữa của người tiêu dùng chưa đồng đều. Sản phẩm sữa cũng tập trung chủ yếu cho đối tượng trẻ nhỏ, một phân khúc hẹp trong tổng thể thị trường.

          Còn theo số liệu của Hiệp hội sữa Việt Nam, mức tiêu thụ sữa các loại tại Việt Nam đã tăng hơn 2 lần trong vòng 10 năm qua, ước tính đạt bình quân 30kg/người/năm. Tăng trưởng doanh thu của ngành sữa đạt bình quân 12,7%/năm, xứng đáng là một phân ngành kinh tế đáng nể.

Thời gian qua, bên cạnh các thương hiệu lớn của thế giới như Nestle, Abbott, Dumex, Meiji, Dutch Lady, Mead Johnson… các thương hiệu Việt cũng đang trỗi dậy. Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Hanoimilk, Mộc Châu Milk và Ba Vì Milk… khiến thị trường sữa ngày càng xôm tụ.

Đáng chú ý, như đã đề cập ở trên, không riêng gì thị trường Hải Phòng mà mức tiêu thụ sữa đã gia tăng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước trong thời gian gần đây. Theo dự báo, nếu tốc độ được duy trì thì đến năm 2030, mức tiêu thụ sữa bình quân tại Việt Nam đạt trên 60 kg/người/năm, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sản xuất, chế biến và phân phối Việt, hiện đang đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, dù tăng trưởng mạnh nhưng theo kết quả khảo sát thì hiện mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước khác. Chỉ tính trong khu vực châu Á, mức tiêu thụ sữa tại Thái Lan là 45 kg/người/năm, tại Trung Quốc là 50 kg/người/năm và Hàn Quốc là 80 kg/người/năm…

          Cũng từ kết quả khảo sát cho thấy, giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn khá nhiều so với những quốc gia khác. Chẳng hạn cũng là một lít sữa tươi, tại Ấn Độ có giá khoảng 0,5 USD, tại các nước châu Âu có giá từ 0,5 đến 0,9 USD, còn tại Việt Nam mức bình quân hiện ở khoảng 1,3 USD.

Đơn cử như tại thị trường Hải Phòng, các loại sữa tươi thương hiệu Việt đang được bán lẻ từ 29 nghìn đồng/lít trở lên, cao hơn sản phẩm cùng loại của Pháp hoặc Úc, trong khi sản phẩm nhập khẩu còn phải chịu rất nhiều chi phí giá thành liên quan khác.

Như vậy, thị trường sữa Việt còn tiềm ẩn nhiều điều phải bàn, nhất là những yếu tố cấu thành giá bán. Nhưng rõ ràng so với một số đồ uống khác tràn lan, trong bối cảnh người dân đang cần tăng sức đề kháng để chống chọi với dịch bệnh Covid-19, thì việc sử dụng sữa nên được khuyến khích bởi những lợi ích thiết thực đã được chứng minh.

Bên cạnh đó, với dân số 100 triệu dân, Việt Nam có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sữa phát triển, không chỉ góp phần tăng nguồn dinh dưỡng cho cộng đồng mà còn thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác.

Hy vọng trong tương lai gần, thị trường sữa tại Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, trong bữa ăn của người Việt, sữa sẽ là thức để thay thế dần đồ uống có cồn hay các loại nước khác được cho là pha chế từ hóa chất.

Nhưng trước khi nghĩ đến điều đó, ngành sữa Việt cũng nhân cơ hội này, minh bạch hơn, thân thiện hơn với người tiêu dùng để chiếm lĩnh thị trường.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích