22:11 15/05/2024 Đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955- 13-5-2024), Công ty CP Cảng Hải Phòng tổ chức trọng thể lễ gắn biển hoàn thành xây dựng cầu cảng số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đây là sự kiện trọng đại không chỉ với CBCNV Cảng Hải Phòng mà với cả thành phố Hải Phòng bởi công trình được hoàn thành theo đúng kế hoạch, góp phần quan trọng phát huy thế mạnh của Cảng biển Hải Phòng, không ngừng vươn ra biển lớn và gặt hái thành công. Từ đây, Cảng biển Hải Phòng tiếp tục có những bước tiến vững chắc, xác định rõ vai trò, vị thế là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Hải Phòng.
Gắn liền với sự phát triển của Hải Phòng
Trước khi giải phóng Hải Phòng năm 1955, mặc dù đã được hình thành từ cách đó gần 80 năm nhưng Cảng Hải Phòng có quy mô nhỏ bé, năng lực hàng hóa chỉ khoảng hơn 50.000 tấn/năm. Than, gạo, xi măng là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu cùng với một số mặt hàng nông thổ sản của Bắc bộvà nhập khẩu máy móc, xe cộ, hàng tiêu dùng phương tây… 69 năm sau, Cảng Hải Phòng vụt đứng dậy với tầm vóc Phù Đổng, với vị thế Cảng biển lớn nhất miền Bắc. Từ tầm vóc, vị thế ấy, Hải Phòng đang có những dự định lớn lao để phát triển trở thành thành phố hàng hải toàn cầu.
Trong tâm khảm của mỗi người dân Hải Phòng, Cảng luôn gắn bó và thân thương. Thương hiệu thành phố Cảng, người dân thành phố Cảng Hải Phòng nổi danh khắp năm châu bốn biển. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thực chất cho thấy mỗi bước đường phát triển đi lên của thành phố, dù trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay khi hòa bình lập lại, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng đều không thể tách rời cảng biển. Cảng mở rộng bao nhiêu thì thành phố phát triển bấy nhiêu.
69 năm qua, mặc dù phải trải qua mưa bom bão đạn, phải hứng chịu những thử thách, gian khổ, hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, Cảng Hải Phòng vẫn gánh trọn sứ mệnh vừa đấu tranh bảo vệ Cảng, bảo vệ thành phố, vừa giữ cho hoạt động xuất nhập khẩu luôn thông suốt, góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng thành phố, đất nước. Thật vinh dự và tự hào khi Cảng Hải Phòng đã 3 lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về thăm và làm việc với Hải Phòng đều chỉ đạo lấy cảng biển là một trọng điểm phát triển chính của Hải Phòng.
Từ đó, hệ thống Cảng biển Hải Phòng được tập trung đầu tư bằng nguồn lực ngân sách, nguồn vốn vay ODA, cùng với các cơ chchính sách rộng mở thu hút nhiều nguồn vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến nay, khu vực Hải Phòng đã có gần 40 cảng biển lớn nhỏ, Hải Phòng trở thành thương cảng lớn thứ hai cả nước, lớn nhất phía Bắc, các cảng biển có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô, trình độ công nghệ, năng lực bốc xếp hàng hóa cùng các dịch vụ kèm theo.
Đặc biệt, NQ 32 ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị“Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ CNH-HĐH đất nước”đã thổi luồng gió mới trong xây dựng Cảng biển khi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được khởi công trong quý 2- 2013 và tháng 5-2018 đã chính thức đưa vào hoạt động 2 bến khởi động. Với sự kiện này, từ một cảng biển truyền thống, có năng lực tiếp nhận tầu trọng tải chỉ 40.000 tấn, cảng biển Hải Phòng đủ năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải từ 100.000 đến 150.000 tấn, đưa cảng biển quốc tế Hải Phòng trở thành một cảng biển tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Đây thực sự là một dấu mốc trong lịch sử phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời cũng là một dấu mốc quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng.
Từ đó đến nay, Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) liên tục đón những con tàu lớn vào làm hàng, đặt những dấu mốc quan trọng trong phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT, khu vực miền Bắc Việt Nam đến các cảng châu Mỹ và châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài. Đại diện HITC cho biết, việc triển khai tuyến mới này làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài... Không những thế, Cảng HITC của Hải Phòng còn nằm trong danh sách 20 bến cảng đón được tàu lớn của các châu lục.
Ngay sau 2 bến khởi động, các nhà đầu tư là Công ty CP Cảng Hải Phòng và Công ty CP Tập đoàn Hateco đã đầu tư xây dựng các bến 3,4,5,6 và sẽ hoàn thành cuối năm 2024, đầu năm 2025. Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh nêu rõ, sự kiện gắn biển hoàn thành xây dựng cầu cảng số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Cảng Hải Phòng.
Trải qua tròn 150 năm phát triển với các bến cảng truyền thống hiện hữu có năng lực tiếp nhận tàu trọng tải tối đa 40.000 tấn, Cảng Hải Phòng đã hiện thực hóa khát vọng tiến ra biển lớn, góp phần đưa khu bến cảng Lạch Huyện trở thành cảng biển tầm cỡ trong khu vực và thế giới có thể tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ. Cũng thật đáng vui mừng khi sắp tới đây, các bến số 7,8,9,10, 11, 12… sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Cũng là điều phấn khởi và tự hào khi sau 69 năm, từ một thương cảng nhỏ bé, đến nay Cảng biển khu vực Hải Phòng đã có năng lực lên tới hơn 170 triệu tấn hàng hóa thông qua năm 2023, luôn đi trước các dự báo, đang vươn tới mục tiêu 200 triệu tấn và cao hơn nữa. Đáng chú ý, từ cảng biển, Hải Phòng tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cùng nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ, hiện đại bao gồm cả cảng biển, sân bay quốc tế; hệ thống đường cao tốc tới khắp nơi và những cây cầu lớn.
Không thể phủ nhận, sự vươn mình lớn dậy của đô thị Hải Phòng; sự sầm uất, sôi động, nhộn nhịp của các hoạt động sản xuất kinh doanh; sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà đầu tư và sự tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, từng bước nâng cao mức sống người dân... là nhờ một phần quan trọng từ Cảng biển.
Vươn tới mục tiêu đô thị hàng hải toàn cầu
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định phát triển thành phố Hải Phòng với 3 trụ cột chiến lược là Cảng biển, Công nghiệp và Du lịch Thương mại. Trong đó, Cảng biển được đưa lên hàng đầu.
Theo đó, thành phố đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững; là thành phố hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước.
Từ định hướng đó, Hải Phòng sẽ phát triển hệ thống cảng biển và hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng; hình thành lối sống văn hóa đô thị cảng văn minh, hiện đại, thu hút nhân tài tới Hải Phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo các ngành nghề gắn với hàng hải, kinh tế biển, hải dương học...
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ: Cảng là cấu thành chính của đô thị hàng hải toàn cầu. Theo đó, sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng biển Hải Phòng là cảng biển đặc biệt trong hệ thống cảng quốc gia với các chức năng cảng cửa ngõ quốc tế, càng tổng hợp quốc gia. Trong đó, tập trung cao cho phát triển khu bến Lạch Huyên- nam Đồ Sơn- Văn Úc.
Cụ thể, phát triển tiếp khu bến Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế và mở rộng cảng nam Đồ Sơn thành cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, kết hợp quốc phòng an ninh khi có yêu cầu. Đồng thời, bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải); cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng; kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung thêm các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn; từng bước di dời khu bến trên sông Cấm để quy hoạch phát triển đô thị nam sông Cấm... Với những định hướng đó sẽ đáp ứng yêu cầu tăng lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng theo nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, vươn tới những đỉnh cao mơ ước.
Như thế, tương lai của Cảng biển Hải Phòng rất rộng mở kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khẳng định một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn nhất vị thế cảng biển Hải Phòng, vị thế của thành phố Hải Phòng, là bệ đỡ để Hải Phòng vượt sóng trùng khơi, vươn tới những chân trời mới, phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024