Tác phẩm tham dự cuộc thi Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng năm 2023: Tuổi trẻ với sứ mệnh đấu tranh làm thất bại mưu đồ "Diễn biến hòa bình trên không gian mạng"

11:08 26/09/2023

KỲ 1: KHÔNG GIAN MẠNG - “VÙNG LÃNH THỔ ĐẶC BIỆT”
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với những đột phá lớn chưa từng có về khoa học - công nghệ nhất là trên lĩnh vực không gian mạng và mạng Internet đã và đang làm thay đổi thế giới và mang đến những lợi ích không ngờ đối với các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do mang tính mở cùng thuộc tính tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo, không gian mạng vì vậy luôn là thách thức không nhỏ đối với ANQG và TTATXH của bất cứ thể chế nhà nước nào.

Điểm lại từ khi Internet mới ra đời (đầu thập kỷ 1960) của cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 và với những bước phát triển như vũ bão cho đến nay, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Cho tới Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (từ năm 2011) với đặc trưng là điều khiển hệ thống và robot, các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo, khoa học - công nghệ đã thực sự bùng nổ trên nền tảng công nghệ số tích hợp cùng công nghệ “thông minh” để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

Công nghệ số bởi thế đang ngày càng phát triển và được ứng dụng phổ biến hơn kéo theo đó là vô số những lợi ích mới song trùng với những mặt trái tiêu cực đầy ẩn họa.

Tại Khoản 3, Điều 2, Luật An ninh mạng 2018 đã quy định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Đây được xem là một định nghĩa khá hoàn chỉnh về một “vùng lãnh thổ đặc biệt” rộng lớn chưa từng có, không biên giới, bao trùm nhân loại đã và đang làm không gian mạng có bước thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, thậm chí cách mạng hóa cuộc sống của chúng ta. Và như đã nói, “vùng lãnh thổ đặc biệt” này không hề phẳng lặng mà tồn tại nhiều thái cực, trong đó, nguy hiểm nhất là tội phạm mạng, khủng bố mạng và cuộc chiến thông tin không tiếng súng trên không gian mạng. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, các vụ tấn công mạng diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 khi Chính phủ và doanh nghiệp phải chuyển sang trạng thái làm việc từ xa.

                                         Biểu đồ tỷ lệ độ tuổi người dùng facebook tại Việt Nam ( Nguồn: Internet)

Ngược lại trước đó, vào năm 1997 khi Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu, trải qua 26 năm, mạng xã hội với đặc điểm vô cùng đặc biệt của nó về phạm vi tương tác đa chiều, không giới hạn về không gian, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện, nguồn tin phong phú, đa dạng đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người thậm chí tác động trực tiếp làm thay đổi cả nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân cũng như sự ổn định và phát triển của một quốc gia. Triệt để khai thác lợi thế đó, các thế lực phản động đã tập trung chống phá quyết liệt nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Trong nhiều lý do khác nhau, nhất là yếu tố khách quan mạng xã hội tại Việt Nam có tốc độ lan truyền tin tức nhanh, khả năng phát tán thông tin rộng rãi và miễn phí, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch bởi thế càng nguy hiểm khôn lường. Theo We Are Social và Hootsuite (2020) cùng Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020, Việt Nam là quốc gia có số người dùng Internet và mạng xã hội thuộc tốp đầu thế giới.

Theo đó, trong số 96,9 triệu dân cả nước có tới 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) dùng Internet, cao thứ 12 toàn cầu và thứ 6 Châu Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số người dùng YouTube cao nhất.

Trong số đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi). Như vậy, không gian mạng đang trở thành một không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không hề bị giới hạn.

Trước thực tế trên, với tinh thần chủ động, từ năm 2014 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng nhằm giữ vững chủ quyền và ANQG trên không gian mạng được thể hiện rõ nét trong các Văn kiện Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược an ninh quốc gia”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018…

 (Còn nữa)

 Hoàng Đức – Bảo Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích