Tâm đã phục nhưng khẩu chưa phục

18:14 01/10/2014

 

 

Lực lượng CSGT kết hợp với cán bộ đăng kiểm ATKT kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đối với xe vận tải khách
Lực lượng CSGT kết hợp với cán bộ đăng kiểm ATKT kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đối với xe vận tải khách

Ngày 25-9, Sở Giao thông vận tải tổ chức họp với lãnh đạo của 36 doanh nghiệp (DN) vận tải khách theo tuyến cố định trên địa bàn thành phố để công bố dữ liệu về lỗi chạy quá tốc độ cho phép thu được từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) kết nối trực tiếp giữa xe ô tô với Trung tâm quản lý dữ liệu Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây chỉ là cuộc họp chấn chỉnh, nhắc nhở chứ chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính và các DN vi phạm đều đồng loạt kêu “oan”, nhưng quan điểm của ngành chức năng là vẫn phải xử lý nghiêm.

Hơn 61,7% xe vi phạm chạy quá tốc độ cho phép

Theo Công văn số 4546/TCĐBVN-VT ngày 6-9-2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT, trong tháng 8-2014, thành phố Hải Phòng có 3.879/6.286 phương tiện cơ giới đường bộ (xe ô tô chở khách theo tuyến cố định, chở khách theo hợp đồng; xe ô tô tải chuyên dùng sơ-mi rơ-moóc, đầu kéo công-ten-nơ buộc phải lắp thiết bị quản lý dữ liệu GSHT theo quy định) đang hoạt động trên phạm vi cả nước đã vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép, chiếm 61,7% về số đầu phương tiện.

Tổng số lần vi phạm lên tới 103.367 lượt, quãng đường vi phạm 427.822km. Trong đó, phân loại mức độ vi phạm: có 75.217 lượt chạy quá tốc độ cho phép từ 5-10km/h; có 26.252 lượt chạy quá từ 10-20km/h; 1.751 lượt vi phạm từ 20-35km/h và 147 lượt vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đã chạy quá tốc độ cho phép trên 35km/h

Riêng lĩnh vực vận tải khách theo tuyến cố định, từ ngày 15-8 đến 15-9-2014, với 478 xe thuộc 36 DN được Sở GTVT cấp phép hoạt động vận tải khách các tuyến cố định trên cả nước đã có 70.339 lượt chạy quá tốc cho phép. Trong đó, 34/36 DN có phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; 17/36 DN có phương tiện (79 xe) chạy quá tốc độ trên 10%; 11/36 DN có phương tiện (67 xe) chạy quá tốc độ trên 20%.

Điển hình, Hãng xe khách Hải Âu có 25 xe vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép, trong đó cá biệt có những xe mang BKS: 16M-8452 đã chạy 114km/h; xe BKS: 15B-000.13 chạy 111km/h và xe BKS: 16M-8514 chạy 107km/h (đều là xe khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội) trên QL5, trong khi trên tuyến đường này theo quy định các loại xe chỉ được chạy không quá 70km/h. Tương tự, Hãng xe Đất Cảng có 15 xe vi phạm chạy quá tốc độ cho phép, cá biệt có 3 phương tiện gồm xe BKS: 15B-001.46 chạy 119km/h, xe BKS: 15B-008.44 đã chạy 111km/h và xe BKS: 15B-001.47 đã chạy 106km/h (tuyến Hải Phòng - Hà Nội).

Tuy nhiên, theo Bộ phận quản lý thiết bị GSHT Sở GTVT, số lượng vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép sẽ còn cao hơn nếu như các DN vận tải và lái xe chấp hành nghiêm việc truyền dẫn dữ liệu đến Trung tâm kiểm soát dữ liệu thiết bị GSHT. Vì theo thống kê, đã có 20/36 DN có phương tiện vi phạm truyền dẫn dữ liệu không liên tục (ngắt quãng), với 58/478 xe ô tô chở khách vi phạm về truyền dẫn dữ liệu thiết bị GSHT. Sẽ không loại trừ những đơn vị có phương tiện không truyền dẫn dữ liệu liên tục với mục đích gian dối, che đậy lỗi vi phạm hay nhằm đối phó với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Doanh nghiệp kêu… “oan”

Tại cuộc họp, đại diện các DN vận tải khách theo tuyến cố định đều đưa ra những vấn đề thắc mắc kiến nghị, thậm chí kêu “oan”. Trong đó chủ yếu là có sự chênh lệch quá lớn từ dữ liệu thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN (Cơ quan quản lý TW) và của dữ liệu DN được phép quản lý khai thác (theo quy định, dữ liệu từ thiết bị GSHT của DN chỉ có tác dụng so sánh, kiểm tra lại).

Cụ thể, các DN vi phạm đều kiến nghị về số lượt vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN lớn gấp nhiều lần so với dữ liệu DN trích xuất. Ví dụ, Công ty CP xe khách Thanh Long (hãng Thanh Long) thắc mắc: Theo dữ liệu từ thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN thì đơn vị có 6 xe vi phạm lỗi chạy quá tốc độ cho phép (BKS: 15L-5956 vi phạm tổng số 224 lượt; xe BKS: 16L-6162 vi phạm 447 lượt; xe BKS: 16L-6929 vi phạm 295 lượt; 16L-7659 vi phạm 551 lượt; 15B-005.55 vi phạm 522 lượt và xe BKS: 16M-3129 vi phạm 322 lượt).

Thế nhưng, dữ liệu từ loại thiết bị này do đơn vị quản lý, khai thác chỉ phản ánh có 4 phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ trong tháng là các xe BKS: 15L-5956; xe BKS: 16L-6162; xe BKS: 16L-6929; xe BKS: 15B-005.55(?!). Tương tự, Công ty TNHH VT BUS Hải Phòng (Hải Âu) cho rằng số lần vi phạm trong tháng 8-2014 đối với các xe BKS16N-0993 là 1.004 lượt, 16N-2035 là 1.100 lượt và xe 16N-6242 là 1.024 lượt mà phía cơ quan quản lý nhà nước là quá lớn, vượt đến vài chục % so với dữ liệu DN quản lý trích xuất.

Các chủ hãng xe vận tải khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội ký cam kết thực hiện nghiêm quy định trên tuyến
Các chủ hãng xe vận tải khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội ký cam kết thực hiện nghiêm quy định trên tuyến

Còn theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (hãng xe Đất Cảng) thì: Những dữ liệu vi phạm tốc độ của những trường hợp cụ thể mà thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN ghi được không khớp với dữ liệu phần mềm thiết bị GSHT doanh nghiệp quản lý. Ví dụ, theo dữ liệu từ thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN đưa ra, hãng xe Đất Cảng có 3 xe chạy quá tốc độ cao là xe BKS: 15B-001.46 đã chạy 119km/h, xe BKS: 15B-008.44 đã chạy 111km/h và xe BKS: 15B-001.47 đã chạy 106km/h (vượt quá trên 35km/h). Trên thực tế, theo dữ liệu từ thiết bị GSHT của đơn vị này thì xe BKS: 15B-001.46 chỉ chạy cao nhất 93km/h, xe BKS: 15B-008.44 chạy cao nhất 91km/h và xe BKS: 15B-001.47 chạy 90km/h (vượt quá tốc độ từ 20-35km/h).

Ông Hải cho biết: Vi phạm đã rõ, song DN vẫn phải kêu oan vì DN vận tải và lái xe sẽ rất thiệt thòi khi bị phạt nếu dữ liệu đưa ra có sự chênh lệch lớn.

Cũng theo ông Hải, vấn đề dữ liệu không đồng nhất giữa phần mềm doanh nghiệp quản lý với số liệu Tổng cục ĐBVN trích xuất thông báo về Sở GTVT là có phần trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị GSGH.

Theo quy định, DN vận tải phải mua thiết bị GSHT của đơn vị do Bộ GTVT chỉ định. Nghĩa là DN đã mua thiết bị chuẩn, hợp quy và đã được cơ quan nhà nước kiểm duyệt, bảo hành, chịu trách nhiệm về độ chuẩn xác, mức độ kết nối mạng từ TW - địa phương và doanh nghiệp. Do vậy, rất cần có cuộc họp 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp thiết bị GSHT và DN vận tải nhằm phân định rõ ràng trách nhiệm khi để xảy ra sai số đáng tiếc.

Cơ quan quản lý nhà nước nói gì?

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT) giải thích, chênh lệch về số liệu hay số liệu chưa được thống nhất là có thể xảy ra vì theo cách tính blok thời gian giữa 2 đầu thiết bị GSHT không khớp nhau. Ví dụ Tổng cục ĐBVN áp dụng cách tính 3 giây/lần vi phạm nhưng DN áp dụng cách tính là 10 giây/lần vi phạm. Hoặc Tổng cục ĐBVN áp dụng cách tính tốc độ tối đa cho phép theo sức chứa của phương tiện (đặc biệt trên QL5, vì từ ngày 15-8 Tổng cục ĐBVN áp dụng bản đồ số quản lý hành trình xe) chứ không căn cứ biển báo hiệu trên đường giao thông.

Về phía Tổng cục ĐBVN cũng đã thừa nhận xảy ra tình trạng không đồng nhất về dữ liệu giữa thiết bị GSHT đang quản lý và của DN. Cơ quan này đã tổ chức hội thảo với các đối tượng liên quan nhằm tiếp thu, rà soát khắc phục, trong đó dự kiến sẽ ấn định tỷ lệ sai số nhất định, chứ không cứng nhắc trong việc áp dụng chế tài xử phạt. Hoặc cũng sẽ đưa ra chế tài xử lý đơn vị cung cấp thiết bị GSHT không đạt chuẩn.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, quan điểm chỉ đạo của ngành là xử lý nghiêm trên cơ sở dữ liệu của Tổng cục ĐBVN thông báo. Tuy nhiên, cách làm của sở theo cơ chế mở, công khai và với tinh thần tạo điều kiện cho DN. Cụ thể, sau khi nhận được thông báo của Tổng cục ĐBVN về vi phạm chạy quá tốc độ, vi phạm truyền dẫn dữ liệu, vi phạm thời gian lái xe, bộ phận quản lý thiết bị GSHT của sở có trách nhiệm gửi thông tin cần thiết cho DN theo địa chỉ thư điện tử (email).

Nếu trong thời gian 3 ngày DN không có thư phản hồi, thắc mắc hay kiến nghị xem xét giải quyết thì Sở GTVT chính thức áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Sở GTVT cũng đã có chỉ đạo bộ phận quản lý thiết bị GSHT thường trực, cập nhật thông tin liên tục; bám sát, hướng dẫn, giúp đỡ DN vận tải thao tác nghiệp vụ GSHT tại cơ sở.

Trong tháng 9-2014, không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT cung cấp là do từ ngày 15-8, Cơ quan quản lý đường bộ TW mới chính thức áp dụng bản đồ số trên tuyến QL5. Nhưng các DN vận tải phải nhận thức rằng, chủ trương kiểm soát tốc độ phương tiện thông qua thiết bị GSHT là đúng đắn, kịp thời, vì hiện trạng lỗi vi phạm về chạy quá tốc độ cho phép đang rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT rất cao và cần phải được chấn chỉnh.

DN vận tải phải tự giác chấp hành, thực hiện, quản lý, nâng cao ý thức cho đội ngũ lái xe, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông góp phần vào việc giải quyết triệt để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông