Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên phát triển chăn nuôi

12:29 12/02/2025

Trong bối cảnh giá thức ăn công nghiệp không ngừng tăng cao, việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có tại địa phương đang trở thành sự lựa chọn hiệu quả giúp nhà nông không chỉ tiết kiệm được tối đa chi phí trong chăn nuôi mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng và môi trường sinh thái…
 Các loại lá (khoai, ngô) là nguồn thức ăn ưa thích của đàn giá súc

Lợi ích của thức ăn tự nhiên

Là những loại thức ăn có sẵn trong tự nhiên, không qua chế biến công nghiệp, được sử dụng để nuôi dưỡng vật nuôi, thức ăn tự nhiên trong chăn nuôi thường bao gồm các loại như: cỏ cây, rau, củ, quả, côn trùng, các loại phụ phẩm nông nghiệp khác.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cũng như hầu hết người chăn nuôi, thì khác với thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi phải bỏ ra một số chi phí nhất định để mua về cho đàn vật nuôi ăn, việc sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẽ đem lại những lợi ích đáng kể không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ của người tiêu dùng.

Trước hết cần phải kể đến việc tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có sẽ giúp người chăn nuôi tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, cắt giảm chi phí vận chuyển, bảo quản. Đáng chú ý, thức ăn tự nhiên được đánh giá là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng giúp vật nuôi khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng thịt, sữa, trứng…, thơm ngon, bổ dưỡng và an to hơn cho sức khỏe người tiêu dùng cao.

Từ đó, giúp sản phẩm chăn nuôi tăng sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Đối với môi trường sống xung quanh, việc tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có vào chăn nuôi giúp giảm thiểu lượng rác thải hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần xây dựng một hệ sinh thái bền vững. Và đối với người tiêu dùng, việc lựa chọn nguồn thức ăn thịt, sữa, trứng…, được tạo ra từ những đàn vật nuôi ăn nguồn thức ăn tự nhiên không chứa các hóa chất độc hại thường có trong thức ăn chăn nuôi công nghiệp, sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình được tốt hơn.

Cách chế biến hợp lý

Nguồn thức ăn tự nhiên trong chăn nuôi có rất nhiều loại. Tuỳ vào mỗi loại vật nuôi khác nhau, người chăn nuôi sẽ chọn cho đàn vật nuôi của gia đình loại thức ăn phù hợp. Đơn cử, đối với nguồn thức ăn là thực vật sẵn có như: cỏ, lá, rau các loại sẽ là nguồn thức ăn giàu chất xơ ưa thích cho đàn gia súc (trâu, bò, dê).

Các loại lá (khoai, ngô) là nguồn thức ăn ưa thích của đàn giá súc

Ngoài gạo, cám gạo, các loại củ quả như: ngô, khoai, săn... cung cấp năng lượng cho vật nuôi, thích hợp cho đàn lợn, gà, vịt. Đối với các loại phế phẩm nông nghiệp như: bã đậu, cám gạo, bã bia là nguồn thức ăn dinh dưỡng có thể tận dụng cho nhiều loại vật nuôi là đàn gia súc, gia cầm. Hay phế phẩm từ thủy sản như tôm, cá vụn, có thể làm thức ăn giàu protein cho đàn gà, vịt…

Và để tối ưu hóa nguồn dinh dưỡng và sức khỏe cho đàn vật nuôi, việc chế biến thức ăn tự nhiên một cách hợp lý có vai trò rất quan trọng. Người nông dân có thể tham khảo một số phương pháp cụ thể sau: Đối với các loại củ, quả (như cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ…), người chăn nuôi nên áp dụng phương pháp “làm nhỏ, nấu chín”: rửa sạch, cắt nhỏ và luộc chín trước khi cho đàn vật nuôi ăn. Việc nấu chín sẽ làm mềm thức ăn, giúp vật nuôi dễ tiêu hóa, đồng thời lại tiêu diệt được các loại vi khuẩn có hại.

Đối với các loại phế phẩm nông nghiệp (bã đậu, bã ngô…) người chăn nuôi có thể nấu chín hoặc hấp để làm mềm, tăng độ ngon miệng, kích thích hệ tiêu hoá cho vật nuôi. Riêng đối với những loại cỏ cứng, có thể cắt nhỏ, luộc sơ qua để vật nuôi dễ tiêu hóa hơn, nhất là cho gia súc non.

Ngoài phương pháp “làm nhỏ, nấu chín”, bà con nông dân có thể áp dụng phương pháp “ủ men vi sinh”. Cụ thể, với nguồn thức ăn là cỏ tươi, sau khi cắt nhỏ, bà con đem trộn với men vi sinh chuyên dụng rồi ủ trong điều kiện kín gió. Quá trình này làm cho cỏ mềm hơn, giúp vật nuôi dễ tiêu hóa hơn, tăng cường hàm lượng dinh dưỡng.

Hay nguồn bã đậu sau khi đã nấu chín, người chăn nuôi có thể trộn với men vi sinh và ủ để tạo thành thức ăn lên men giàu protein, rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi. Nguồn rau xanh (muống, cải) sau khi băm nhỏ cho vào trộn với bã đậu đã nấu chín để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và protein cho vật nuôi. Thức ăn là cám gạo có thể trộn với các loại rau, củ đã nấu chín để tạo thành hỗn hợp giàu năng lượng và dinh dưỡng, phù hợp cho nhiều loại vật nuôi. Cỏ tươi được trộm với các loại thức ăn tinh như ngô, gạo sẽ cung cấp đủ năng lượng cho vật nuôi.

Ngoài ra, khi sử dụng thức ăn tự nhiên, người chăn nuôi cần chú ý bảo đảm nguồn thức ăn không bị ôi, nấm mốc hoặc chứa các chất độc hại. Tránh việc chỉ sử dụng một loại thức ăn trong thời gian dài để đảm bảo vật nuôi nhận đủ dinh dưỡng.      

Được biết, qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, thực tế chăn nuôi của nhiều hộ dân cho thấy, việc tận dụng thức ăn tự nhiên đã giúp các hộ chăn nuôi giảm từ 20-40% chi phí thức ăn mà vẫn đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.

Đặc biệt, đàn vật nuôi ăn thức ăn tự nhiên thường có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc bệnh và cho sản phẩm chất lượng cao hơn so với chăn nuôi bằng nguồn thức ăn công nghiệp. Qua đó, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đây là giải pháp hữu hiệu, mang tính bền vững, được bà con chăn nuôi lựa chọn trong tình hình giá thức ăn công nghiệp tăng cao.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông