Tăng biên chế và hợp đồng lao động cho ngành Giáo dục Đào tạo Đáp ứng yêu cầu thực tế

10:42 04/04/2024

Kỳ họp thứ 14 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa 16 vừa thông qua nghị quyết quyết định phê duyệt bổ sung số người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước và điều chỉnh số hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập thuộc thành phố Hải Phòng năm 2024. Theo đó, sẽ tăng thêm 1906 biên chế và lao động hợp đồng cho ngành Giáo dục Đào tạo. Đây là tin vui đối với ngành Giáo dục Đào tạo và cả các địa phương, khắc phục một phần tình trạng thiếu giáo viên trong các trường học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn cần phải có phương pháp, cách làm phù hợp mới có thể sử dụng được số biên chế và lao động hợp đồng đã được duyệt này.

                                                                            Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Ngày 6-1-2024, UBND thành phố ban hành quyết định số 130 về việc giao biên chế, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị, các hội đặc thù thuộc thành phố Hải Phòng năm 2024. Như vậy, về thực chất, thành phố đã duyệt số lượng tớtừng người và khó có thể thay đổi do chủ trương tinh giản biên chế và việc xét duyệt phải thông qua rất nhiều bước, quy trình, phải theo định mức quy định và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; trình HĐND thành phố. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo, với số biên chế và lao động hợp đồng được duyệt theo quyết định số 130, nhìn chung chưa giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực của ngành.

                Nhiều trường học sẽ được bổ sung thêm giáo viên, nhân viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới

Đây cũng là tình trạng chung của cả nước. Vì thế, ngày 12-12-2023, Bộ Nội vụ đã có công văn số 7281 về bổ sung biên chế giáo viên năm học 2023- 2024. Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành các Thông tư số 19, 20 ngày 30-11-2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, có hiệu lực từ ngày 16-12-2023. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài chính thống nhất một số nội dung và báo cáo UBND thành phố có tờ trình về quyết định phê duyệt bổ sung số người làm việc hưởng lương ngân sách và lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục Đào tạo.

Như vậy, từ thực tế thiếu giáo viên của Hải Phòng cũng như các quy định mới bổ sung định mức, biên chế của Trung ương, việc HĐND thành phố kịp thời ban hành nghị quyết tăng thêm nhân lực cho ngành Giáo dục Đào tạo Hải Phòng là chủ trương đúng, trúng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang khá cấp bách hay nói cách khác là giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống một cách khẩn trương, bài bản, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

                                                                         Cơ bản đáp ứng yêu cầu

Theo quyết định số 130 của UBND thành phố, số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm 2024 là 26.569 người, gồm 25.085 biên chế và 1484 lao động hợp đồng. Trong đó, bậc mầm non có 7515 người (7039 biên chế và 206 hợp đồng); bậc tiểu học 8415 người (8272 biên chế và 143 hợp đồng); bậc trung học cơ sở 7429 người (6725 biên chế và 704 hợp đồng); bậc trung học phổ thông 3210 người (2779 biên chế và 431 hợp đồng).

Tuy nhiên, sau khi có các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và yêu cầu từ thực tiễn thì số nhân lực được giao này chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi định mức mới của Bộ Giáo dục Đào tạo tăng hơn so với định mức cũ.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quyết định tăng thêm biên chế và lao động hợp đồng cho ngành Giáo dục Đào tạo. Nguyên tắc đưa ra là sẽ giao hết số biên chế giáo viên được bổ sung theo quyết định số 1237 ngày 22-1-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy và hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại công văn số 7281 ngày 12-12- 2023 cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, tính định mức số người làm việc theo quy định mới của Bộ Giáo dục Đào tạo. Đồng thời, bổ sung biên chế giáo viên đối với đơn vị, địa phương thiếu biên chế so với định mức.

Chỉ tiêu biên chế đã có nhưng việc tuyển dụng và giữ được giáo viên ở lại với nghề không dễ, nhất là giáo viên ngoại ngữ. Ảnh: Giờ học tiếng Hàn tại Trường tiểu học Hồng Phong (huyện An Dương)

Cụ thể, đối với bậc học mầm non, bảo đảm đủ số lượng giáo viên còn thiếu so với định mức; đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ sung biên chế giáo viên theo tỷ lệ tổng số giáo viên được bổ sung/tổng số giáo viên còn thiếu so với định mức, bảo đảm tương quan giữa các đơn vị, địa phương. Sau khi bổ sung biên chế, giao số lao động hợp đồng bằng 70% số người làm việc còn thiếu so với định mức theo quy định tại Nghị định số 111/2022 của Chính phủ.

   Trên cơ sở đó, HĐND thành phố quyết định giao tăng thêm 1906  biên chế và lao động hợp đồng cho ngành Giáo dục Đào tạo (gồm 1174 biên chế và 732 lao động hợp đồng). Như vậy, số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm 2024 là 28.475 người. Trong đó, bậc mầm non có 7842 người (7616 biên chế và 226 hợp đồng, tăng 327 người); bậc tiểu học có 9358 người (8634 biên chế và 724 hợp đồng, tăng 943 người); bậc trung học cơ sở có 8002 người (7046 biên chế và 956 hợp đồng, tăng 573 người); bậc trung học phổ thông có 3273 người (2963 biên chế và 310 hợp đồng, tăng 63 người). Dự kiến số kinh phí tăng chi từ ngân sách cho số lao động tăng thêm này là khoảng 170 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo, với số lượng này, đã có thể đáp ứng được khoảng gần 90% định mức biên chế được giao. So với định mức, còn thiếu khoảng hơn 3000 biên chế nữa nhưng đây cũng là sự thuận lợi rất lớn và ngành Giáo dục Đào tạo có thêm điều kiện để thực hiện các mục tiêu đề ra của năm học. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể sử dụng được hết số biên chế và lao động hợp đồng được giao bởi tuy thiếu nhưng tuyển được người không hề dễ dàng, liên quan nhiều tới tiêu chuẩn, trình độ, nhất là giáo viên tiếng Anh, âm nhạc, thể dục và một số bộ môn khác…

Do đó, việc duyệt bổ sung biên chế và lao động hợp đồng là bước đầu. Tiếp theo đó, các ngành, các địa phương, các trường học cần có các giải pháp thích hợp để thu hút, tuyển chọn, không chỉ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mà còn đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong tình hình mới, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng./.

                                                                                                                                   Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông