Tăng cường kết nối, hợp tác đầu tư với các địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc

09:50 16/05/2024

Thời gian gần đây, Hải Phòng liên tục đón các đoàn khách Trung Quốc bao gồm lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức tới thăm, làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và kết nối hợp tác. Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm khai thác nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc rất mong muốn được đầu tư tại Hải Phòng, cùng tìm kiếm những cơ hội phát triển, mang lại những lợi ích cho cả hai bên.

                                                            Hải Phòng hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc

 Dẫn đầu Đoàn đại biểu chính quyền thành phố Nam Ninh sang thăm và làm việc tại Hải Phòng mới đây, đồng chí Nông Sinh Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư Thành ủy Nam Ninh  cho biết, đoàn đã đi thăm KCN An Dương; một số KCN và các bến cảng…, nhận thấy Hải Phòng có tiềm năng, vị thế và dư địa phát triển rất lớn và rất mong muốn được hợp tác với Hải Phòng.

Cụ thể, Bí thư Thành uỷ Nam Ninh đề nghị tăng cường hợp tác giữa 2 địa phương trong các lĩnh vực như kết nối giao thông( đường bộ, đường sắt), rút ngắn thời gian  từ Nam Ninh đến Hải Phòng từ hơn 5 giờ xuống còn khoảng 3 giờ. Cùng với đó, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics, phát triển chuỗi công nghiệp, văn hoá, đào tạo nhân lực, đào tạo nghề, thanh niên… Cùng với đó, hỗ trợ kết nối để các hiệp hội, doanh nghiệp hai bên trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, hướng tới thiết lập quan hệ hữu nghị chặt chẽ; phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách thu hút đầu tư tại mỗi bên; hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong các hoạt động khảo sát thực tế; tích cực thúc đẩy quảng bá các điểm đến du lịch tại mỗi địa phương; xúc tiến kết nối và hỗ trợ mở đường bay Hải Phòng – Nam Ninh…

                      Lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp đón và làm việc với đoàn công tác thành phố Nam Ninh (Trung Quốc)

Bà Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc, Đại học Thâm Quyến dẫn đầu đoàn công tác tới Hải Phòng trong tháng 4- 2024  bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam và Hải Phòng. Bà cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm tới Việt Nam, một thị trường mới nổi và đang có sự phát triển rất mạnh mẽ.

Theo bà Đào Nhất Đào, thế mạnh của Thâm Quyến là các ngành công nghệ cao. Phía Trung Quốc có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao. Bà mong muốn được giới thiệu các cơ chế chính sách ưu đãi của Việt Nam và Hải Phòng, để các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư tại Hải Phòng. Bà Đào Nhất Đào đồng tình với đề xuất của Hải Phòng trong đào tạo nguồn nhân lực và cho biết Đại học Thâm Quyến có thể cấp học bổng đào tạo một số thạc sĩ, tiến sĩ cho Hải Phòng; có thể phối hợp thành lập phân hiệu đào tạo đại học Thâm Quyến tại Hải Phòng...

           Đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đoàn giới thiệu về năng lực sản xuất, kinh doanh; các dự định đầu tư và mong muốn được tạo điều kiện đầu tư tại Hải Phòng trong thời gian tới, trong đó có việc đầu tư vào Khu phi thuế quan Xuân Cầu và Khu Kinh tế ven biển phía nam của Hải Phòng.

           Trước đó, tháng 3-2024, đoàn công tác của Tập đoàn Sunwah- Hồng Kông, với thế mạnh kinh doanh đa ngành nghề, đa dịch vụ, giáo dục đào tạo, truyền thông, công nghệ môi trường làm việc với lãnh đạo UBND thành phố tìm hiểu về bất động sản công nghiệp và những ngành nghề, lĩnh vực thành phố tập trung ưu tiên thu hút đầu tư. Đồng thời, nắm bắt tình hình thực tế và quan hệ hợp tác giữa Hải Phòng với các địa phương Trung Quốc nhằm mở rộng hơn các mối quan hệ hợp tác mới.   

          Theo Sở Ngoại vụ, năm 2023 có thể coi là một năm thành công trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Hải Phòng với đối tác đến từ Trung Quốc. Cụ thể, đã đón tiếp đoàn đại biểu Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (tháng 2-2023); đoàn Phó thị trưởng thành phố Nam Ninh và đoàn doanh nghiệp (tháng 5-2023); đoàn doanh nghiệp Liên đoàn Công nghiệp Hồng Kông  (tháng 6-2023); đoàn Thị trưởng thành phố Thâm Quyến (tháng 9-2023); đoàn Phó thị trưởng thành phố Trạm Giang (tháng 11-2023)…

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng hội nghị kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức

Cùng với đó, Hải Phòng tổ chức hàng loạt sự kiện quy mô, giới thiệu thông tin của thành phố đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác Trung Quốc như hội thảo kết nối nhân tài công nghệ cao Đài Loan (Trung Quốc) - Việt Nam tại Hải Phòng, nhằm giới thiệu môi trường đầu tư hấp dẫn của Hải Phòng, đặc biệt là về năng lực đào tạo, thu hút các doanh nghiệp điện tử, công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) vào Hải Phòng.

Mới đây, ngày 19-4,  Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng tổ chức hội nghị kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc năm 2024. Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hoá và thực  hiện nhận thức chung giữa Việt Nam – Trung Quốc trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác hữu nghị, mở rộng hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai bên. Hội nghị thu hút hơn 70 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia và đạt kết quả rất thiết thực.

          Theo ông Tô Dũng, Chủ tịch Công ty Xuân Cầu, Khu công nghiệp, dịch vụ và phi thuế quan Xuân Cầu với diện tích hơn 700ha đang được xây dựng khẩn trương và thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, với những cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi, ông Tô Dũng hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư trong nước, trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp, dịch vụ và phi thuế quan Xuân Cầu.

                                                       Những hiệu quả thiết thực

          Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương đứng đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và vốn thực hiện đạt tỷ lệ cao với gần 80% vốn đăng ký. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, gấp 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 81,16% so với kế hoạch thu hút năm 2023, là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 954 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,1 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong số đó, Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược của Hải Phòng với số dự án và số vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn. Hiện nay, tại Hải Phòng có 394 dự án đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan) với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,1 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về số vốn đầu tư.

Công nhân Công ty Pegatron trong dây chuyền sản xuất

 Các dự án Trung Quốc đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản, kinh doanh thương mại dịch vụ, mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp Trung Quốc tại thành phố đã có đóng góp nhất định đối với kinh tế - xã hội thành phố, góp phần giải quyết việc làm và đào tạo tay nghề cho số lượng lớn lao động của thành phố.

Một số dự án điển hình của Trung Quốc tại Hải Phòng như các KCN An Dương; Đồ Sơn; dự án Pegatron- nhà cung cấp linh kiện phụ trợ điện tử ; Nhà máy USI sản xuất bảng mạch điện tử của các thiết bị đeo (đồng hồ, điện thoại, tai nghe) để cung cấp cho các thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới; Nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat...

Cũng theo Sở Ngoại vụ, Hải Phòng hiện có quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhiều  tỉnh, địa phương của Trung Quốc, gồm: quan hệ kết nghĩa với thành phố Thiên Tân (8-1-1999); quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố Nam Ninh (23-3-2006); quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố Ninh Ba (4-12-2020); hợp tác với tỉnh Vân Nam trong khuôn khổ Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam – Trung Quốc và ký kết hợp tác hai địa phương năm 2023; quan hệ hợp tác giao lưu hữu nghị với thành phố Thâm Quyến (28-12-2008). Ngoài ra, một số địa phương khác tại Trung Quốc như: Trạm Giang (Quảng Đông), Tư Dương (Tứ Xuyên)...và nhiều đoàn doanh nghiệp đến đã đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng để hướng tới triển khai một số nội dung hợp tác trong thời gian tới.

Đáng chú ý, thành phố đang tích cực phối hợp nghiên cứu, xúc tiến mở các đường bay thẳng kết nối Hải Phòng với các địa phương Trung Quốc (đường bay Hải Phòng – Vân Nam (Côn Minh, Lệ Giang), Hải Phòng – Nam Ninh...). Đồng thời, thúc đẩy hình thành các tuyến vận tải đa phương thức, phối hợp giới thiệu các doanh nghiệp logistics có năng lực, kinh nghiệm để hợp tác, tham gia thị trường vận tải, khai thác có hiệu quả tuyến vận tải hàng hóa quốc tế trong tuyến hành lang kinh tế.

Cùng với đó,  phối hợp với các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế thúc đẩy việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương nhằm thuận lợi hóa việc vận tải hàng hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống cảng biển và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi – Hải Phòng, trong đó kiến nghị tập trung đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh kết nối cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt...

Các hoạt động hợp tác được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt trận ngoại giao chính trị, kinh tế, đối ngoại nhân dân ở nhiều lĩnh vực: đầu tư, thương mại, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo,văn hóa-xã hội…đã góp phần mở rộng cơ hội giao thương, hợp tác phát triển, tăng cường quan hệ hợp tác hòa bình, đoàn kết, củng cổ tình hữu nghị bền chặt với các địa phương của Trung Quốc, phát triển mối đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Trung Quốc và thành phố Hải Phòng. Qua đó cho thấy, tiềm năng thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác giữa Hải Phòng và các đối tác Trung Quốc rất rộng mở, hứa hẹn mang lại những hiệu quả thiết thực./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông