08:49 23/12/2018 KỲ 1. Bước chuyển mình tạo đà
Là trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, một trong ba cực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng kinh tế động lực phía Bắc, Hải Phòng hội tụ được những lợi thế riêng biệt không phải đô thị nào cũng có được. Trước tiên đó là lợi thế cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và cả nước. Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước" đã xác định, Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc bộ, trong quá trình hình thành và phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông Hải Phòng đã phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Cảng biển là một trong những lợi thế quan trọng để Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội
Hải Phòng vẫn tự hào là một trong những địa phương của cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Vì vậy thành phố Cảng không chỉ đóng vai trò trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc bộ mà còn là nhịp cầu thông thương, nối miền Bắc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh yếu tố vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan du lịch tươi đẹp với nhiều danh lam, thắng cảnh; lực lượng lao động đã qua đào tạo dồi dào với nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao, có thể đáp ứng yêu cầu về công nghệ cao và hiện đại cùng quyết tâm cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng của chính quyền thành phố đã tạo thành những lợi đặc biệt để Hải Phòng trở thành “cực nam châm” thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế.
Kinh tế xã hội phát triển sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để tăng thu ngân sách. Từ nguồn ngân sách, chính quyền mới có khả năng phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước, củng cố và tăng cường tiềm lực tài chính nhà nước. Thu ngân sách không những đảm bảo đủ nguồn thu cho chi tiêu thường xuyên của thành phố, đất nước mà còn để dành một phần tích lũy cho đầu tư phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội.
Mặc dù hội tụ được nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên cũng như nhân lực như vậy nhưng trước thềm Đại hội 15 Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2015-2020), Hải Phòng vẫn chỉ ở thứ hạng trung bình trong các địa phương có số thu ngân sách. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đã chỉ rõ: Về kinh tế, thành phố từng bước vượt qua khó khăn của nửa đầu nhiệm kỳ, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch cơ bản theo hướng công nghiệp hóa, dịch vụ. Nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, ước tăng bình quân 8,67%/năm. Quy mô kinh tế được mở rộng, GDP năm 2015 ước gấp 1,52 lần năm 2010, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.857 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ trọng GDP Hải Phòng trong GDP cả nước từ 2,7% năm 2010 ước tăng lên 3,5% năm 2015 (theo giá so sánh năm 2010). Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố 5 năm tăng gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2006 – 2010...
Tuy nhiên, báo cáo chính trị cũng thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân như: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt. Kinh tế thành phố chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; nhiều dự án lớn, quan trọng chậm tiến độ. Khoa học công nghệ chưa phát huy tốt vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội…
Hải Phòng có những bước phát triển mạnh mẽ sau Đại hội XV Đảng bộ thành phố
Trên cơ sở đó, thành phố đã đề ra những mục tiêu cụ thể sẽ quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 như: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 10,5%/năm. Trong đó tỷ trọng GDP nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông - lâm - ngư nghiệp đạt tương ứng 57% ; 37,7% và 5,3%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14%/năm. GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 5.600 USD/người năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 12-17 tỷ USD. Sản lượng hàng hoá thông qua cảng trên địa bàn đạt 110 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 440.000 tỷ đồng.
Về đầu tư, thành phố cũng chủ trương: "Chỉ chọn lựa nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, năng lực quản lý, nhập thiết bị hiện đại vào sản xuất - kinh doanh". Thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 80.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 20.000 tỷ đồng. Đồng thời ban hành những giải pháp để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2015-2020, trong đó, tập trung vào công tác nhân sự, cải cách hành chính, đấu tranh ngăn chặn và đầy lùi tham nhũng...
Đây chính là những điểm mấu chốt được đánh giá vô cùng quan trọng mà Nghị quyết đại hội XV Đảng bộ thành phố đã đề ra sẽ tạo tiền đà cho công tác thu ngân sách của Hải Phòng bứt phá trong thời gian tiếp theo…
(còn nữa)
Bùi Hạnh
20:40 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết