Từ đầu năm 2011 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã liên tục xảy ra ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, gây thiệt hại kinh tế chosản xuất chăn nuôi. Đáng chú ý, trong đó có các tỉnh tiếp giáp hoặc thường xuyên vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào tiêu thụ trên địa bàn Hải Phòng như: Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh…
| |
Nguyên nhân xảy ra dịch do tái phát các ổ dịch cũ, công tác tiêm phòng vắc xin LMLM đạt tỷ lệ thấp. Còn nguyên nhân dịch lây lan rộng chủ yếu là do vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh, nhiễm bệnh từ địa phương này sang địa phương khác không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Để chủ động ngăn chặn dịch LMLM gia súc xâm nhập, bùng phát và gây tác hại trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố vừa có công điện chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn tổ chức chủ động điều tra, giám sát dịch đến tận các thôn, xóm, hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi; phát hiện sớm, báo cáo ngay cho Chi cục Thú y và thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi còn ở diện hẹp, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm dập tắt nhanh ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn nhân dân chọn con giống gia súc khỏe mạnh đưa vào chăn nuôi, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM và phải cách ly 21 ngày trước khi nhập đàn.
Cùng với đó là phải triển khai thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc đợt I/2011. Đặc biệt tập trung tiêm phòng triệt để vắc xin LMLM gia súc. Thường xuyên tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ đối với chăn nuôi, bãi chăn thả, nơi tập trung kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, sản phẩm gia súc theo hướng dẫn của cơ quan thú ý.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y cung ứng đầy đủ vắc xin tiêm phòng, hóa chất khử trùng tiêu độc đợt I/2011 theo kế hoạch thành phố đã phê duyệt; phối hợp cùng UBND các quận, huyện tổ chức triển khai công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Đồng thời xây dựng kế hoạch về nhân lực, trang thiết bị dụng cụ và kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.
Sở Công thương, CATP, UBND các quận, huyện tăng cường lực lượng liên ngành tại các trạm kiểm dịch động vật cố định: Đường 5 (huyện An Dương); Cầu Đá Bạc (huyện Thủy Nguyên) và Cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo) và lập thêm các trạm kiểm dịch động vật tạm thời tại các đường nhánh, nơi tiếp giáp với các địa phương có dịch của tỉnh bạn. Thường trực 24/24h nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, đặc biệt đối với giống vật nuôi nhập vào thành phố. Tổ chức thu giữ, tiêu hủy gia súc mắc bệnh hoặc gia súc vận chuyển vào địa bàn thành phố không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ.
VH |