Tăng tốc thu ngân sách

12:02 22/05/2023

Chủ trì hội nghị về công tác thu ngân sách 4 tháng đầu năm, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân băn khoăn, lo lắng vì kết quả thu chưa đạt yêu cầu, cả thuế xuất nhập khẩu cũng như thuế nội địa. Do đó, Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cấp các ngành rà soát lại từng khoản thu, tập trung, quyết liệt cao hơn trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành toàn diện dự toán thu năm 2023.

                                                                     Nhìn thẳng vào khó khăn, hạn chế

           Kết quả thu ngân sách trên địa bàn thành phố 4 tháng qua chưa như mong muốn. Theo Sở Tài chính, 4 tháng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 31.831 tỷ đồng, bằng 30,4% dự toán Trung ương giao; 27,3% dự toán HĐND thành phố giao, chỉ bằng 88,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 19.929 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán, bằng 92,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nội địa đạt 10.602 tỷ đồng, bằng 33,8% dự toán Trung ương, 24,9% dự toán HĐND thành phố giao, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm trước.

          Số liệu cập nhật của ngành Thuế và ngành Hải quan tới ngày 15-5 tuy có tăng cao hơn một chút nhưng vẫn không có đột biến và tổng hợp lại vẫn còn thấp so với kế hoạch năm. Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Trương Bình An, thuế xuất nhập khẩu tính tới ngày 15-5 đạt 21.824 tỷ đồng. Còn thuế nội địa mức tăng cũng chưa nhiều.

                                    

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chủ trì họp bàn giải pháp tăng tốc thu ngân sách 

           Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước, cả thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa đều chưa đạ tiến độ thu theo kế hoạch (dưới 33,3%) và thấp hơn cùng kỳ năm trước.  Riêng thu nội địa, chỉ có 7/18 chỉ tiêu thu đạt cao hơn tiến độ thu gồm: khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 53,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 42,7% chủ yếu do tăng tiền lương, tiền công dẫn tới thuế thu nhập cá nhân tăng; thu phí, lệ phí đạt 33,9% do một số loại phí tăng so với cùng kỳ như phí bảo đảm hàng hải, phí tham quan, lệ phí cấp hộ chiếu, lệ phí môn bài…; thu khác ngân sách đạt 33,6% do thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đạt cao (126 tỷ đồng)…

       Còn lại, các khu vực thu đều không đạt tiến độ như khu vực doanh nghiệp Nhà nước mới đạt 29%; khu vực đầu tư nước ngoài đạt 24,5% (VinFast giảm nộp 425 tỷ đồng thuế nhà thầu); thuế bảo vệ môi trường đạt 14,6% do thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mức thuế bảo vệ môi trường chỉ bằng 25-50% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 8,9% do các dự án của thành phố và quận, huyện chưa triển khai, chủ yếu thu dự án của năm trước…

          Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường cho biết, thu ngân sách năm 2023 gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn làm giảm thu khoảng 400 tỷ đồng; chính sách gia hạn thuế làm giãn khoản thuế khoảng 140 tỷ đồng. Ngoài ra, do tình hình kinh tế trong nước và trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, các đơn đặt hàng giảm mạnh, bất động sản trầm lắng ảnh hưởng tới thu ngân sách.

                                 Thành phố tiếp tục đôn đốc thu hồi một số khoản nợ của Công ty VinFast vào ngân sách

       Một số doanh nghiệp trọng điểm nộp ngân sách có số nộp ít hơn như Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng đạt 90,8 tỷ đồng, bằng 66,7% so với cùng kỳ năm trước; Công ty Thuốc lá đạt 151 tỷ đồng, bằng 74,7% so với cùng kỳ. Công ty VinFast ngừng sản xuất xe xăng chuyển sang sản xuất xe điện với mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt còn 3% tác động giảm nguồn thu nộp vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. 4 tháng qua, số phát sinh thuế tiêu thụ đặc biệt nộp vào ngân sách của VinFast chỉ có 210 tỷ đồng, giảm 634 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tình hình đấu giá đất các dự án trên địa bàn triển khai rất chậm, số thu từ tiền thuê đất và tiền sử dụng đất mới đạt 19,7% dự toán Trung ương giao, 9% dự toán HĐND thành phố giao…

          Tại cuộc họp ngày 16-5, lãnh đạo các ngành, các địa phương nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu ngân sách năm nay như: kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; một số mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao nhưng số lượng lại giảm; doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; chính sách giảm thuế, giãn thuế của Nhà nước; đấu giá đất gặp khó do thị trường trầm lắng, thủ tục đấu giá còn nhiều phức tạp, kéo dài… Đây là những khó khăn, thách thức không nhỏ và cần được phân tích, nhìn nhận đúng đắn để tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

                                                                           Tăng tốc, đẩy mạnh thu ngân sách

          Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ, số thu ngân sách 4 tháng qua của thành phố chưa đạt yêu cầu, còn thấp so với dự toán và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu bất thường trong khi dự toán thu năm 2023 cả thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa đều ở mức cao.

      Do đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác thu ngân sách. Trong đó, các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tháo gỡ khó khăn về thủ tục đấu giá đất, xác định giá đất. Tinh thần chung là thành phố sẽ tăng cường phân cấp cho các quận, huyện về xác định giá đất bồi thường để GPMB; phê duyệt giá đất đấu giá nên các địa phương cần phải chủ động, quyết liệt, bố trí nhân lực đủ năng lực, trình độ để tham mưu, đề xuất quyết định giá đất chính xác, đúng quy định của pháp luật.

        Phó chủ tịch UBND thành phố chưa hài lòng khi một số địa phương thực hiện GPMB hoặc làm thủ tục đấu giá đất thu tiền sử dụng đất quá chậm, làm ảnh hưởng tới tiến độ đấu giá và thu tiền và yêu cầu các địa phương khẩn trương, quyết liệt hơn nữa thực hiện đấu giá đất trong quý 2, nếu có khó khăn vướng mắc gì cần sớm báo cáo để UBND thành phố có chỉ đạo cụ thể nhưng phải phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

                       

                                        Dự án Our City sẽ phải nộp hơn 2000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

          Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các ngành thành phố, các địa phương tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, từ đó phát sinh nguồn thu ngân sách. Đồng thời, ngành Thuế tham mưu, đề xuất các giải pháp chống thất thu ngân sách; đôn đốc thu hồi nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, huy động đầy đủ, kịp thời các nguồn thu vào ngân sách.

          Theo lãnh đạo Sở Tài chính và Cục Thuế Hải Phòng, thời gian tới, cần tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ động thuế vào ngân sách. Cụ thể là một số khoản nợ lớn của Công ty VinFast (933,7 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh 453 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Giang Nam 117 tỷ đồng… Đồng thời thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án của Công ty May Diêm Sài Gòn tại Vĩnh Bảo (559 tỷ đồng tiền sử dụng đất); dự án Our City (1923 tỷ đồng tiền sử dụng đất; 105 tỷ đồng tiền thuê đất); dự án Cầu Vồng Hoa Lan 35,8 tỷ đồng…

           Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, thu ngân sách có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của thành phố thông qua các dự án đầu tư. Hiện thành phố đã phải cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn 6000 tỷ đồng do số thu ngân sách chưa đạt, có thu được mới có nguồn chi. Vì vậy, các ngành, các địa phương cần quyết liệt, chủ động, tích cực hơn nữa nhằm tăng nhanh số thu trong thời gian tới. UBND thành phố sẽ tiến hành giao ban định kỳ, thường xuyên về công tác thu ngân sách, kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023 trên địa bàn./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích