15:58 25/06/2015
Trong phiên thảo luận chiều 23-6 về dự án Luật trưng cầu ý dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng đồng tình với nội dung của dự thảo luật, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần thiết thực vào việc phản ánh, phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dự luật này cũng đã tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đầy đủ vào các quyết định công việc của nhà nước và xã hội, phù hợp với bản chất dân chủ, xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Về chủ thể quyền đề xuất trưng cầu ý dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh đồng tình với phương án Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ủy ban trưng cầu ý dân trung ương để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân và chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Vinh, quy định như vậy là là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội. Đồng thời, cũng là để các cơ quan phụ trách trưng cầu ý dân được tổ chức một cách gọn nhẹ, không nên tổ chức bộ máy mới, vì việc trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên. Chính phủ sẽ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cơ quan giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong từng cuộc trưng cầu ý dân cụ thể sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công, hoặc thành lập bộ phận giúp việc. Ông Vinh cũng cho rằng, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện. THẾ KHOA |
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024