Tập trung quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

20:22 27/05/2021

Sáng 27-5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò. Tại điểm cầu Hà Nội các đồng chí: Phùng Đức Tiến – Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Phạm Văn Đông - Cục Trưởng Cục Thú ý dự, chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các Bộ, ngành TW, các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam. Tại điểm cầu Hải Phòng, các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Đức Thọ, lãnh đạo các Sở, ban, ngành và UBND một số quận/huyện trên địa bàn thành phố tham dự hội nghị.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Bệnh VDNC lần tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó lây lan, lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đến nay, bệnh VDNC là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi.

Bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020; đến ngày 25-5 năm nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 66.316 con gia súc mắc bệnh và 9.434 con gia súc chết và tiêu hủy.

Hiện, cả nước có 1.416 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 199 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.449 con gia súc mắc bệnh và 7.025 con gia súc chết và tiêu hủy. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An,Quảng Nam; nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày từ tháng 8-2020, khi mới có thông tin về dịch bệnh VDNC tại Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y ban hành Công văn số 1355/TY-DT gửi Sở NN& PTNT, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC trên trâu, bò.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ rất cụ thể cho các địa phương để tổ chức triển khai phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT quyết định xuất cấp hỗ trợ 78.000 lít hóa chất cho 5 tỉnh (Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị) tổ chức chống dịch bệnh VDNC; phối hợp Tổ chức FAO in, cấp phát trên 650.000 tờ rơi và trên 33.000 paner, áp phích tuyên truyền phòng chống bệnh VDNC cho tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Bộ NN&PTNT đã cho phép 2 doanh nghiệp nhập khẩu 3 loại vắc xin của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4,12 triệu liều (bảo đảm đủ số lượng để tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam).

Tính đến ngày 10-5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,7 triệu liều vắc xin VDNC các loại, cung ứng trên 2 triệu liều vắc xin cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Tính từ tháng 12-2020 đến nay, cả nước đã tiêm phòng được trên 2 triệu liều vắc xin tại 33 tỉnh, thành phố và 27 cơ sở chăn nuôi. Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Tại Hải Phòng, bệnh VDNC ở trâu, bò xảy ra trên địa bàn thành phố từ ngày 29-3-2021. Hiện, dịch đã xảy ra tại 5 hộ thuộc 5 xã của 4 huyện, quận (Tiên Lãng, Kiến Thụy, Cát Hải, Dương Kinh); tổng số bò buộc tiêu hủy là 8 con.

Sở NN&PTNT, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện, quận trên địa bàn thành phố đã triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Tính đến ngày 25-5, đã qua 20 ngày Hải Phòng không phát hiện trâu, bò ốm, chết, buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh Viêm da nổi cục.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị thời gian tới các địa phương, đơn vị cần tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Thứ Trưởng yêu cầu, các đơn vị, địa phương có kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Đồng thời tăng cường kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò; kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định nhằm bảo đảm nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tổ chức tiêm phòng vắc xin, chống dịch bệnh VDNC; tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh VDNC tại cơ sở.

Thứ Trưởng giao Cục Thú y tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch; cử các đoàn công tác đến các địa phương có dịch bệnh, địa phương có nguy cơ cao để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời chỉ đạo tổ chức nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm để đánh giá hiệu lực và cho phép lưu hành các loại vắc xin phòng bệnh VDNC; cho phép sử dụng vắc xin để tiêm phòng chống dịch khẩn cấp, sau khi kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu về vô trùng, an toàn đối với những loại vắc xin VDNC nhập khẩu đã được phép lưu hành tại nước sản xuất.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, các địa phương trong việc phòng, chống bệnh VDNC; phối hợp với FAO tổ chức xây dựng tờ rơi để cấp phát cho các địa phương, người chăn nuôi nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC; nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm vi rút, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh VDNC trong nước; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông