11:33 25/06/2024 Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến 15/6/2024, toàn thành phố ghi nhận 1.032 ca sốt xuất huyết, tăng12,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch đang diễn ra rải rác tại 14/15 quận huyện (trừ Bạch Long Vĩ), trong đó tập trung nhiều ở các quận Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền...
Cụ thể, tại quận Lê Chân - địa phương có số ca mắc nhiều nhất thành phố, theo điều tra, từ 1/1/2024 đến 16/6/2024 toàn quận có 634 người bị nhiễm dịch. Trong đó phường An Biên: 4 ca, An Dương: 109 ca, Cát Dài: 7 ca, Dư Hàng: 18 ca, Dư Hàng Kênh: 59 ca, Đông Hải: 22 ca, Hàng Kênh: 4 ca, Hồ Nam: 57 ca, Niệm Nghĩa: 55 ca, Lam Sơn: 23 ca, Nghĩa Xá: 182 ca, Trại Cau 6 ca, Trần Nguyên Hãn: 42 ca, Vĩnh Niệm: 41 ca, Kênh Dương:5 ca. Cũng từ đầu năm 2024 đến nay. Quận có 31 ổ dịch đã được xử lí, 6 ổ dịch đã được khống chế và hiện tại còn 25 ổ đang hoạt động.
Còn tại quận Hải An, tính đến 17/6/2024, toàn quận ghi nhận 185 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng 169 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong 3 tuần trở lại đây, dịch tăng nhanh. Riêng phường Đằng Lâm có 83 ca mắc và 17 ổ dịch còn hoạt động; phường Thành Tô có 52 ca mắc/28 ổ; phường Cát Bi có 29 ca mắc/15 ổ.
Cùng với đó, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường. Chủ động bố trí nguồn kinh phí để mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị và máy móc phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; tập huấn hựớng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính); chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, dịch sốt xuất huyết sẽ được kiểm soát hiệu quả nếu người dân ý thức thường xuyên vệ sinh môi trường, phá vỡ quy trình sinh sản của muỗi vằn - trung gian lây truyền bệnh, nhất là đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng; cọ rửa và thay nước ít nhất 1 tuần 1 lần với các dụng cụ chứa nước xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước. Các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cần được thay nước và cọ rửa bình 1 tuần 1 lần. Đối với các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy…
Đồng thời với việc loại bỏ các ổ loăng quăng, bọ gậy, người dân cũng cần phải phòng chống muỗi đốt bằng cách dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. Nên mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối, ngủ màn kể cả ban ngày đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối, phun hóa chất diệt muỗi định kì tại nhà.
Đặc biệt đối với những khu vực có ca bệnh sốt xuất huyết người dân cần phối hợp, tích cực tham gia và thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ Y tế để tránh dịch lây lan rộng và bảo vệ cho chính mình và người thân trong gia đình.
VŨ DUYÊN
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão