16:27 27/03/2024 Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 24 người tử vong do bệnh Dại, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh Dại ở động vật đã xảy ra tại 22 tỉnh (tăng 22,22% so cùng kỳ năm 2023). Hiện còn 14 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày, nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người khi thời tiết chuyển sang mùa hè nắng nóng.
Tại Hải Phòng, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) - Sở Y tế, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, đã có 462 người phải tiêm vắc xin dự phòng bệnh Dại. Kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó/mèo nuôi trên địa bàn thành phố tín đến ngày 19/3/2024 mới đạt 1,71% so với tổng đàn, chưa đảm bảo tỷ lệ miễn dịch quần thể theo quy định, luôn tiềm ẩn nguy cơ người bị tử vong vì bệnh Dại do chó/mèo mắc Dại gây ra.
Để chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh Dại ở động vật, ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh Dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh Dại, đặc biệt là chó/mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người; thực hiện Công điện 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP vừa có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận, các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2030 và khẩn trương triển khai nghiêm túc một số nội dung sau:
Chủ tịch UBND các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân; hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó/mèo và các loại động vật khác có nguy cơ lây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó/mèo nuôi; thực hiện tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại cho người khi bị động vật, đặc biệt là chó mèo cắn. Mặt khác, bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai công tác phòng chống bệnh Dại, quản lý đàn chó/mèo nuôi; khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó/mèo nuôi năm 2024 trên địa bàn, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn theo quy định.
Chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng dân phố phối hợp nhân viên thú y cấp xã trực tiếp kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp chó/mèo mắc bệnh Dại, báo cáo ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận; áp dụng các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y; phối hợp các tổ chức đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động chủ vật nuôi chấp hành lịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó mèo của địa phương, thực hiện quản lý đàn chó nuôi và ký cam kết: không thả rông chó, phải đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt. Thành lập Đội bắt chó thả rông, tăng cường tổ chức tuần tra, bắt giữ và xử lý chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị trên địa bàn quản lý theo quy định…
Sở NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định. Phối hợp ngành Y tế, UBND các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại truyền lây từ động vật sang người; hướng dẫn xây dựng các vùng an toàn bệnh Dại đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với CATP, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, UBND các cấp tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển chó/mèo trên địa bàn, đặc biệt các trường hợp vận chuyển chó/mèo từ các địa phương khác nhập vào địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định…
Sở Y tế thì phối hợp Sở NN&PTNT, UBND các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại truyền lây từ động vật sang người. Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng bệnh Dại, huyết thanh kháng Dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện, quận có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng…
Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về công tác phòng chống bệnh Dại.
Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố theo quy định…
Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố phối hợp với các sở liên quan, UBND các huyện, quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại đối với sức khỏe cộng đồng; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, biện pháp phòng bệnh hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại.
Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”; đặc biệt thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo cho chính quyền cơ sở, nhân viên thú y, Trạm y tế xã, phường, thị trấn các trường hợp chó/mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế, ngăn chăn dịch lây lan…
KC
07:41 23/11/2024
22:01 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão