17:44 18/08/2023 Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện tượng hiếm thấy. Ông được nhắc đến với tư cách là một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, một người thầy danh tiếng và là một danh nhân văn hóa. Để ghi nhận, tôn vinh ông, UBND thành phố Hải Phòng vừa tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của danh nhân (1585 – 2035) để khẳng định tầm vóc lớn lao của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) xuất thân trong một gia đình nho sĩ ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Cha ông là Nguyễn Văn Định đỗ hương cống triều Lê nhưng ở nhà dạy học; mẹ ông là Nhữ Thị Thục, con gái Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, là người thông minh, có tài văn thơ, thông kinh dịch… Sinh ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có tư chất khác thường, 1 tuổi đã nói sõi, 5 tuổi đã thuộc nhiều thơ ca quốc âm do mẹ truyền khẩu.
Tuy nhiên, tới 45 tuổi ông mới đi thi và giành luôn học vị Trạng nguyên, làm quan dưới thời nhà Mạc. Được 8 năm, thấy triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 nịnh thần rồi mùa thu năm Nhâm Dần (1542) từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học.
Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh… Trạng Trình ngoài sứ mệnh một người thầy lớn còn để lại cho đời sau rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc. Đặc biệt, ông được biết tới với những lời tiên tri ứng nghiệm còn được gọi “sấm Trạng”.
Năm 1985, tại Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông. Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã đánh giá, khẳng định về tầm vóc vĩ đại của Trạng Trình và ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử dân tộc.
Tiếp đó, vào năm 1991, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Sở Văn hoá Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm với chủ đề "Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sự phát triển văn hoá dân tộc".
Cũng trong năm này, Khu Di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Cuối năm 2000, nhân kỷ niệm 415 năm ngày mất của Trạng Trình, thành phố Hải Phòng cho khởi công Dự án nâng cấp tạo dựng quần thể "Khu Di tích Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm" cũng tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo với nhiều hạng mục. Năm 2015, Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công nhận lễ hội Đền thờ Trạng Trình là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến nay, Khu di tích đã trở thành điểm du lịch văn hóa lớn của thành phố thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến với Hải Phòng. Cũng tại đây, hàng năm thành phố Hải Phòng đều tổ chức trọng thể lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của thành phố Cảng.
Với tầm vóc lớn lao về thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, Hải Phòng sẽ dành ra 12 năm để chuẩn bị, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ cũng như vận động để UNESCO vinh danh Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585 – 2035). Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc nam được phân công trọng trách Trưởng ban Ban vận động; bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao là Phó Trưởng ban Thường trực; bà Nguyễn Thị Bích Dung, Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo là các Phó Trưởng ban Ban vận động.
Thành viên của Ban vận động còn có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao; các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử; các chuyên gia giàu kinh nghiệm của cả nước cũng tham gia và cố vấn xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chia sẻ với phóng viên An ninh Hải Phòng, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, việc thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585 – 2035) là một quyết định đúng đắn và kịp thời của thành phố Hải Phòng. Để làm được việc đó, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2035, Ban vận động sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình UNESCO.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - ông Lê Khắc Nam, hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đòi hỏi tâm sức và sự chung tay của nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong một khoảng thời gian dài theo đúng lộ trình.
Việc thành lập Ban vận động là chủ trương đúng đắn của thành phố để sớm có kế hoạch cụ thể, huy động các nguồn lực, tập trung vào công tác nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, thu thập và thống kê chi tiết về thân thế, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đồng thời, đây cũng là dịp để thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với nhân dân cả nước và thế giới.
VŨ DUYÊN
14:29 23/11/2024
13:22 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão