Chiều 24-4, Chi cục thú y cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm quận Đồ Sơn đã tiến hành tiêu huỷ 737 con lợn chết và ốm nặng trên địa bàn hai phường Minh Đức và Hợp Đức (quận Đồ Sơn) đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.
| |
Tổng số lợn ốm còn lại trên địa bàn 2 phường Hợp Đức, Minh Đức là 3.602 con và không có thêm lợn ốm. Tại 5 phường còn lại của quận Đồ Sơn và các đơn vị huyện, quận khác của TP Hải Phòng, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn vẫn ổn định... Trước đó, theo báo trên địa bàn hai phường Minh Đức, Hợp Đức đã xảy ra hiện tượng lợn ốm, chết do bệnh tai xanh sau đó lây lan nhanh ra làm hơn 4.100 con lợn bị ốm. Trong đó phường Minh Đức có 2.067 con lợn ốm, chiếm 41,6% tổng đàn; phường Hợp Đức có 2047 con lợn ốm, chiếm hơn 46% tổng đàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 22 - 4, UBND thành phố đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tăng cường khống chế, ngăn chặn dịch bệnh tai xanh ở lợn. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập đội xung kích phòng, chống dịch tại các xã, phường, khi có dịch phải thành lập các chốt kiểm dịch, ngăn chặn không cho vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch; tổ chức tiêu hủy ngay lợn chết và lợn mắc bệnh nặng ; tiến hành khử trùng tiêu độc và tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh tai xanh.
Các địa phương chưa có dịch cần kiểm soát chặt chẽ lợn nhập vào địa phương; chủ động giám sát dịch, nắm bắt tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn; phát hiện sớm dịch, báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y, tiến hành tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc... Trước đó, ngày 21-4, UBND TP đã công bố dịch tai xanh ở lợn tại hai phường Hợp Đức và Minh Đức (quận Đồ Sơn).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, vẫn còn những vấn đề bức xúc đặt ra cần được quan tâm giải quyết. Theo ghi nhận của phóng viên, trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, quận Đồ Sơn và các phường đều thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực giáp ranh, trực 24/24 giờ, không cho người dân vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch. Các phường đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột 1/3 số khu dân cư xuất hiện dịch...
Song, qua tìm hiểu được biết, việc phát hiện dịch bệnh ở các địa phương này còn chậm, số liệu thống kê thiếu chính xác, lúng túng trong việc tiêu hủy lợn ốm, chết theo quy định. Nhiều hộ dân ở trên địa bàn có dịch cho biết, hiện tượng lợn ốm cách đây từ hơn 2 tuần nhưng phải đến khi đoàn công tác đến người dân mới biết lợn bị dịch tai xanh. Trước đó nhiều hộ dân đã bán khi thấy lợn có biểu hiện ốm vì cho đó là bệnh thông thường. Từ đây, có thể thấy chính quyền địa phương và lực lượng cán bộ thú y cơ sở chưa kịp thời phát hiện bệnh. Do vậy, khi phát hiện, số lợn ốm đã lên đến hơn 4.000 con, chiếm hơn 40% tổng đàn lợn của cả hai phường.
Điều đáng nói là đến khi chính thức công bố dịch nhưng số lợn ốm và chết do bệnh tai xanh vẫn chưa được thống kê chính xác cùng với đó sự lúng túng trong việc thành lập đội tiêu hủy, cách thức lập biên bản và cách tiêu hủy lợn ốm, chết theo đúng quy định... Đáng chú ý là trước đó đã xuất hiện tình trạng người dân tự xử lý tiêu hủy theo cách riêng bằng cách… bán chạy lợn với giá rẻ hoặc cho lợn vào bao thả trôi sông!?
VĂN HUY |