Tháo gỡ khó khăn cho ngành đóng tàu Hải Phòng

11:16 13/06/2024

Từ đầu năm tới nay, các nhà máy đóng tàu của Hải Phòng liên tục tổ chức xuống nước các con tàu lớn. Cùng với đó, các dự án đóng tàu cũng khá phong phú với rất nhiều tiềm năng. Theo nhận định của các doanh nghiệp đóng tàu, thị trường đóng tàu đã thực sự khởi sắc, hồi phục. Nhưng để phát huy được thế mạnh này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là tháo gỡ khó khăn về vốn, về nhân lực mới mong vực dậy hiệu quả ngành đóng tàu.

                                                                    Khởi sắc bởi nhiều con tàu lớn

          Trung tuần tháng 5- 2024, Công ty đóng tàu Phà Rừng xuống nước an toàn tàu chở dầu-hóa chất 13.000 tấn mang tên BS Hải Phòng ký hiệu thiết kế YN-01 đóng cho đối tác Hàn Quốc. Đây là chiếc đầu trong loạt 8 tàu chở dầu- hóa chất mang ký hiệu thiết kế từ YN-01 đến YN08 chính thức ra mắt. Cùng thời điểm, Công ty đóng tàu Phà Rừng tổ chức đấu đà tàu YN-02 và ký kết đóng mới tàu mang ký hiệu thiết kế YN-08. Lãnh đạo Công ty đóng tàu Phà Rừng cho biết, loạt 8 tàu 13.000 tấn này chính là sự mở rộng của dự án đóng mới 5 tàu ban đầu cộng với 3 tàu tiếp theo, khi  Phà Rừng chứng minh được điều kiện, trình độ, năng lực của mình với đối tác Hàn Quốc.

           Cũng trong tháng 5, Công ty đóng tàu Bạch Đằng đưa xuống nước thành công con tàu 17.500 tấn có ký hiệu thiết kế SS-12 mang tên Trường An ship đóng mới cho chủ tàu Công ty TNHH Thương mại Vận tải Minh Thắng. Đặc biệt, chiều 10-5- 2024, lần đầu trong lịch sử đóng tàu Việt Nam, một con tàu 65.000 tấn mang tên Trường Minh Dream 01 được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu đưa xuống nước thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc của doanh nghiệp đóng tàu Việt. Đó cũng là ngày đặt KY con tàu 65.000 tấn thứ 2 cho đối tác là Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Bắc…

                                                       Đóng mới tàu tại Công ty đóng tàu Thái Bình Dương

 Theo Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm, thời gian gần đây, các đơn hàng tăng lên rất nhanh, sản phẩm chủ lực của Sông Cấm là tàu kéo-đẩy công suất lớn, mỗi năm công ty đóng được khoảng 30 tàu.

 Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp đóng tàu còn đang nắm trong tay hàng loạt đơn hàng đóng mới những tàu tiếp theo, cho thấy những khởi sắc mới của ngành đóng tàu Việt Nam nói chung và ngành đóng tàu Hải Phòng nói riêng.    

Theo đánh giá của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), các doanh nghiệp đóng tàu của Hải Phòng có nguồn nhân lực kỹ thuật cao và có cơ sở hạ tầng phục vụ ngành đóng tàu, đóng được những con tàu hiện đại của thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đóng tàu sau khi được tái cơ cấu có cơ hội phát triển như: Phà Rừng, Thái Bình Dương, Sông Cấm, Nam Triệu… Các doanh nghiệp nayy này đóng được những con tàu lớn, chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu riêng.

          Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

          Mặc dù vậy nhưng ngành đóng tàu Hải Phòng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương cho biết, ngành đóng tàu và vận tải biển đang ấm lại, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người lao động, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm ASXH.  Hiện công ty đóng mới và sửa chữa tàu trọng tải tới 56.000 DWT; bảo đảm việc làm cho hơn 600 lao động với mức thu nhập 15 triệu đồng/người tháng, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách.

Theo ông Lê Đoàn Tám, hiện nhu cầu về đóng mới tàu để phục vụ vận tải biển trên thế giới đang ở mức cao. Nhiều gam tàu chở dầu và hóa chất, chở hàng khô từ 5000- 30.000 DWT cũ, đã đóng từ lâu buộc phải cắt, phá do không đáp ứng được các tiêu chuẩn thuộc Công ước về tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Từ việc phá dỡ nhiều tàu dẫn tới thiếu hụt lớn lượng tàu trên thị trường. Hiên nay, các nước đóng tàu lớn nhất trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bàn, Hàn Quốc đã full các đơn hàng cho đến hết năm 2028 do một số nhà máy không có lao động phải dừng sản xuất và một số nhà máy chuyển sang sản xuất điện gió.

                                      Công nhân công ty đóng tàu Thái Bình Dương trong dây chuyền sản xuất

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, có nhiều lợi thế cho việc đóng tàu, vận tải, khai thác tài nguyên biển trong nước và quốc tế. Hải Phòng lại là một trong những cái nôi lớn của ngành đóng tàu. Hiện các nhà máy đóng tàu trên địa bàn đều có khối lượng công việc làm tới năm 2025- 2026- 2028. Đại diện Công ty Đóng tàu Sông Cấm cũng cho biết, nếu có đủ năng lực làm thêm, đối tác Damen vẫn sẵn sàng cung cấp đơn hàng và đề nghị công ty mở rộng sản xuất, phấn đấu đến năm 2028 ít nhất phải đạt năng lực đóng được 60 tàu/năm. Với việc đóng loạt 8 tàu chở dầu, hóa chất ký hiệu YN, Công ty đóng tàu Phà Rừng ổn định việc làm đến năm 2027. Hoàn thiện tàu Trường Minh Dream 01 và đóng mới tàu 02 cũng tạo việc làm cho công nhân đóng tàu Nam Triệu đến cuối năm 2026… 

           Mặc dù vậy, để đạt quy mô này, ngoài chuẩn bị đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, còn cần phải có nguồn nhân lực đủ đảm đương công việc. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương Lê Đoàn Tám, nguồn nhân sự là một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành đóng tàu. Cụ thể là rất thiếu kỹ sư vỏ, kỹ sư máy có trình độ; công nhân có trình độ tay nghề ít, khó tuyển dụng.  Nghề đóng tàu với đặc thù nặng nhọc, độc hại và thu nhập chưa cao không  đủ sức hấp dẫn học sinh, sinh viên mới ra trường.

 Trường đại học Hàng hải Việt Nam, “cái nôi” đào tạo ngành nghề đóng tàu trong khoảng chục năm nay đang gặp khó khăn khi tuyển sinh những ngành truyền thống, có thế mạnh, làm nên thương hiệu nhà trường trước đây. Mặc dù các công ty đóng tàu năm nào cũng về trường “đặt hàng”, trao học bổng khuyến khích sinh viên, nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hàng trăm kỹ sư, song vẫn có rất ít người theo học.

Theo đại diện Trường đại học Hàng hải Việt Nam, việc tuyển sinh ngành đóng tàu 1-2 năm trở lại đây có dễ hơn, nhưng số sinh viên ứng tuyển và điểm đầu vào vẫn chưa cải thiện bao nhiêu. Nếu như năm 2008, đầu vào của Khoa đóng tàu là 395 sinh viên thì đến năm 2019, tổng số sinh viên vào học tại khoa này chỉ còn 13 sinh viên (giảm 97%). Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm cũng liên tục sụt giảm, nếu như năm 2010 tổng số sinh viên tốt nghiệp là 339 sinh viên thì đến năm 2021 giảm xuống còn 38 sinh viên (giảm 87%). Theo lãnh đạo nhà trường, gần đây, số lượng đào tạo đã khá hơn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu các năm gần đây ở doanh nghiệp trong và ngoài nước đều liên tục gia tăng, trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.

           Vì vậy, các doanh nghiệp đóng tàu mong muốn Nhà nước cũng như thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu.

                                         Công nhân công ty đóng tàu Thái Bình Dương trong dây chuyền sản xuất

          Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp đóng tàu, ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp nặng đòi hỏi kỹ thuật cao. Để xây dựng một nhà máy đóng tàu hoàn hảo phải mất 10-15 năm. Các thiết bị của nhà máy đóng tàu cũng đặc thù, để phục vụ sản xuất cần phải có nhiều cẩu sức nâng lớn, nhiều xe chuyên dùng lớn cùng hệ thống cổng trục, cầu trục, đa dạng các thiết bị cơ giới…

       Điều thuận lợi là phần lớn các doanh nghiệp đóng tàu có thâm niên hoạt động nhiều năm nay, có đủ năng lực đóng và sửa chữa tàu cỡ lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn cho doanh nghiệp đang là bài toán khó. Theo ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương, mặt bằng lãi suất ngân hàng 7-14% là áp lực lớn. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ ở mức 2-3%/năm. Các ngân hàng cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn vay với doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Cùng với đó, vật tư thiết bị đóng tàu chủ yếu nhập khẩu nên chi phí khá cao…

           Chính vì thế, các doanh nghiệp đóng tàu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sớm rà soát, đánh giá lại vai trò, vị thế của ngành đóng tàu, tìm ra cách thức, phương án phù hợp để khắc phục, xử lý những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Nhiều năm nay, từ một ngành có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế đất nước, ngành đóng tàu đang dường như bị bỏ quên và thiếu sự quan tâm cần thiết để  phát triển đúng tầm vóc. Đặc thù ngành đóng tàu tuy tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng tác động lan tỏa đến nền kinh tế rất lớn, thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển. Vì vậy, Nhà nước, thành phố cần sớm định hướng xây dựng một chiến lược đào tạo căn cơ, chuyên nghiệp, lâu dài, giúp ngành đóng tàu từng bước giải quyết được bài toán thu hút nhân lực, mở rộng, phát triển sản xuất, theo kịp công nghệ với thế giới./.

                                                                                                                          Bài và ảnh: Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông