Thấy gì từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA): Kỳ 1- Xu hướng hội nhập tất yếu

09:28 07/09/2018

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu cho biết, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA) chỉ còn là vấn đề thời gian, và rất có thể sẽ diễn ra trong hội nghị ASEM tại Bỉ trong thời gian tới.

 Nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết

Từ tháng 10-2010, sau khi hoàn tất các thủ tục mang tính kỹ thuật, Chính phủ Việt Nam và EU tuyên bố khởi động đàm phán chính thức EVFTA từ ngày 26-6-2012. Sau gần 6 năm, với hàng chục phiên chính thức, nhiều phiên giữa kỳ ở các cấp và nhóm kỹ thuật, hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.

Với sự kiện này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á kết thúc thành công đàm phán thương mại tự do với EU, trong khi các nước khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia… dù đi trước vẫn chưa biết ngày về đích. Theo đánh giá của Bộ Công thương, EVFTA là một hiệp định có chất lượng toàn diện, cân bằng về lợi ích cho cả hai phía và phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các nội dung chính bao gồm: thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; đầu tư; phòng vệ thương mại; cạnh tranh…

Nhìn về tổng thể những yếu tố thuận lợi, với vị thế là nước có tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất khu vực những năm gần đây, đương nhiên lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được các doanh nghiệp quan tâm chờ đợi nhất từ EVFTA. Bởi theo lộ trình, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, sau 7 năm sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế. Đối với tỷ lệ nhỏ kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Tương tự về phần mình, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, trong 10 năm tiếp đó số dòng thuế được Việt Nam xóa bỏ cho EU sẽ nâng đến tỷ lệ 99%, số còn lại cũng được áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức 0%.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, điều quan trọng là, mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng thực tế thị phần hàng hóa của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Vì vậy, EVFTA sẽ khiến hàng hóa Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá, nhất là những sản phẩm truyền thống chủ lực đang chịu thuế suất cao như dệt may, giày dép, nông sản... Ở chiều ngược lại, nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị chất lượng cao nhập từ EU sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, nâng cao hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là niềm khát khao của kinh tế Việt Nam, khi rất nhiều ngành hàng đang phải chịu sức ép từ Trung Quốc.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, Việt Nam và EU cam kết một môi trường thuận lợi, trong đó có nhiều nội dung cởi mở hơn tiêu chuẩn của WTO. Các lĩnh vực được ưu tiên gồm một số dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối… với các điều kiện bảo hộ song phương quy mô đối xử quốc gia.

Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam. Một nội dung quan trọng khác được đề cập là những cam kết sở hữu trí tuệ về bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý… Trong đó về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam sẽ bảo hộ khoảng 160 chỉ dẫn của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hầu hết liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho nguồn hàng này tiếp cận tốt hơn tại thị trường EU.

Về đầu tư công, một vấn đề khá mới trong nội hàm khái niệm tự do thương mại đối với Việt Nam, trong đàm phán EVFTA hai bên cũng thống nhất các nội dung tương đương với hiệp định mua sắm của Chính phủ trong WTO. Cụ thể là một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu… phía EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực thi các nghĩa vụ này. Bên cạnh đó, EVFTA cũng bao gồm các nội dung liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước,  phát triển bền vững… phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên phát triển quan hệ thương mại toàn diện.

Khỏi phải nói đến tầm quan trọng của thành công trong kết quả đàm phán EVFTA, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với tập hợp kinh tế gồm 28 quốc gia thành viên, chiếm tới 30% GDP sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu, EU cũng đồng thời là nền kinh tế lớn trong tốp đầu thế giới, đặc biệt có đồng tiền chung (Euro) với khả năng hoạt động linh hoạt chỉ đứng sau đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên trong quá trình đàm phán, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, bên cạnh những tác động tích cực, có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến những cuộc thương thuyết giữa các bên liên quan. Nhất là từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, các động thái từ nước Mỹ đã làm đảo lộn bản đồ thương mại thế giới. Điều đó có thể thấy rõ từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay việc Mỹ “tuyên chiến” với Trung Quốc và EU trên mặt trạn thương mại mới đây, khiến các đối tác của Việt Nam trong EVFTA cũng cần thêm thời gian để điều chỉnh.

Trong bối cảnh đó, tại một phiên họp thường kỳ của Chính phủ, sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số mặt hạn chế như việc châu Âu đã đưa ra thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, hay một số tồn tại về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính mà các Bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ.

                                                                                           (còn nữa)

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông