Thấy gì từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA): Kỳ 2 - Chủ động để hội nhập

21:15 07/09/2018

Với Hải Phòng, địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả khu vực phía Bắc với EU, việc EVFTA có hiệu lực càng nhiều ý nghĩa.

Xuất khẩu sang EU còn lệ thuộc nhiều vào sản xuất gia công

Như đã nói ở kỳ trước, trong khi quá trình đàm phán giữa Việt Nam và EU đang diễn ra suôn sẻ, thì những diễn biến mới trên cục diện lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình ký kết EVFTA. Tuy nhiên tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam, tuyên bố chung về thỏa thuận Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương với việc đổi TPP thành CPTTP trong bối cảnh không có Mỹ, đã phá tan những hoài nghi về tương lai hội nhập quốc tế của Việt Nam

Trở lại với chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Ủy ban thương mại thuộc Nghị viện châu Âu Bernd Lange, thì việc ký kết hiệp định sớm hay muộn phụ thuộc trách nhiệm cả hai phía trong quá trình xem xét phê chuẩn.

Mặt khác cũng theo ông Bernd Lange, thì vấn đề quan trọng khiến thời gian chờ đợi kéo dài là việc cần phải phiên dịch văn kiện để gửi đến 28 quốc gia châu Âu nhằm đi đến những quyết định thống nhất. Theo ông Bernd Lange, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì EVFTA rất có thể sẽ được ký ngày trong thời điểm tới.

EVFTA khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – EU, trong đó có Hải Phòng. Trong hoàn cảnh mà nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hải Phòng dệt may, giày dép, thủy sản… mấy chục năm qua vẫn xác định EU là thị trường chính, EVFTA được ký kết cũng chính là cơ hội đặc biệt của Hải Phòng.

Những con số thống kê về thành tựu hơn 10 trở lại đây của cho thấy, tiềm năng hội nhập của Hải Phòng là rất lớn. Hải phòng cũng đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư từ EU qua cánh cửa EVFTA.

Mặt khác, thành phố hiện có 569 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD, trong đó nhiều dự án sản xuất những sản phẩm có tính cạnh tranh cao tại thị trường EU như điện tử LG, lốp xe ô tô Bridgestone, thiết bị văn phòng Fuji Xerox, may mặc Regina…

Báo cáo của ngành công thương cho thấy, 8 tháng năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp Hải Phòng tiếp tục tăng cao với mức 24,24% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có khả năng xuất khẩu đang nằm trong tốp tăng trưởng, nếu đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm công nghiệp của Hải Phòng hoàn toàn có thể mở rộng thị trường châu Âu.

Tóm lại, với vị thế đã được khẳng định là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, là đầu mối giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng đầy đủ điều kiện để tiếp nhận hiệu quả từ EVFTA. Tuy nhiên nếu không nhận rõ những thách thức để chủ động tiếp cận, thì việc chớp thời cơ có thành công hay không cũng còn nhiều việc phải bàn.

Cũng như việc tham gia các Hiệp định thương mại tự dó khác, bên cạnh những cơ hội lớn, Hải Phòng nói riêng và cả Việt Nam nói chung cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Chẳng hạn như các chuyên gia phân tích, khi tham gia EVFTA sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nguyên liệu nội khối nhất định (của EU và Việt Nam).

Đơn cử trong lĩnh vực dệt may, nguồn gốc sản phẩm được tính là nơi sợi được dệt, nghĩa là nếu sản phẩm may mặc Việt Nam được làm từ vải Trung Quốc, thì sẽ được tính nguồn gốc TQ. Hơn nữa, nếu không chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ, hàng hóa từ Việt Nam cũng rất dễ vấp phải các rào cản thương mại của EU như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay bảo hộ sản xuất nội địa. Trên thực tế rất nhiều ngành dịch vụ, sản xuất, chế biến khác của Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh đó.

Mặt khác, EU là thị trường khó tính, những sản phẩm xuất khẩu phải đạt được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, môi trường...

Thực tế ở Hải Phòng lâu nay, lĩnh vực này tập trung chủ yếu vào nguồn hàng gia công của khu vực kinh tế vốn FDI. Nhưng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cũng chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm sử dụng nhiều lao động, có giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi phải nhập khẩu lớn nguyên liệu.

Điều này vốn đã khiến cán cân xuất khập có phần tiêu cực, trong khi có rất ít thương hiệu hàng hóa Hải Phòng đủ sức xâm nhập thị trường EU ở thời điểm hiện tại.

Tác động ngược lại, khả năng cạnh tranh nội địa cũng nhiều bất cập, hiện Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều nhóm hàng nhập khẩu còn giữ mức thuế khá cao, nếu nhiều dòng thuế bị xóa bỏ hoặc lùi về mức 0%, thị trường nội địa sẽ bị hụt hẫng nghiêm trọng. Nguy cơ này sẽ tác động trực tiếp tới Hải Phòng, nơi cũng đang tụt hậu về thương hiệu hàng hóa hội địa, trên cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. 

Tham gia EVFTA, một trong những lời giải cho Hải Phòng, đó là hiện thành phố đang tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình thu hút đầu tư công nghệ cao, xây dựng thị trường hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp…

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kết nối giữa vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng logistics, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh tại sân nhà, đây có lẽ mới cần một cuộc cách mạng thực sự.

Vẫn biết là tham gia sân chơi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hy vọng Hải Phòng sẽ tháo bỏ những nút thắt để tự tin tiếp cận hội nhập một cách hoàn hảo.

Nói cách khác, EVFTA là kiến trúc thượng tầng của cả nước, kinh tế Hải Phòng đã được đặt lên bệ phóng, dù muốn hay không cũng phải cất cánh.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông