Thầy lang hay gã bịp?

20:46 27/08/2011

Giang Khẩu vốn thanh bình là vậy, ấy thế mà mấy năm trở lại đây thông tin trong thôn xuất hiện một “thần y” có biệt tài chữa bệnh tâm thần khiến nườm nượp con bệnh và người dân hiếu kỳ kéo tới xem gây mất ANTT.
Giang Khẩu vốn thanh bình là vậy, ấy thế mà mấy năm trở lại đây thông tin trong thôn xuất hiện một “thần y” có biệt tài chữa bệnh tâm thần khiến nườm nượp con bệnh và người dân hiếu kỳ kéo tới xem gây mất ANTT.

Nhiều người u mê tìm đến điện nhà Vườn chữa bệnh
Nhiều người u mê tìm đến điện nhà Vườn chữa bệnh

Thành “thần y” nhờ chiếc vali

Người dân ở thôn cho biết, gần 10 năm trước, trong một lần đi chăn vịt tại nhánh sông Thái Bình chảy qua thôn, Bùi Văn Vườn có nhặt được 1 chiếc va li trôi sông, bên trong có quyển sách dạy cúng và bí quyết làm hương. Do hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn, người vợ đầu đã lặng lẽ bỏ Vườn, ôm con tìm đường vượt biên sang Trung Quốc. Sau một thời gian mày mò, ông ta bỏ nghề chăn vịt và phát triển làm hương, tạo việc làm cho người dân quanh vùng. Khi kinh tế phát triển, Vườn giao việc quản lý xưởng hương cho vợ hai, còn mình đóng cửa chuyên tâm vào việc học làm thầy pháp và chữa bệnh (!?).

Năm 2010, Vườn xây dựng một điện thờ tại khu đất nhà mình và có “chữa” cho một cháu bé cùng địa phương khỏi bệnh tâm thần(?). Từ đó Vườn tự nhận mình có khả năng chữa được nhiều căn bệnh nan y, trong đó có bệnh thần kinh, bằng cách niệm thần chú và ngồi thiền, có khả năng bắt ma, trừ tà, thậm chí tìm mộ đã bị thất lạc. Sau vụ đó, tiếng tăm của “thần y” Vườn nổi như cồn. Vượt ra khỏi lũy tre làng, “thầy” Vườn từng khoe là đi cúng và chữa bệnh cho 1 vị cán bộ cấp sở tại Hải Phòng, được ông này tặng luôn chiếc xe máy mấy chục triệu.

Để “mục sở thị” đại bản doanh cũng như diện kiến vị “thần y” này, tôi cùng đoàn kiểm tra của huyện đến nhà Bùi Văn Vườn. Căn nhà xây kiểu cách, nằm lọt thỏm giữa một vườn cây cảnh. Nổi bật là ngôi điện có mái tôn đỏ chót có tên “Tam bảo điện”, đứng từ xa đã nhìn thấy lúc nào cũng nghi ngút khói hương và tiếng quát nạt, tiếng lẩm nhẩm niệm thần chú, tiếng hét rú của cả “thần y” và con bệnh suốt ngày đêm. Người dân sống quanh đó thì nháo nhác, lo sợ giống như sắp có một thảm họa đang rình rập họ.

Ông Nguyễn Xuân Nhuận - Bí thư chi bộ thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, Tiên Lãng - lo lắng cho biết: Thời gian gần đây, ông Vườn thường xuyên tổ chức cúng bái và chữa trị cho bệnh nhân tâm thần thâu đêm suốt sáng, không những vậy, mỗi khi mở điện còn cắm cờ vượt ra khỏi phạm vi cho phép. Người dân đã nhiều lần góp ý nhưng Vườn vẫn không thay đổi. Lại nói về cái điện của Vườn, nó được trang trí khá cầu kỳ, khuôn viên rộng 60m2 thờ phật, ngọc hoàng, có kê 1 sập tủ, lúc nào cũng túc trực cúng bái cho con nhang đệ tử.

Ngồi đối diện với chúng tôi, người đàn ông mà những người u mê vẫn gọi là “thánh”, là “thần y”, “thầy” là một người đàn ông nhỏ thó, diện bộ đồ của đạo sĩ với khuôn mặt hốc hác, cái đầu trọc lốc, nước da nhợt nhạt và khi nói chuyện vẫn không ngớt mồm rằng mình làm phúc cứu đời, cứu nhân độ thế. Ông ta rêu rao rằng đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân bị bệnh tâm thần. Điều đáng nói, cơ sở chữa bệnh này chưa được cơ quan chức năng nào cho phép và ngay bản thân ông Vườn chưa trải qua 1 khóa đào tạo về y nào.

Được biết, phương pháp chữa bệnh quái dị của “thầy y” Vườn là khi bệnh nhân được người nhà đưa tới điện sẽ niệm thần chú và phủ lên người bệnh nhân 1 tấm vải đỏ, sau đó bắt họ ngồi thiền hàng tiếng đồng hồ, cho đến khi đuổi con “ma” ra khỏi người bệnh và đe nẹt bệnh nhân, thậm chí dùng cả vũ lực để khống chế (?!). Người bệnh đến điều trị tại điện của Vườn nhanh nhất thì 2 hôm và lâu nhất 5 hôm là “khỏi bệnh”. 

Đánh trúng vào tâm lý, nhận thức hạn chế của người dân, Vườn còn “phán” bệnh cho nhiều con nhang là bị ma theo, nếu không chữa trị sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Mê muội tin theo lời Vườn, họ đã bán cả thóc lúa, lợn, gà lấy tiền nộp cho “thầy” cúng để giải hạn, bắt ma trừ tà. Không dừng lại ở đó, Vườn còn “phán” rằng, ai có căn số phải đến điện thờ của hắn cúng bái nếu không sẽ bị điên hoặc tai nạn chết. Lo sợ trước những tai họa đó, không ít người dân đã vay mượn tiền của người thân, bạn bè để nộp cho thầy cúng. Được biết, mỗi con nhang phải nộp 1 triệu đồng tiền mở phủ và 700.000 đồng mua 1 bộ quần áo và khăn để mặc mở phủ. Không chỉ có vậy, họ còn phải mua ngựa, tiền vàng, hình nhân thế mạng, tiền ăn uống để theo hầu. Nhiều trẻ em hiếu kỳ cũng đã sao nhãng việc học tập, rủ nhau đi xem bắt ma.

Tiền mất, tật mang  vì sự u mê

Cũng chính vì sự u mê, thiếu hiểu biết của người dân, từ đây, liên tiếp những bi kịch đã xảy ra như: mất tiền bạc, bệnh tật không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Gần đây nhất là hai trường hợp điển hình của gia đình chị N. T. P tại xã Tự Cường hay anh V. ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, chủ xưởng cơ khí lớn trong thôn. Anh V. mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, đã chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Do được thầy “cảm hóa”, phán rằng anh V. là người căn quả, nếu được điều trị bằng việc ngồi thiền, cúng bái tại điện thờ của Vườn thì sẽ được giàu sang, bệnh tật chóng khỏi.

Nghe theo những lời dụ dỗ của thầy Vườn, anh V. hàng ngày bỏ bê công việc của gia đình, xưởng cơ khí không có người quản lý nên sớm bị thua lỗ, phải bán đi trả nợ. Nhìn cái xưởng cơ khí trống trơn, chị N. T. L - vợ anh V. rơm rớm nước mắt cho tôi biết: Nửa năm nay chồng chị mê muội, do thầy Vườn nói có căn quả nên suốt ngày lên nhà thầy Vườn ngồi, bỏ bê việc làm ăn, xưởng đã phải đóng cửa vì không có người quản lý. Chị L. đã khóc hết nước mắt khuyên anh ở nhà lo chuyện làm ăn, thậm chí còn lên nhà thầy Vườn nhờ thầy khuyên anh về nhà…

Hay một trường hợp khác, chị N. T. P  là thợ may gia đình tại xã Tự Cường, nghe mọi người giới thiệu, chị lai mẹ đẻ của mình ở quận Kiến An tới điện nhà Vườn ngồi thiền chữa bệnh. Một thời gian, chị N. T. P về nhà và mắc bệnh hoang tưởng ngày càng nặng, người nhà đã đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng điều trị. Khi tôi đến Bệnh viện tâm thần Hải Phòng để gặp chị P., chồng chị P. - anh P. T. D - cho biết: Từ trước đến giờ sức khỏe của chị vẫn ổn định, gia đình không có tiền sử gì về tâm thần. Bác sĩ Chương Văn Quý - Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng - cho biết: “Bệnh nhân P. nhập viện trong trong tình trạng rối loạn nặng, nói linh tinh, coi mình là thần thánh. Nguyên nhân do bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng, nghĩ mình là thần thánh và có quyền sai khiến người khác, do nhân cách yếu, dễ bị tác động của môi trường bên ngoài.

Trước những phản ánh và đơn tố cáo của người dân, ngày 2-8-2011, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Tiên Lãng gồm: công an huyện và UBND xã Đại Thắng đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Vườn. Kết quả cho thấy, Bùi Văn Vườn chưa được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực y tế và cũng không được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động về y tế. Căn cứ vào các quy định của pháp lệnh tôn giáo, xét thấy những việc làm của Vườn trái với các quy định pháp luật, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Tiên Lãng đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động chữa bệnh trái phép của Bùi Văn Vườn.

Đồng thời, UNBD xã Đại Thắng yêu cầu Bùi Văn Vườn không được chữa bệnh cho những người thần kinh tại nhà bằng các biện pháp như: phủ vải đỏ lên đầu, đánh vào người bệnh nhân để trừ ma, trừ tà và các biểu hiện mê tín dị đoan khác; không được tụ tập đông người gây mất ANTT. Tại buổi làm việc, Bùi Văn Vườn đã cam kết không tái diễn việc chữa bệnh trên.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng - Trưởng phòng y tế huyện Tiên Lãng - trên thực tế, việc chữa bệnh bằng phương pháp tâm linh không có cơ sở khoa học, không mang lại hiệu quả và trái pháp luật. Người dân không nên đặt niềm tin vào phương pháp này. Để việc khám, chữa bệnh mang lại hiệu quả, các bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế tại các địa phương để được tư vấn, điều trị.  

PV


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông