Thênh thang đường về nẻo thiện

15:20 24/08/2013

Hoàn lương, tìm một nẻo về để trở thành người lương thiện không chỉ là khát vọng của những mảnh đời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng… Bởi nó không chỉ góp phần mang lại bình yên cho xã hội, mà việc mỗi người lầm lỗi hoàn lương, trở về với đường ngay nẻo sáng còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song hành trên con đường hoàn lương nhiều chông chênh, trắc trở luôn phải có sự tin yêu, lòng vị tha của gia đình và cộng đồng…

Ông chủ quán bia một thời dọc ngang


Nằm khiêm tốn trên đường Trường Chinh (phường Lãm Hà, quận Kiến An), quán bia hơi của Vũ Hũu Đức lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, khách đến uống bia nườm nượp. Những ai đã từng một lần đến đây đều không quên hình ảnh ông chủ quán dù đã ở tuổi ngoài ngũ tuần có khuôn mặt cực kỳ lãng tử luôn tươi cười, chuyện trò rôm rả nhưng vẫn không quên “nhiệm vụ” của mình.

Lúc nào cũng tất tưởi đi lại, khi rót bia, khi lại vào bếp nướng con mực hay xào đĩa rau mang ra mời khách…, vậy nhưng ít ai biết rằng ông chủ quán bia hơi này đã từng một thời dọc ngang, phải khoác trên mình cả một “mớ” tiền án, tiền sự…

Vũ Hữu Đức kể lại rằng, làng Lãm Hà nơi mình được sinh ra vốn là khu vực tập trung bến tàu thủy, bến xe ô tô. Tuổi thơ của Vũ Hữu Đức là những năm tháng vất vưởng, quăng quật khắp các bến bãi với đủ trò trộm cắp, cướp giật, đánh nhau… Năm 16 tuổi, Đức đã phải đi cải tạo, giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Vào những năm 1980, bến xe Miền Tây hàng ngày tấp nập với những chuyến xe hàng, xe khách ngược xuôi Bắc Nam. Tuy nhiên, đây cũng lại là nỗi khiếp đảm cho hành khách mỗi lần đi xe bởi tệ nạn làm luật, cướp giật, móc túi…

Vũ Hữu Đức khi đó vừa từ trường giáo dưỡng trở về đã nhanh chóng nổi lên là một tay anh chị có “số” ở khu vực bến xe Miền Tây và được dân giang hồ gọi ghép với tên của ông bố đẻ là Đức “hội”. Cùng thời với Đức “hội” bấy giờ còn có những tay anh chị khác cũng được xem là có “số má” như T “thoòng” hay K “được”…

                            

Vũ Hữu Đức dọc ngang một thời đã đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm sống êm ấm cùng vợ con bằng công việc bán bia hơi


Hàng ngày Đức “hội” tụ tập băng nhóm tổ chức làm luật với tất cả những người buôn bán lợn, gà, rau quả hay bất cứ hàng hóa gì khi qua bến xe. Khi phát hiện hành khách nào có tiền hay tài sản có giá trị thì tổ chức trộm cắp, thậm chí cướp giật…

Ngang tàng là vậy nhưng Đức “hội” cũng rất lãng mạn và tình cảm. Sau khi đã đem lòng yêu say đắm cô gái ở bên kia sông, chẳng ngày nào Đức không bơi qua sông, sang đưa đón người yêu đi chơi… Cũng vì cảm kính với tình yêu chân thành của gã trai lãng tử, sau này cô con gái làng An Đồng (huyện An Dương) đã vượt qua mọi điều dị nghị, ngăn cấm để trở thành vợ của Vũ Hữu Đức. Thế nhưng, cưới vợ chưa hết tuần trăng mật thì Vũ Hữu Đức bị công an bắt chỉ vì trong một lần… sĩ diện với bạn bè đã xông ra lấy chiếc đồng hồ của một đôi trai gái đi đường.

Bỏ lại người vợ mới cưới ở nhà, Đức khoác cái án 7 năm tù sang Trại giam Phi Liệt thụ án. Dường như tháng năm tung hoành ngoài xã hội lại thêm bản tính ương ngạnh đã làm cho Vũ Hữu Đức không còn biết sợ hãi, kể cả khi vào trại cải tạo. Chỉ được một thời gian đầu còn tỏ ra lạ lẫm, sau đó Đức lại tỏ ra ngang tàng, sẵn sàng đánh cả bạn tù, thậm chí còn tìm cách trốn trại. Vì thế mà Đức đã phải chịu “gánh” thêm 1 năm tù nữa về tội cố ý gây thương tích và bị chuyển lên cải tạo tại Trại Tân Lập (Vĩnh Phúc).

Cũng trong thời gian này, được sự quan tâm chăm lo thường xuyên của người vợ trẻ, Đức nhận ra lỗi lầm của mình và chịu khó cải tạo. “Phần thưởng” của tháng ngày lao động vất vả trong trại là đứa con trai ra đời sau những lần được cán bộ tạo điều kiện cho vợ chồng Đức gặp nhau ở… buồng hạnh phúc.

 Năm 1991, khi mãn hạn tù trở về, lúc này con trai của Vũ Hữu Đức đã được gần 3 tuổi. Tưởng chừng những năm tháng nhẫn nhịn chờ chồng của người vợ, hơn cả là có thêm đứa con trai kháu khỉnh sẽ giúp Vũ Hữu Đức từ đây làm lại cuộc đời. Thế nhưng, cũng chỉ được mấy bữa, Đức lại bỏ mặc vợ con theo đám bạn xấu rủ rê tiếp tục theo con đường tội lỗi. Ngoài việc làm luật các phương tiện ra vào bến xe, bến tàu, Đức còn thu nạp hàng trăm công nhân bốc xếp “đảm nhận” toàn bộ công việc lên xuống hàng ở các bến tàu, bến xe xung quanh khu vực cầu Niệm.

Tuy nhiên, với danh nghĩa nghiệp đoàn bốc xếp lúc bấy giờ thực chất chỉ là vỏ bọc để che đậy hoạt động bảo kê, làm luật của Vũ Hữu Đức và cánh đàn em. Và Đức tiếp tục phải trả giá bằng bản án 6 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Trong lúc chờ đi cải tạo trại 5 Thanh Hóa, Đức còn “kịp” xuống tay đánh trọng thương một bạn tù ở cùng phòng và lại phải nhận thêm 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Năm 2005, Đức được giảm gần 1/3 án và trở về sau hơn 6 lao động cải tạo. Nhìn lại thấy mình đã đi quá nửa cuộc đời mà vẫn tay trắng, Vũ Hữu Đức tự hứa sẽ làm lại cuộc đời mình để sau này nuôi dạy 2 đứa con trai khôn lớn. Những ngày đầu mới mở quán bia, hàng ngày Vũ Hữu Đức cặm cụi chở từng bom bia về bán từ sáng sớm cho đến tối muộn mới đóng cửa. Còn vợ anh nhặt nhạnh, thu gom từng mẩu giấy vụn trong bến xe đem về bán… Tích tiểu lâu dần sẽ thành đại. Khi có chút vốn, vợ chồng anh Đức tính mở quán bia khang trang, sạch sẽ hơn. Với tính tình cởi mở, tận tình, chu đáo nên quán bia của vợ chồng anh Đức chẳng lúc nào vơi khách.

Cái quyết tâm giã từ quá khứ lầm lỗi để chăm lo cho cuộc sống gia đình bên người vợ hiền đảm đang và những đứa con ngoan ngoãn đã khuất phục được con người dọc ngang một thời. Đã không ít lần những người bạn cũ tìm đến rủ rê, lôi kéo Vũ Hữu Đức trở lại con đường cũ nhưng đều bị anh thẳng thừng từ chối. Vũ Hữu Đức còn dũng cảm đứng lên chống lại hành động sai trái mà bản thân anh đã từng mắc phải trước đây. Anh sẵn sàng truy đuổi kẻ cướp giật trên đường trả lại tài sản cho người bị mất. Với tất cả những nỗ lực vươn lên, Vũ Huy Đức đã vinh dự được Giám đốc Công an thành phố tặng giấy khen về thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm.


Điểm tựa cho những người lầm lỡ


Đêm về, khi tất cả các hoạt động giao thương, buôn bán trên những con phố xung quanh khu vực chợ Sắt, chợ Tam Bạc đều đã dừng lại, lúc này Tổ tự quản bảo vệ ban đêm (phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng) mới bắt đầu buổi làm việc. Hàng hóa của các hộ kinh doanh bày ra cho đến lúc nghỉ không phải dọn vào mà để nguyên, chỉ cần phủ lên tấm bạt. Tổ tự quản bảo vệ ban đêm sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, không để mất mát hàng hóa hay bất cứ thứ gì…

Lần đầu tiên nghe thấy có kiểu bảo vệ hàng hóa như vậy, tôi không khỏi giật mình. Bởi hàng trăm hộ kinh doanh với đủ loại mặt hàng, bày biện tơ hơ suốt đêm mà đảm bảo không mất mát thì thật là điều không tưởng. “Ấy vậy mà bao nhiêu năm nay, từ khi có Tổ tự quản bảo vệ ban đêm đảm nhiệm, chưa hề xảy ra vụ mất trộm hàng hóa nào của bà con” - ông Phạm Quang Thực, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 6 Lý Thường Kiệt (phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng) khẳng định.

Ông Thực cho biết thêm, Tổ tự quản bảo vệ ban đêm được thành lập từ năm 2007, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Công an phường, đảm bảo công tác giữ gìn ANTT. Điều đặc biệt là thành viên tham gia tổ bảo vệ này hầu hết là những người quá khứ lầm lỗi trở về địa phương.

Để đảm cho Tổ tự quản bảo vệ ban đêm hoạt động có hiệu quả, lực lượng công an phường cùng với các tổ chức, đoàn thể địa phương thường xuyên giám sát, phối hợp và động viên các thành viên trong tổ. Từ chỗ ban đầu thu nhập mỗi tháng 700 ngàn đồng, đến nay đã cho thu nhập đến 1,5 triệu đồng. Đáng nói hơn, hầu hết những thành viên tham gia Tổ tự quản bảo vệ ban đêm đều đã thực sự tiến bộ, trở thành người tốt, góp sức cùng gia đình phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Ngọc Hà (29 tuổi, ở tầng 3 cầu thang 45 Tôn Đản) không giấu diếm cho biết, sau khi đi tù về tội cướp tài sản, năm 2008, trở về địa phương, anh được giới thiệu tham gia vào Tổ bảo vệ. Lúc đầu anh còn ngại ngùng, mặc cảm không muốn tham gia. Nhưng khi được động viên tham gia, một thời gian anh Hà cảm nhận đây không chỉ là công việc tốt mang lại thu nhập hỗ trợ cho gia đình mà còn là môi trường tốt để anh rèn luyện trở thành người có ích…

Cũng như anh Hà, sau khi thụ án 5 năm trở về địa phương, anh Hoàng Ngọc Lương được giới thiệu tham gia cùng với Tổ bảo vệ. Từ khi có công việc mới, anh Lương luôn nhiệt tình gắn bó và từ bỏ hoàn toàn quá khứ lầm lỗi, tự tin hòa nhập cùng mọi người xung quanh. Đến nay mặc dù đã chuyển sang một công việc khác nhưng anh Lương vẫn không thể nào quên được Tổ bảo vệ đã giúp mình có cuộc sống mới với một gia đình hạnh phúc.



Văn Huy


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông