Thị trường bất động sản dần hồi phục nhưng vẫn cần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc (Bài 1)

15:38 22/08/2023

Nhiều khó khăn được tháo gỡ; nhiều dự án được tiếp tục triển khai; tình hình cung- cầu bất động sản tại các phân phúc có chuyển biến, tháng sau tốt hơn tháng trước... là những nhận định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc, trắc trở và hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 3-8 vừa qua tiếp tục khẳng định quyết tâm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

          Bài 1:

                                                                      Tháo gỡ, khơi thông nhiều điểm nghẽn

       Tất cả các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định: NQ 33 của Chính phủ ban hành rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trong phục hồi và phát triển thị trường BĐS. Trong đó, quan trọng nhất là tháo gỡ nhiều điểm nghẽn để tác động, thúc đẩy thị trường phát triển.

                                                                     Vai trò của tổ công tác

           Một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả NQ 33 và phát triển thị trường bất động sản là tổ công táccủa Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết, tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án…

          Trong đó, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan tới 180 dự án nhà ở, khu đô thị cùng 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác, có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

                                       Thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu hồi phục và phát triển (ảnh: Hồng Phong)

Tại Hà Nội, tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Ngoài ra, có 12 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp hiện đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội giải quyết tháo gỡ theo thẩm quyền. Đến nay Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu).

          Tổ công tác cũng đã tham gia tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương khác. Tại Hải Phòng, tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 15 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 65 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: lập, phê duyệt quy hoạch; giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án; nhận chuyển nhượng, thu hồi đất; chuyển nhượng dự án bất động sản; dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, cơ chế ưu đãi nhà ở xã hội...

           Ngoài ra, tổ công tác nhận được 4 văn bản của 4 doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tổ công tác đã có 4 văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác. Hiện UBND thành phố Hải Phòng đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.

                                                                   Nhiều dự án được khơi thông        

          Thực hiện NQ 33, để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…; trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đồng thời ban hành nhiều nghị định; các Bộ ngành Trung ương có nhiều Thông tư tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. 

          Theo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương đã xác định việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm".

           Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, NHNN có nhiều văn bản để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" và triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Các địa phương cũng đã đang tích cực tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đề án đã được Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đến nay, đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô khoảng 19.516 căn. Cùng với đó, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14%.

                                            Nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện

Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh,các doanh nghiệp bất động sản đều thấy rõ tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ thể chế, nguồn vốn, định giá , quy hoạch, lãi suất ngân hàng…

Tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm hơn. Nhiều chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường.

Đối với Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu GP.Invest, những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ công tác của Thủ tướng đã có những tác động cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến những chuyển biến tích cực của dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ. Dự án này được khởi động cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới triển khai được một phần nhỏ. Tuy nhiên, từ tháng 5-2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng với Nghị quyết 33, dự án đã có chuyển động theo hướng nhanh hơn, tích cực hơn.  Các dự án của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… cũng đều có sự chuyển động tích cực do cách làm dứt khoát, rõ ràng của các cấp chính quyền.

          Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp bị bào mòn do dịch bệnh, do lạm phát, do bất ổn toàn cầu, NQ 33 của Chính phủ ban hành như một nguồn oxy quý báu đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội. Hiện các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình thuận đã được tổ Công tác và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh  đánh giá NQ 33 đã bước đầu phát huy được tác dụng trong cuộc sống. Đặc biệt là những chỉ đạo quyết liệt sau đó của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn về tín dụng, về trái phiếu doanh nghiệp; giải quyết được vướng mắc cấp sổ hồng cho 100.000 căn hộ condotel trong cả nước.

          GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rất ấn tượng về sự chỉ đạo quyết liệt, có thời hạn, giải quyết công việc cụ thể của Chính phủ, đặc biệt có những chính sách tháo gỡ như gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng; Đề án 1 triệu nhà ở xã hội… Với những hành động của Chính phủ, diện mạo của thị trường BĐS hoàn toàn thay đổi. Trên thị trường chứng khoán, nhiều mã BĐS đứng đầu danh sách, tạo đà quan trọng để thị trường vốn này phục hồi và có xu hướng phát triển tốt.

         TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất (về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệp  đáo hạn, về giao dịch BĐS, về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án BĐS). Thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5-2023 đến nay; quý 2 tốt hơn quý 1 (tăng 7 điểm % về lượng giao dịch BĐS nhà ở); các khu CN có tỷ lệ lấp đầy hiện nay khoảng 76%. Theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu BĐS tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%...;

          Nếu cần lượng hóa, có thể hình dung khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án BĐS vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương.

          Như vậy, có thể thấy, thị trường BĐS đã có sự hồi phục khá rõ nét; tác động của NQ 33 của Chính phủ là to lớn với những hiệu quả thiết thực, mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường BĐS nói riêng và cả nền kinh tế nói chung./.

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông