Thị trường “đếm giờ” chờ Tết đến

18:12 10/01/2023

Chỉ còn hơn mười ngày nữa pháo hoa đêm giao thừa tết Quý Mão 2023 sẽ nở tung trên bầu trời Hải Phòng. Theo thông lệ, điểm rơi của sự bùng nổ hàng hóa sẽ bắt đầu từ ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp, nhưng tại thời điểm này không khí tết đã rạo rực trên khắp thành phố.

                                         

Hàng tết ngập tràn các siêu thị

Những ngày này, lượng khách hàng đến mua sắm tại các trung tâm thương mại khá đông, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng dễ nhận thấy. Từ hàng tiêu dùng phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình đến các mặt hàng tết làm quà tặng đều nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng.

Để phục vụ người dân đón tết cổ truyền, từ cách đây hàng tháng, các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã bày bán nhiều mặt hàng mới, theo đánh giá là  đa dạng mẫu mã và chất lượng hơn các năm trước.

Ghi nhận của phóng viên, tại các siêu thị đều có rất nhiều chương trình khuyến mại, từ tặng thẻ, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng đến phổ biến nhất là giảm giá cụ thể cho từng mặt hàng. Trong đó nhóm những mặt hàng thiết yếu phục vụ tết được giảm từ 5% đến 40%, như: giỏ quà, bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát, đồ gia dụng, thời trang…

Tuy nhiên so với năm trước, dù được giảm giá nhưng nhiều mặt hàng vẫn cao hơn từ 5 đến 10%, đơn cử cùng một giỏ quà thành phần giống nhau, năm trước là 225.000 đồng/giỏ, thì năm nay có giá 299.000 đồng/giỏ, hoặc các loại bia nội đều tăng, với mức giá dao động trong khoảng 240.000 đồng đến 350.000 đồng/két 24 lon, bia ngoại sản xuất trong nước hầu hết có giá trên 400.000 đồng/két, nhưng vẫn được tiêu thụ khá tốt.

Ở khu vực chợ truyền thống, nhóm hàng được quan tâm nhiều thuộc về nông sản khô. Một chủ cửa hàng ở chợ Tam Bạc chia sẻ, năm nay thời tiết tốt nên nông sản khô giữ giá ổn định cho đến thời điểm này, cơ bản ngang giá với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử, mộc nhĩ loại ngon có giá từ 200.000 đồng đến 250 nghìn đồng/kg; nấm hương từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/kg; măng gan từ 80.000 đồng đến 125.000 đồng/kg tùy từng loại…

Nhưng phần lớn những mặt hàng này vẫn đang được bán buôn, chưa có nhiều khách đến mua lẻ. Về điều này, chị Phương – một tiểu thương ở chợ Tam Bạc bộc bạch, hàng khô bán buôn chạy là dễ hiểu, vì từ đây sản phẩm được phân phối đến các cửa hàng bán lẻ ở tận từng ngõ phố, thôn quê, sắm lúc nào cũng được, vả lại giá thường dễ chịu hơn ở siêu thị.

Còn những mặt hàng khác thuộc về thực phẩm chế biến, do khuyến mại nên đến các trung tâm thương mại thời điểm này mua đảm bảo hơn, vì rõ giá, rõ nguồn gốc. 

Lượng khách đến mua sắm tại siêu thị đã gia tăng trong mọi khung giờ.

Như đã nói ở trên, thị trường tết phải đến 23 tháng Chạp mới thực sự nhộn nhịp, bởi vậy tại thời điểm này một số phân khúc hàng hóa vẫn còn ở dạng bán thăm dò. Chẳng hạn như các loại cây cảnh, hoa, vật dụng trang trí… dù đã xuất hiện khá nhiều trên các tuyến đường lớn, nhưng không khí mua sắm vẫn khá khiêm tốn.

Như đường Lê Hồng Phong mấy năm trước, hàng hóa được tập kết khá sớm. Nhưng năm nay chưa thấy nhiều hàng đổ về, mới có vài dãy hàng bày bán các vật dụng trang trí, thiếu hẳn các quầy hàng bán rượu bia, quả quý lạ như mọi năm.

Kể cả cây cảnh và cây lộc cũng chưa nhiều, phần lớn mới là những gốc đào, gốc quất có giá trị lớn, mà người bán hy vọng vào những khách hàng nhiều tiền chơi tết sớm.

Nhưng giá các loại cây cảnh cũng chưa được định hình, tham khảo ở một số bãi bày cây, mỗi gốc đào được người bán hét giá tới vài chục triệu đồng, một cây quất cao khoảng 2 mét, chu vi khoảng 1,5 mét được thổi lên 5 triệu đồng…

Chính vì vậy, chợ cây mới thu hút được số ít người đến, chủ yếu là tham khảo giá hoặc tò mò. Một chủ cây có vườn ở Đặng Cương (An Dương) cho biết: “Bọn tôi mới chỉ bày thăm dò, những gốc đào lớn đã có chủ thuê chăm, đem ra đây chờ họ đến lấy, còn lại cây đại trà có lẽ phải vài ngày nữa mới đánh gốc…”.

Trong khi đó, các chợ thực phẩm tươi sống cũng bắt đầu có hiện tượng biến động giá, dù sức mua chưa đến độ dồn dập, nhất là hàng thủy sản. Những mặt hàng độc như tôm rảo đã tăng 25%, tôm bộp nước mặn tăng tới 20%, cá trắm sống tăng 10%… Mặc dù vậy nhiều loại rau củ quả  đang có dấu hiệu giảm giá, phổ biến là các loại rau cải, cúc, su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây…

Trong khi đó các loại thịt lợn, gà lại cũng chững giá. Ở một phân khúc khác, trên các đường Tô Hiệu, nơi bán nhiều đồ thờ cúng thì tình hình có vẻ được cải thiện hơn. Khảo sát cho thấy, khách mua nhiều nhất là các loại ban hoặc bàn thờ gỗ, một số đồ bày biện như bát hương mạ nhũ vàng, lục bình, hạc gỗ… chuẩn bị thay thế dịp cúng “Táo quân về trời”. 

Trở lại với các siêu thị, dù đã nhộn nhịp nhưng lượng khách đến chưa được như kỳ vọng, cơ bản chỉ là một bộ phận người tiêu dùng dư dả về tiền bạc.

Một cán bộ phụ trách kinh doanh của siêu thị trên địa bàn quận Ngô Quyền cho biết: “Do các doanh nghiệp và cơ quan chưa có tiền tết nên việc mua sắm chưa vào cao trào, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là việc mua sắm tết bị đổ dồn vào tuần tới…”.

Giờ G của tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang được tính theo từng ngày, hy vọng rằng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ sớm giải ngân nguồn tiền để góp phần cho thị trường được bình ổn.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông