Thị trường đồ thờ ảm đạm sau đại dịch

10:44 20/06/2022

Dù còn diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hải Phòng đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện cho các hoạt động thị trường trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng do ảnh hường từ đại dịch thời gian qua, thu nhập của người dân bị giảm sút, dãn đến việc tiêu thụ những sản phẩm có giá trị sử dụng dài hạn cũng giảm theo, trong đó có đồ thờ các loại.

Sản phẩm gốm thờ của làng gốm Dưỡng Động (Minh Tân, Thủy Nguyên)

Trong nền văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt nói riêng, thờ cúng là một truyền thống lâu đời. Trong đó không chỉ việc thờ mang ý nghĩa tâm linh, mà mua sắm đồ thờ cũng là một nhu cầu rất quan trọng, bao gồm cả giá trị tinh thần lẫn vật chất.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng – chủ một cửa hàng đồ thờ trên đường Nguyễn Văn Linh, vì giá trị sử dụng có tính chất dài hạn, nên việc mua sắm thay đổi đồ thờ đối với các gia đình thường tập trung vào các dịp như đầu năm, tháng Vu Lan và phổ biến nhất là cúng ông Táo cuối năm. Còn mua sắm mới lần đầu thường gắn với việc chuyển nhà, lên nhà mới… ngoài ra các cư sở thờ tự cộng đồng cũng là một kênh tiêu thụ tương đối lớn.

Cũng theo ông Hùng, đồ thờ có nhiều loại, chủ yếu được chế tác bằng nhiều chất liệu nhưng, nhưng bộ ban thờ gồm án xa, ô xa, tủ thờ, sập thờ… thì không chất liệu nào thay thế được gỗ. Ở Hải Phòng, đối tượng khách hàng đa dạng, nên sản phẩm rất phong phú.

Cũng là đồ gỗ nhưng có bộ ban thờ chỉ từ vài trăm nghìn đồng, được ghép khung gỗ tạp và các tấm ván ép, bán khá nhiều tại các cửa hàng ở đường Tô Hiệu, Ngô Gia Tự… Còn ở cửa hàng ông Hùng, các sản phẩm gỗ đều thuộc diện cao cấp, rẻ nhất cũng từ trên 10 triệu đồng/bộ ban thờ, ít tiền hơn như một bộ “Tam đa” cũng từ 5 triệu đồng trở lên.

Còn ở đường Kha Lâm (phường Nam Sơn – Kiến An), đây quả thật là “thiên đường” đồ gỗ với đủ các loại sản phẩm bàn ghế, gường, tủ, cửa… cho đến đồ thờ, hầu hết các chủ kinh doanh đều xuất nguồn từ làng nghề mộc Kha Lâm. Ông Vinh – một thợ mộc lành nghề, đồng thời là chủ một của hàng bật mí, gỗ dùng làm đồ thờ cao cấp thường là Mít, Vàng Tâm, Gụ, Dổi… đây là những loại gỗ có chất lượng cao, nhẹ, lại dễ chạm khắc, đồng thời lại có mùi thơm dễ chịu.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho biết, vì nhu cầu thị trường nên đồ thờ gỗ hiện không hẳn như vậy, nhất là trong điều kiện nguồn gỗ công nghiệp gia rẻ đang chiếm ưu thế. Vì vậy khi chọn mua đồ thờ gỗ phải xem kỹ các đường mộng, các điểm kết nối, đường nét hoa văn.

Trong khi đỗ thờ bằng gỗ có những giá trị không thể thay thế nêu trên, thì phân khúc đồ thờ bằng đồng cũng có riêng cho mình một kênh tiêu thụ khác. Thực ra, đồng cũng chính là một chất liệu được chọn làm đồ thờ từ lâu ở Việt Nam, tuy nhiên trong một giai đoạn nhất định, đồ đồng không được phổ biến. Trao đổi với ông Kiên - Chủ một cửa hàng đồ thờ đồng ở đường Tô Hiệu, được biết khoảng hai chục năm trở lại đây, đồ thờ đồng phục hồi mạnh mẽ.

Theo ông Kiên thì dùng đồ thờ đồng đòi hỏi gian thờ phải có diện tích rộng, bởi đồ thờ đồng có giá trị bổ trợ nên không thể dùng nếu không cân xứng với quy mô của bộ ban thờ gỗ, vì vậy dùng đồ thờ đồng mang tính kết hợp cao.

Hiện một một bộ đồ thờ bằng đồng ít nhất cũng là “tam sự” với trung tâm là đỉnh đồng, hai bên là đôi hạc hoặc chân nến, còn đầy đủ phải là “ngũ sự” gồm đỉnh, đôi chân nến, đôi hạc đồng, có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/bộ. Ngoài ra cũng có người thích sắm thêm cả bát hương, chén thờđèn dầu, mâm bồng, lọ hoa, bộ hoành phi câu đối… cũng bằng đồng.

Sản phẩm thờ bằng đồng đa dạng mẫu mã trên thị trường Hải Phòng

Ông Kiên cho biết, trên thị trường hiện nay đồ đồng rất nhiều loại. Sản phẩm được chế tác trong nước cũng có nhiều nguồn, nhất là từ các làng nghề ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam và một số địa phương phía Nam, một số không nhỏ được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Hàng trong nước thường có tỷ lệ đồng cao hơn rất nhiều, được chế tác thủ công truyền thống nên chất lượng tốt và được ưa chuộng.

Còn hàng nhập khẩu có thế mạnh là hoa văn sáng tạo, được chế tác công nghệ tiên tiến nên hình dáng rất bắt mắt. Nhưng đồ đồng ngoại nhập có tỷ lệ hợp chất lớn nên giá trị sử dụng không bền vững, khi đã hư hỏng rất khó phục hồi. Ông Kiên chia sẻ, hiện nay các cửa hàng cơ bản giữ uy tín, khách hàng quan tâm thường được tư vấn kỹ lưỡng, hơn nữa bán đồ thờ ít ai dám gian dối.

Cũng liên quan đến đồ thờ, một trong những chất liệu được biết đến lâu đời, và đến nay một số sản phẩm cũng khó thay thế trong tư duy người thờ cúng chính là đồ sứ. Ông Nguyễn Duy Diễn, trưởng một chi thuộc dòng họ Nguyên Duy (Kiến Thụy) cho rằng, về tâm linh thì một bộ đồ thờ phải bao gồm cả chất liệu gỗ, đồng, sứ mới hài hòa về âm dương. Hơn nữa, đồ sứ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phát triển của con người, lại có tính kỹ thuật, mỹ thuật riêng, nên trong chọn đồ thờ không thể bỏ qua.

Khảo sát trên thị trường thành phố cho thấy, sản phẩm đồ thờ sứ rất đa dạng cả về hình thức lẫn giá cả, chứng tỏ nhu cầu của phân khúc hàng hóa này vẫn rất được quan tâm. Bộ thờ sứ hiện được biết đến nhiều như bát nhang, lọ nhang, mâm bồng, giá nến, lọ hoa, lục bình…

Khảo sát cũng cho thấy, đồ sứ ở Hải Phòng cũng được nhập từ nhiều nguồn như Đông Triều (Quảng Ninh), Chí Linh (Hải Dương) hay từ Trung Quốc, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sứ Bát Tràng. Trong đó, những người có điều kiện kinh tế thường lựa chọn dòng men rạn đắp nổi, với cảm giác hoài cổ nhưng không kém phần sang trọng. Tuy vậy, phổ biến hơn vẫn là các sản phẩm sứ phủ men xanh, trắng, có họa tiết tinh tế và sắc sảo.

Ưu điểm của đồ thờ sứ là luôn tạo cảm giác sáng sủa, ấm cúng cho khu vực ban thờ. Nhưng nhược điểm của chất liệu này là dễ vỡ, tuy nhiên do thị trường có rất nhiều loại sản phẩm, dù đắt hay rẻ thì độ bền tương tự nhau, dù ở điều kiện kinh tế nào cũng không khó thay thế.

Cũng như đồ gỗ và đồ đồng, đồ thờ sứ có nhiều thang giá cho mọi đối tượng, từ vài trăm nghìn đồng/bộ cho đến vài chục triệu đồng/bộ. Mặc dù vậy, dù là chất liệu gì, giá trị vật chất đến cỡ nào, thì đồ thờ cũng không nằm ngoài giá trị tinh thần, phản ánh ý nghĩa nhân văn rất lớn, đó là lòng thành tâm của những người đang sống đối với cội nguồn.

Trở lại với cửa hàng đồ thờ gỗ của ông Nguyễn Quang Hùng, ông Hùng lý giải, vì đồ thờ có giá trị sử dụng dài hạn, đầu tư lớn, nên thường chỉ được người dân mua sắm thay thế khi điều kiện kinh tế dư dả, còn nếu đồ cũ vẫn sử dụng được thì cũng chưa phải cấp thiết.

Nhất là trong thời điểm này kinh tế mới đang trong giai đoạn phục hồi, việc tiêu thụ đồ thờ chủ yếu trông vào các công trình nhà mới. Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến dịp Vu Lan, theo thông lệ hàng năm thì thời điểm này các cửa hàng đã nhận được nhiều đơn hàng mới, nhưng năm nay ngay cả cửa hàng lớn như nhà ông Hùng cũng chưa nhận được đơn hàng nào.

Vừa nói chuyện, ông Hùng vừa chỉ vào bộ ban thờ đang được hoàn thiện: “Đây là gỗ giáng hương có giá 60 triệu đồng, cũng may là vẫn có khách đặt cho nhà mới chứ không ế ẩm đói lắm, tình hình này chắc phải qua thời gian dài nữa thị trường mới hết ảm đạm.”

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích