Thị trường xe máy – cơn sốt giá đang giảm nhiệt

08:48 04/10/2022

Cùng thời điểm này năm trước, thị trường xe máy đã có đợt thoái trào mạnh mẽ, nhưng lúc đó nguyên nhân được cho là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tổng cầu giảm mạnh. Sau đó vào nửa đầu năm 2022, các thương hiệu xe máy lớn bứt tốc trở lại, chênh lệch giá giữa đề xuất của hãng và bán lẻ của đại lý lên tới mức kỷ lục. Nhưng mọi việc cũng chỉ có vậy, bước qua tháng Ngâu giá nhiều dòng xe đang tháo phanh lao dốc.
Nguồn xe đang về nhiều tại các đại lý ở Hải Phòng.

          Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế suy giảm, nhu cầu đi lại cũng như thu nhập của người dân giảm theo, thì thị trường xe máy cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

          Đặc biệt trong năm 2021, thị trường cả nước ngập ngụa trong vòng xoáy đại dịch, tình trạng xe máy ế ẩm càng rõ, nhờ vậy mà câu chuyện làm giá của các thương hiệu lớn cũng nhạt nhòa, thậm chí nhiều mẫu xe được bán thấp hơn giá đề xuất cũng tiêu thụ rất chậm.

Và khi chìm sâu trong không khí tiêu thụ ảm đạm, các hãng xe mở cuộc cạnh tranh về mẫu mã, cùng với đó là các chương trình khuyến mại rầm rộ, với hy vọng “vớt vát” sự cảm thông của “thượng đế” trong điều kiện nền kinh tế đìu hiu.        Cụ thể, cùng thời điểm này năm 2021, thương hiệu Honda vốn nổi tiếng về mọi phương diện, kể cả cái cách “làm giá, đẩy hàng” lại dường như đi đầu trong cuộc đua khuyến mại. Trong đó, khuyến mại “khủng” nhất có lẽ là dòng xe Winner X150, được áp dụng các chế độ hỗ trợ vốn, đồng thời với việc giảm giá tới gần chục triệu đồng/chiếc so với giá đề xuất.

Tại Hải Phòng, nhà phân phối HP còn mạnh tay “chạy” mỗi tháng 3 ngày siêu khuyến mại, đưa giá chiếc xe Winner X từ bình quân 45 triệu đồng xuống còn 31 triệu đồng, bao gồm cả chi phí đăng ký.

Trong khi đó, dù không hỗ trợ giá lớn như Honda, nhưng các nhà sản xuất khác như Yamaha, Suzuki, SYM… cũng liên tục tung ra các gói khuyến mại, từ tặng quà, giảm giá đến tặng phiếu mua sắm và bốc thăm trúng thưởng cho hầu hết các sản phẩm của hãng.

Trở lại với việc xe máy bị làm giá,trong thời gian dài, dư luận nhiều phen nhức nhối vì giá xe máy luôn bị đẩy lên ngoài tầm kiểm soát, khi hầu hết giá bán lẻ ở đại lý đều tăng cao hơn giá đề xuất của nhà sản xuất.

Những tưởng sau cơn thoái trào, trong hoàn cảnh nền kinh tế giảm sút, thu nhập của người tiêu dùng bấp bênh vì đại dịch Covid-19, thị trường xe máy sẽ trở lại bình thường, trả lại môi trường lành mạnh trong sự vận động của quy luật cung cầu.

Nhiều mẫu xe giảm giá, khách hàng Hải Phòng tranh thủ mua sắm.

Nhưng bắt đầu từ tháng 3/2022, niềm hy vọng trên lại một lần nữa thành ảo vọng, khi thị trường xe máy “trở mặt” về với vòng tua cũ, tức là câu chuyện làm giá lại làm nóng thị trường. Khởi nguồn từ việc các hãng xe đồng loạt điều chỉnh tăng giá đề xuất nhiều dòng xe, nhưng với lý do khá thuyết phục là do biến động thương mại quốc tế.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đứt gẫy chuỗi cung ứng linh kiên, vì tác động kép liên quan đến xung đột Nga – Ukaine cũng như việc Trung Quốc thắt chặt của biên giới để chống dịch Covid-19, khiến nhiều đại lý không còn xe để bán.

Đáng nói là, câu chuyện trên xảy ra đúng thời điểm thị trường Việt Nam trở lại trạng thái bình thường, tổng cầu xã hội tái gia tăng, khi hàng càng khan người mua lại càng đông, và một bộ phận người tiêu dùng tiếp tục “đổ dầu” vào “lửa thị trường”.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Đ. – cán bộ quản lý một đại lý của Honda tại Hải Phòng cho biết, các dòng xe càng bị đẩy giá, càng hiếm thì lượng khách đặt mua càng đông. Trong đó không ít khách hàng chấp nhận mọi điều kiện của đại lý, sẵn sàng mua trả góp để đợi hàng.

Trong đợt làm giá này, hãng Honda vẫn lập kỷ lục, khi có hàng chục dòng xe được bán lẻ cao ngất ngưởng vượt xa giá đề xuất. Có thể kể như giá bán lẻ xe SH 350i có lúc cao hơn giá đề xuất khoảng 20 triệu đồng; xe SH 125i bán lẻ cao hơn giá đề xuất khoảng 15 triệu đồng/chiếc; xe SH Mode 125 giá bán lẻ cao hơn giá đề xuất 25 triệu đồng/chiếc…

Nhưng kỷ lục cao nhất có lẽ thuộc về dòng xe Vision, khi giá đề xuất chỉ trên 31 triệu đồng/chiếc, nhưng đã có lúc giá bán lẻ lên tới 65 triệu đồng/chiếc mà người muốn cũng không có mà mua.

          Kéo dài khoảng 4 tháng khủng hoảng cả về giá và số lượng cung ứng, đến tháng Ngâu vừa qua thị trường xe máy bắt đầu giảm nhiệt. Những gì đang diễn ra cho thấy thị trường xe máy trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều yếu tố bất ngờ, khi hàng loạt dòng xe lao dốc từ giá đỉnh trước đó.

          Cũng lấy thương hiệu Honda làm ví dụ, dù giá nhiều dòng xe vẫn cao hơn giá đề xuất, nhưng giảm rất mạnh so với giá đỉnh hồi giữa năm. Chẳng hạn như mẫu Vision hiện chỉ còn bình quân 37 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất khoảng 5 triệu đồng/chiếc. Mẫu xe SH Mode dao động trong khoảng từ 65 triệu đồng đến 70 triệu đồng, cao hơn mức đề xuất bình quân 10 triệu đồng/chiếc.

          Ông Nguyễn Quang K. – phụ trách một đại lý xe máy chia sẻ, hiện lượng xe nhập về nhiều nhưng giá vẫn chưa thực sự ổn định, tuy nhiên hầu hết các dòng xe đang giảm hướng về gần giá đề xuất của nhà sản xuất.

          Dù vậy giá bán lẻ cụ thể lại tùy thuộc vào điều kiện của từng đại lý, chẳng hạn cùng là xe SH Mode bản tiêu chuẩn, hai đại lý của Honda cách nhau chỉ 1km trên đường Lạch Tray, nhưng lại có giá bán lẻ chênh nhau 2,5 triệu đồng/chiếc.

          Cho thấy, dù giá xe máy đang giảm sốt, nhưng chưa thực sự đảm bảo sự yên tâm cho người tiêu dùng, nhất là khi thị trường hàng hóa cuối năm đã bắt đầu rục rịch khởi động.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông