11:05 01/01/2022 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ còn hơn một tháng nữa, theo thông lệ, khoảng thời gian này chính là dịp thị trường hàng tiêu dùng trở nên sôi động, trong đó có thời trang mùa đông. Nhưng năm nay, mặc dù thời tiết có nhiều đợt lạnh kéo dài, nhưng nhóm hàng thời trang liên quan lại tiêu thụ rất chậm, ở cả các phân khúc.
Không khí ảm đạm bao trùm mọi phân khúc thị trường thời trang
Khác với những năm trước, khi mùa đông đến thị trường quần áo chống rét luôn là một trong những mảnh đất “màu mỡ”, hứa hẹn doanh thu cao đối với đông đảo bà con tiểu thương. Nhưng năm nay, dù thời tiết khá lạnh, nhất là đợt lạnh đang diễn ra đã kéo dài gần hai tháng, nhưng nhóm hàng này vẫn luôn ở trong tình trạng ảm đạm.
Bà Bùi Thu H. – một tiểu thương đã gắn bó với nghiệp buôn bán quần lâu lăm ở cợ Tam Bạc chia sẻ: “Chưa năm nào quần áo mùa đông lại ế như năm nay, ngồi chợ cả ngày có khi không một khách nào hỏi đến…”.
Theo lý giải của bà H., quần áo bán ở chợ truyền thống hiện nay chủ yếu thuộc nhóm trung bình trở xuống, cơ bản không nhiều hàng cao cấp, vốn dĩ thuộc nhu cầu mua sắm của những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhóm khách hàng này thu nhập ngày càng giảm sút, trong khi quần áo mùa đông là loại thời trang có thể sử dụng nhiều mùa vụ, nên năm nay ít người quan tâm đến hàng mới cũng là điều dễ hiểu. “Dịch bệnh thế này, người ta lo ăn cũng còn mệt, hơi đâu mà lo đến mặc, suy từ mình mà ra…” – Bà H. ngậm ngùi than vãn.
Đồng cảnh với bà H., bà L. ngồi kế bên cũng chia sẻ, gia đình bà vốn bám chợ với mặt hàng quần áo từ thời bao cấp, ngoài quầy hàng ở chợ, bà còn có shop thời trang khá lớn ở đường Đà Nẵng do con gái quản lý. Mọi năm hàng bán chạy, hàng ở chợ và Shop được trao đổi qua lại, kết quả kinh doanh còn tạm ổn.
Năm nay, cả chợ và Shop đều gặp khó, thời trang các loại đều ế chứ không riêng nhóm hàng bình dân. Hơn nữa, cũng theo bà L., thời tiết năm nay lạnh kéo dài nhưng chưa có đợt rét đậm, rét hại nào đáng kể, nên nhu cầu đột biến cũng không phát sinh. Bà L. nói: “Vả lại, thời buổi dịch Covid-19, ai ra đường cũng khẩu trang bịt mồm, còn ai nhận ra ai nữa đâu mà người ta quan tâm đến mặc đẹp”.
Khảo sát cả các chợ truyền thống và các gian hàng thời trang ở siêu thị cho thấy, tình trạng chung là rất vắng khách. Trong khi đó, về hình thức thì thị trường năm nay không có nhiều sản phẩm mẫu mới, nhất là nhóm sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã mang tính định hướng thị trường nhiều năm qua.
Mức giá bình quân của nhóm hàng này cũng chỉ ngang bằng, thậm chí giảm hơn so với năm trước. Đơn cử những chiếc áo gió hai lớp, chất liệu và kiểu dáng khá đẹp dao động từ 150 nghìn đồng đến 280 nghìn đồng/chiếc; áo ba lớp dao đọng từ 250 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/chiếc… rất khó tìm thấy ở khu vực này mặt hàng có giá đến tiền triệu.
Khi dịch bệnh hoành hành, thu nhập giảm sút, nhu cầu đi lại giao tiếp cũng không còn tấp nập như trước, nhiều chủ hàng xoay xở tìm cách bán hàng qua mạng. Chị Nguyễn Hồng N. – một chủ Shop ở đường Lê Lợi cho biết, chị N. mở cửa hàng thường dành cho khách quen và một số người thích đến tận nơi chiêm nghiệm, phần còn lại chị N. đặt kỳ vọng vào bán hàng online. Nhưng năm nay, quần áo mùa đông ở Shop của chị N. tiêu thụ rất yếu trên cả hai kênh, doanh thu giảm, không ít lô hàng phải giảm giá bán tháo.
Nói thêm về kinh doanh online, chị N. tâm sự: “Bán online tưởng nhàn nhưng mệt mỏi lắm, phải rèn giọng, tập diễn tốt để trực tuyến mà mời chào, vả lại phải liên tục nghiên cứu các chiêu trò khuyến mại nữa mới thu hút được khách”.
Chưa kể, bán hàng online lại phải có hệ thống dịch vụ kết nối, nhận đơn ngã giá xong, phải có ngay các shipper nhận chuyển hàng. “Gặp phải khách hàng khó tính hoặc xấu tính là đau đầu lắm” – Chị N. bộc bạch. Tuy nhiên, theo chị N. là bán hàng online ưu thế hơn cửa hàng trực tiếp ở khoản tiết kiệm đầu tư cơ sở như biển hiệu, quầy kệ, chi phí tiền thuê nhà…
Trở lại với thị trường thời trang mùa đông, ngoài quần áo, một phân nhóm khác đi kèm cũng chung cảnh ngộ ế ẩm là các loại giày dép. Nếu như những năm trước, tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh được xem như là “phố giày” lớn bậc nhất của Hải Phòng, lượng khách ra vào cũng rất tấp nập, thì năm mô tả theo cách của ông Trần Văn T. – chủ một Shop giày ở đây là “quá bết”.
Không những chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải gián đoạn kinh doanh kể từ năm ngoái, mùa năm nay tuyến hè phố này lại đang được đào bới thi công chỉnh trang, nên hoạt động buôn bán gần như đình trệ. Ông T. chia sẻ với giọng không mấy vui vẻ: “Khách đến không có lối vào, không có chỗ để xe thì bán cho ai”.
Trong bối cảnh khó khăn đó, điều dễ nhận thấy là các tiểu thương đang sử dụng phổ biến phong trào khuyến mại để kích cầu. Đi đến các siêu thị hay cửa hàng dọc các tuyến phố, dường như điểm bán hàng nào cũng trưng biển khuyến mại khủng, nào “Giảm giá đến 50% các mặt hàng quần áo”; “Xả hàng cận Tết”; “Mua 2 tặng 1”; “Đồng giá 200k”… nhưng tình hình cũng không được cải thiện là bao.
Cho thấy, hoàn cảnh của phân khúc thị trường thời trang mùa đông cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nhóm hàng, giữ vòng xoáy của đại dịch Covid-19.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão