09:20 06/08/2023 Nửa đầu năm 2023, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) khối quận, huyện đã có những bước phát triển quan trọng.
Theo thông tin từ Sở KH&CN thành phố, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã triển khai 7 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn, miền núi nhằm xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế nông nghiệp, thuỷ sản của Trung ương.
Trong đó, Sở KH&CN đã đánh giá, nghiệm thu dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm (Scylla sp.) tại Hải Phòng; chuẩn bị đánh giá, nghiệm thu dự án Ứng dụng KH&CN xử lý chất thải chăn nuôi lợn làm phân bón hữu cơ vi sinh sử dụng cho sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Hải Phòng.
Song song, 5 dự án tiếp tục được triển khai tại các quận, huyện gồm: Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm rươi; Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bớp; Nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo; Sản xuất và sơ chế nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp; Mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ các loại rau, củ, quả chất lượng cao tại thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ cấp thành phố và 2 nhiệm vụ cấp cơ sở thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, khoa học xã hội - nhân văn.
Về hoạt động sở hữu trí tuệ, các huyện Cát Hải, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy đã phối hợp với Sở KH&CN, đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai 6 dự án hỗ trợ quản lý khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố, bao gồm: Chỉ dẫn địa lý Vĩnh Bảo cho sản phẩm thuốc lào, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; Các nhãn hiệu chứng nhận: “Cát Hải” cho sản phẩm nước mắm của huyện Cát Hải, “Cát Bà Xanh” cho sản phẩm mật ong Cát Bà, huyện Cát Hải; Các nhãn hiệu tập thể: Chả cá Chày Đai Hợp, đặc sản xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy; Gà Trân Châu - đặc sản Cát Bà - Hải Phòng; “Liên Khê” cho sản phẩm quả na, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Đến nay, Sở KH&CN đã nhận được đề xuất của 5 quận, huyện (Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Cát Hải, Thủy Nguyên, Đồ Sơn) cho 14 sản phẩm là các sản phẩm chủ lực, đặc sản làng nghề, sản phẩm OCOP tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố.
Cùng với đó, khối các quận, huyện trên địa bàn thành phố đồng thời tập trung đẩy mạnh triển khai công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong 44 sáng kiến của các sở, ngành, quận, huyện được UBND thành phố công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng thành phố năm 2022, khối quận, huyện đóng góp 24 sáng kiến.
Trong đó, huyện Vĩnh Bảo có 4 sáng kiến được công nhận; các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền có 3 sáng kiến được công nhận; các huyện An Lão, Cát Hải, Kiến An và các quận Đồ Sơn, Lê Chân có 2 được công nhận; các huyện An Dương, Thủy Nguyên và các quận Dương Kinh, Hải An có 1 được công nhận.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN, khối các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm, trong đó tập trung triển khai Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đến năm 2025; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, sáng kiến, sáng tạo.
Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thành phố trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới, sản phẩm, thiết bị mới vào sản xuất và đời sống; phổ biến, lựa chọn các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để áp dụng tại địa phương...
CẨM TÚ
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão