15:43 16/10/2022 Có thể nói, trong 6 ngành kinh tế được chọn lọc ưu tiên phát triển đề cập tại Nghị quyết 36-NQ/TW, thì ngoại trừ khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển còn ở dạng tiềm năng, còn lại 5 ngành đang được Hải Phòng triển khai tích cực. Cụ thể là: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Đối với Hải Phòng, vấn đề đáng quan tâm nhất vẫn là dịch vụ cảng, được coi như trung tâm phát triển mà các phân ngành khác là cơ sở vệ tinh. Mặc dù có những bứt phá mạnh mẽ, nhưng trong thời gian khai thác hết tầm công suất, do kết cấu hạ tầng cũ nên hệ thống cảng truyền thống của Hải Phòng đã bộc lộ nhiều bất cập.
Tuy nhiên, điều này hiện đang trong hướng mở, với việc dịch chuyển dần hệ thống cảng ra phía biển, khai thác hiệu quả về độ sâu, đầu tư tập trung với trang thiết bị hiện đại, vận hành theo mô hình logistics, Hải Phòng sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện hoàn thành.
Một mũi nhọn đột phá khác được thành phố khai thông rõ nét, đó là phát triển hạ tầng du lịch biển. Có thể thấy, trong một giai đoạn khá dài chúng ta mới chỉ dừng ở mức khai thác tiềm năng sẵn có, nhưng bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, sức ép khai thác của du lịch đã làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị tự nhiên. Gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học biển được thành phố quan tâm nhiều hơn.
Với việc xác định rõ tính cơ yếu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thay cho việc tận dụng khai thác, Hải Phòng đã và đang làm mới bằng việc bổ sung làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.
Đặc biệt, thành phố đang đẩy mạnh giải quyết dứt điểm những hạn chế về một số dự án phát triển du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú thứ hạng cao, dịch vụ phụ trợ… nhất là hạn chế đặc thù của du lịch biển là khai thác theo tính mùa vụ. Vấn đề này cũng được đề cập khá rõ trong Chương trình hành động 72-CTr/TU và Nghị quyết Đại hội XVI, theo đó xác định du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế mũi nhọn.
Để thực thi, thành phố sẽ lựa chọn tư vấn trong nước và nước ngoài có uy tín để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, coi trọng phát triển du lịch biển, đảo. Xây dựng du lịch biển có quy mô, tầm cỡ quốc gia có vị trí trong khu vực để từ đó hình thành các cơ sở và dịch vụ cho các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển, cũng như tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch biển, đảo.
Trên lĩnh vực kinh tế thủy sản, nguồn lợi của Hải Phòng đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo, trong việc bảo tồn, tái tạo, phát triển. Trong khi công tác quy hoạch liên quan đến lĩnh vực này hiện chưa thực sự rõ nét, thì quá trình khai thác cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Mặt khác phương thức và công cụ đánh bắt đã xâm phạm nghiêm trọng đến khả năng tái sinh, sản lượng lớn, khai thác tận thu, nhưng công nghiệp chế biến lại có chiều hướng đi xuống. Rõ ràng những điều này cần phải được khắc phục, để Hải Phòng thực sự trở thành một trung tâm giống, thức ăc, chế biến, xuất khẩu của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Điều quan trọng nữa là, phát triển kinh tế biển của Hải Phòng ảnh hưởng rất nhiều từ sự tác động của việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong những năm vừa qua, có thể khẳng định tốc độ phát triển hạ tầng giao thông Hải Phòng đứng đầu cả nước.
Hải Phòng đã khẳng định là đầu mối giao thông đa dạng hình hiện đại bậc nhất, kết nối từ tuyến địa đầu Móng Cái tới tận các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang kinh tế phía Bắc tới tận các tỉnh phía nam Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là Hải Phòng sẽ khai thác hạ tầng này như thế nào.
Trở lại với Chương trình hành động 72-CTr/TU, Hải Phòng đã bám sát quan điểm phát triển và mục tiêu của NQ36 và NQ45, nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, vị thế cũng như phát huy những kết quả đạt được thời gian qua.
Thành phố đã xác định trong giai đoạn tiếp theo, tập trung vào các vấn đề: hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế biển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, không gian biển; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế từ biển gắn với bảo tồn biển và đa dạng sinh học; giảm nhẹ, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng khu vực ven biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển và các vấn đề môi trường xuyên biên giới; toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế về dịch vụ hàng hải, cảng biển, du lịch biển. Đồng thời phát gắn với giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, quốc phòng trên biển.
Đáng chú ý là, thành phố đã định hình thứ tự ưu tiên phát triển kinh tế biển sát với thực tiễn. Trong đó kinh tế hàng hải được ưu tiên cao nhất, tiếp đó lần lượt là: dịch vụ và du lịch biển, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế huyện đảo, năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới.
Trong đó, với việc sở hữu hai huyện đảo, Hải Phòng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế huyện đảo thể hiện khát vọng và truyền thống sáng tạo mang đậm nét Hải Phòng. Bên cạnh đó, dịch vụ và du lịch biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển cũng được định hướng cụ thể hơn.
Rõ ràng, với những gì đã và đang hiện hữu, đã khẳng định phát triển kinh tế Hải Phòng chính là phát triển kinh tế biển, đồng nghĩa hành trình phát triển kinh tế Hải Phòng cũng là thực hiện lộ trình vươn ra biển lớn. Hy vọng trong tương lai gần, với những nỗ lực bứt phá, Hải Phòng sẽ xứng đáng không chỉ là trung tâm “kinh tế biển xanh” của Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu tăng trưởng xanh mà thành phố đang hướng tới, như tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW đã đề ra.
Lê Minh Thắng