09:08 22/10/2020 Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của cả nước, là hạt nhân và tuyến trục để làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tạo hành lang với độ mở lớn, là mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã xác định trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, bên cạnh lĩnh vực liên quan đến kinh tế đối ngoại đã và đang phát triển mạnh mẽ, phân khúc thương mại, dịch vụ nội địa vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Hải Phòng.
Mô hình thương mại hiện đại góp phần thay đổi mạnh mẽ kết cấu lưu thông của Hải Phòng những năm qua
Hải Phòng mạnh hơn nhiều so với các địa phương trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ nếu xét về lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ, rõ nhất là phát triển kinh tế biển. Thực tế nhiều năm qua, Hải Phòng đã khá rõ nét với vai trò là một trung tâm công nghiệp - thương mại và dịch vụ tầm cỡ ở khu vực phía Bắc, được hình thành cả từ điều kiện tự nhiên lẫn vận động của thời gian.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố (2015-2020), Hải Phòng đã cso bước nhảy vượt bậc về phát triển hạ tầng, nhất là những hạ tầng tiền đề cho phát triển thương mại, dịch vụ như đô thị, giao thông, du lịch… Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, điều kiện tiên quyết cho lưu thoát hàng hóa và dịch vụ vận tải, bên cạnh việc khánh thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện, nâng cấp quốc lộ 10… thành phố đã triển khai nhiều dự án hạ tầng rất lớn khác.
Cho thấy Hải Phòng dang đình hình rõ nét là đầu mối của một hệ thống thương mại, dịch vụ hiện đại bậc nhất, kết nối tuyến địa đầu Móng Cái tới các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang phía Bắc tới tận các tỉnh Nam Trung Quốc.
Đó là kết quả vận dụng hợp lý các nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương, với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng của 5 dạng hình giao thông đồng bộ. Trong đó vai trò dịch vụ cảng biển vẫn giữ vị thế quan trọng nhất, kết nối hầu hết các dạng hình còn lại. Sự phát triển của cảng biển Hải Phòng sẽ tiếp tục được coi là trung tâm, đảm bảo hoạt động giao thương hiệu quả giữa dịch vụ vận tải biển với hệ thống giao thông còn lại.
Về lý thuyết, hoạt động thương mại, dịch vụ qua cảng đạt hiệu quả cao sẽ tạo động lực hữu cơ để các ngành nghề thương mại, dịch vụ mang tính phục vụ (thương mại, dịch vụ nội địa) phát triển theo. Từ đó tạo ra kết cấu vị thế, để Hải Phòng thúc đẩy đồng bộ các dạng hình thương mại, dịch vụ từ quy mô nhỏ tới quy mô lớn.
Tại Đại hội XVI Đảng bộ thành phố vừa diễn ra, Báo cáo chính trị cho thấy: “Kinh tế dịch vụ của Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, có đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP của thành phố. Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực dịch vụ bình quân đạt 9,42%/năm. Thương mại có bước phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 34,42%/năm; sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân tăng 15,9%/năm; dịch vụ logistics tăng trưởng cao, bình quân đạt 23%/năm…”.
Trong khi đó, nhìn vào góc độ nội địa, điều tích cực là khi ở các địa phương khác, các mô hình kinh tế thương mại gặp nhiều trắc trở, thì nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ theo hướng trung tâm thương mại vẫn được đầu tư và đi vào hoạt động tại Hải Phòng. Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự mở rộng của các mô hình thương mại hiện đại, ngoài những siêu thị lớn như BigC, MM Mega Market, VinMart... sắp tới Hải Phòng có thêm một trung tâm quy mô cấp vùng đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là Aeon Mall. Chưa kể hệ thống các siêu thị điện máy và hàng tiêu dùng như Thegioididong, Điện Máy Xanh, MediaMart, HC, Nguyễn Kim, Pico...
Nhưng quan trọng hơn, nhờ thực hiện khá tốt quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, có thể thấy rõ hệ thống thương mại ngoài nhà nước ngày càng phát triển và khẳng định vị thế, với vai trò chủ đạo trong kiểm soát thị phần thành phố. Đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố cá nhân trong phát triển kinh tế.
Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của thành phố. Cụ thể ngành thương mại, dịch vụ nội địa thành phố gồm 3 khu vực chính: khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực vốn đầu tư nước ngoài, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm giữ khoảng trên 90 thị phần.
Tuy nhiên theo đánh giá thì sự tăng trưởng của thương mại, dịch vụ nội địa hiện chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, dung lượng trao đổi hàng hoá tăng nhanh nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế. Trong khi đó phần lớn cơ sở hạ tầng nội ngoại thương đã xuống cấp, đội ngũ cán bộ thương mại có xu hướng thiếu và yếu, công tác quản lý điều hành về thị trường còn nhiều bất cập.
Bất cập hơn khi nhìn vào hạ tầng thương mại truyền thống, với khoảng trên 150 chợ được xếp hạng trải khắp thành phố, chưa kể các chợ tạm chợ cóc cũng như hệ thống phân phối đường phố. Về hình thức, khu vực này đang giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng thương mại, dịch vụ hàng hóa tại chỗ, nhưng phần lớn là hỗn tạp, hình thái lạc hậu, văn hoá kinh doanh thiếu chuẩn mực.
Lê Minh Thắng (còn nữa)
20:40 23/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế