Tiếp tục hoàn thiện thể chế và thực hiện nghiêm minh công tác phòng, chống tham nhũng

13:25 24/12/2024

Sáng 24-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Dự tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố.

                               Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố dự tại điểm cầu Hải Phòng

          Trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt cho biết, trong kỳ báo cáo, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 45 trường hợp đã nộp lại quà tặng cho đơn vị theo quy định với số tiền hơn 739 triệu đồng.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người. Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

                            Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố dự tại điểm cầu Hải Phòng

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong 5 năm (giai đoạn 2020-2024), đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Việc thu hồi đạt tỷ lệ cao. Các vụ án đưa ra xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội được dư luận và nhân dân đồng tình đánh giá cao.

Các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý. Trong giai đoạn 2020-2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng…

Tại hội nghị, các đại biểu tham luận về chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong  phát biểu kết luận

 Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội.Cùng với đó, tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương là phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.

Đồng thời, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông